|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VDSC dự báo lợi nhuận Đạm Phú Mỹ năm 2021 sẽ giảm 14,5%

11:40 | 18/11/2020
Chia sẻ
Theo VDSC, lợi nhuận sau thuế cả năm 2020 của Đạm Phú Mỹ có thể tăng vọt 110% lên 792 tỉ đồng. Tuy nhiên, sang năm 2021, lợi nhuận của doanh nghiệp được dự báo giảm 14,5% so với năm nay.

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa đưa ra đánh giá về triển vọng của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ - Mã: DPM) giai đoạn 2020 - 2021.

Theo đó, VDSC ược tính doanh thu Đạm Phú Mỹ năm 2020 giảm nhẹ 2% về 7.527 tỉ đồng, song biên lợi nhuận gộp có thể mở rộng lên mức 22,6% so với mức 18,2% trong năm 2019. 

Nguyên nhân là sản lượng năm nay dự báo tăng ấn tượng trên nền thấp của năm 2019 và nỗ lực tăng diện tích cây lương thực trên toàn cầu khi giá lương thực tăng cao sẽ thúc đẩy cầu về phân đạm.

Cùng với nỗ lực cắt giảm chi phí quản và khoản tiền bồi thường bảo hiểm 100 tỉ đồng cho sự cố dừng máy năm ngoái sẽ nhận trong quí IV/2020, lãi sau thuế cả năm của công ty dự kiến tăng ấn tượng 110% so với cùng kì lên 792 tỉ đồng. Do đó, VDSC kì vọng mức cổ tức năm 2020 là 2.000 đồng/cp, gấp đôi kế hoạch.

Sang năm 2021, sản lượng ure có thể giảm do kế hoạch dừng máy sửa chữa một tháng. Giá bán ure và NPK tăng nhẹ 3% theo đà hồi phục của kinh tế thế giới. Giá khí đầu vào tăng 7% so với cùng kì

Tiêu thụ NPK sẽ tăng theo nhu cầu của thế giới đối với các mặt hàng rau củ quả và cây công nghiệp, giúp tăng công suất nhà máy NPK lên 50%, tương ứng mức tăng sản lượng 32% so với cùng kì

Theo đó, doanh thu Đạm Phú Mỹ ước giảm 1,5% trong năm 2021 so với năm nay về 7.414 tỉ đồng, biên lợi nhuận gộp chung giảm về 20,6% do giá đầu vào tăng mạnh hơn giá bán. Cùng với khoản tiền bồi thường bảo hiểm 100 tỉ đồng còn lại, lãi sau thuế ước đạt 677 tỉ đồng, giảm 14,5% so với dự báo năm 2020.

9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận Đạm Phú Mỹ tăng vọt nhờ tăng xuất khẩu trong quí III, giá khí đầu vào thấp và nỗ lực cắt giảm chi phí.

Trong đó, sản lượng ure đạt 642.000 tấn, tăng 41% so với cùng kì, được hỗ trợ bởi nhu cầu phân bón thế giới trong quí III và nền thấp cùng . Giá bán giảm mạnh 16,2% so với cùng kì, chủ yếu do nhu cầu giảm trong quí II, nhưng đã tăng lại trong quí III

Sản lượng NPK 9 tháng tăng 30,8% so với cùng kì, riêng quí III tăng 32,5% so với cùng kì. Giá bán giảm 2,1% so với cùng kì do sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường NPK. Điều này là trở lực lớn đối với khả năng gia tăng sản lượng NPK. 

Tuy nhiên, do giá nguyên liệu giảm mạnh nên ước tính nhà máy NPK đã có lợi nhuận gộp sau 9 tháng đầu năm 2020, trong khi cùng năm ngoái chịu lỗ.

Ánh Hường