VDSC: Thị phần tài trợ thương mại của Vietcombank bị thu hẹp do cạnh tranh bởi các ngân hàng ngoại
Báo cáo phân tích về Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) công bố mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định Vietcombank đang chịu áp lực lớn trong hoạt động tài trợ thương mại quốc tế, vốn là điểm mạnh của ngân hàng.
VDSC cho biết bên cạnh thị trường thu hẹp quy mô, thì thị phần Vietcombank còn bị cạnh tranh bởi các ngân hàng ngoại vốn có lợi thế về quan hệ đối tác với các doanh nghiệp FDI đóng góp lớn vào xuất khẩu của Việt Nam, khiến nguồn thu từ tài trợ thương mại và thanh toán quốc tế giảm mạnh.
Trong thời gian tới, nhóm phân tích cho rằng việc giành lại thị phần của VCB là khả thi nhờ các đối tác xuất nhập khẩu lớn trong nước; nhưng thị phần riêng lẻ đối với nhóm FDI sẽ chưa cải thiện.
VDSC kỳ vọng sự phục hồi của thị trường tài trợ thương mại quốc tế theo sau phục hồi kinh tế sẽ giúp giảm áp lực từ cạnh tranh thị phần đối với Vietcombank. Bên cạnh đó, sự phục hồi của giao thương quốc tế và nền so sánh thấp, sẽ giúp thu nhập mảng này dần cải thiện.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, VDSC nhận định nguồn thu nhập từ thanh toán quốc tế của Vietcombank vẫn chưa tăng nhanh trở lại.
Cũng trong hoạt động thanh toán, VDSC đánh giá tích cực về hoạt động thẻ khi thu nhập phí từ mảng này tăng 15% trong năm qua; tuy nhiên chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong thu nhập dịch vụ thanh toán (15-16%).
Mặc dù số lượng thẻ tăng tốt, nhưng doanh số mảng thẻ giảm do số lượng giao dịch chịu tác động từ dịch bệnh.
Dựa trên yếu tố thu nhập phí yếu trong thị trường thanh toán đang tăng và gói tài khoản phí ưu đãi mới được phát hành nhằm thu hút tiền gửi thanh toán, VDSC cho rằng áp lực lên thu nhập từ dịch vụ thanh toán sẽ duy trì trong nhiều quý.
Mặt khác, VDSC nhận định bancassurance là điểm sáng trong hoạt động dịch vụ của Vietcombank trong năm qua.
VDSC cho rằng nếu không có thu nhập bất thường từ phí trả trước bancassurance (khoảng 80 triệu USD hàng năm), thì tăng trưởng thu nhập từ dịch vụ sẽ âm và thu nhập dịch vụ thuần chỉ đạt 37% trong quý IV/2020, thấp hơn nhiều so với mức 246% trên thực tế.
Thu nhập từ phí bancassurance được ước tính sẽ duy trì tăng trưởng cao và đóng góp nhiều hơn vào thu nhập dịch vụ trong tương lai.