|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

VDSC dự báo ACB lãi trước thuế 15.400 tỷ đồng trong năm 2022, đâu là động lực chính?

08:22 | 19/03/2022
Chia sẻ
VDSC dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng năm 2022 ở mức 28%, đạt 15.400 tỷ đồng. Trong đó, chi phí tín dụng sẽ là yếu tố tăng trưởng lợi nhuận quan trọng.

Theo báo cáo cập nhật Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng giai đoạn 2022-2023 lần lượt ở mức 28% (15.400 tỷ đồng) và 22% (18.700 tỷ đồng).

Trong đó, thu nhập lãi thuần năm 2022 ước tính đạt 22.600 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Thu nhập lãi thuần năm 2023 dự báo đạt 26.300 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.

Thu nhập phí thuần giai đoạn 2022-2023 dự kiến sẽ tăng trưởng lần lượt 23% và 22%, dẫn dắt bởi doanh thu mảng bancassurance và tài trợ thương mại. Thu nhập từ mảng thẻ dự kiến sẽ cải thiện nhờ tung ra các sản phẩm mới và doanh số sử dụng thẻ phục hồi.

Nhóm chuyên gia cho rằng thu nhập phí thuần sẽ giúp lợi nhuận trước thuế của ACB tăng trưởng thêm 3% mỗi năm trong giai đoạn 2022-2023.

Doanh thu giai đoạn 2022-2023 được dự báo lần lượt đạt 27.700 tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ) và 32.800 tỷ đồng (tăng 19% so với cùng kỳ).

Sau hai năm đóng góp lớn vào tăng trưởng lợi nhuận nhờ giảm chi phí, hệ số CIR giai đoạn 2022-2023 được dự báo sẽ tăng trở lại do hoàn nhập dự phòng giảm và ACB đầu tư nhiều hơn vào số hóa.

Để ổn định nguồn tiền gửi không kỳ hạn trong bối cảnh lãi suất tăng và thu hút khách hàng, ACB sẽ phải chịu chi phí hoạt động. Quỹ đầu tư công nghệ ước tính khoảng 2.000-2.500 tỷ đồng đến năm 2024. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ duy trì hệ số CIR dưới 40%, VDSC nhận định.

Bên cạnh đó, chi phí tín dụng sẽ là yếu tố tăng trưởng lợi nhuận quan trọng. Đà giảm của rủi ro tín dụng nền kinh tế trong giai đoạn 2022-2023 sẽ là nền tảng để kiểm soát nợ xấu hình thành. Qua đó, quản lý chi phí tín dụng biên ở mức thấp.

"Thay đổi của chi phí dự phòng sẽ giúp lợi nhuận trước thuế ngân hàng tăng trưởng 17% vào năm 2022 và 5% vào năm 2023," báo cáo cho hay.

Lợi thế từ mảng bán lẻ và số hóa

Theo VDSC, số hóa sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hút khách hàng và duy trì lượng CASA hoạt động của ACB.

Những nỗ lực để số hóa hành trình khách hàng trong giai đoạn 2020-2021 đã mang lại quy mô CASA tăng trưởng bền vững và cơ sở khách hàng tăng thêm 1,7 triệu người cho ngân hàng.

Cơ sở tiền gửi không kỳ hạn đã duy trì tốc độ tăng trưởng dương theo quý kể từ đầu đại dịch. Điều này chứng tỏ chất lượng của tăng trưởng và cấu trúc cơ sở huy động, cũng như nhu cầu thanh toán thực của khách hàng.

Nhóm chuyên gia kỳ vọng xu hướng này sẽ được duy trì vào năm 2022 dựa trên mức độ gắn kết của tiền gửi bán lẻ, sự thay đổi hành vi gửi tiền và sự trung thành của khách hàng ACB. Tỷ lệ CASA trong trung hạn của ngân hàng dự báo ở mức 28%.

VDSC dự báo lãi trước thuế của ACB đạt 15.400 tỷ đồng trong năm 2022 - Ảnh 1.

 

Ngoài ra, cơ sở huy động của ACB chủ yếu được đóng góp bởi tiền gửi của khách hàng, trong đó tiền gửi phân khúc bán lẻ đóng góp phần lớn (80% vào năm 2021). Do đó, tăng trưởng huy động được thúc đẩy bởi khách hàng cá nhân.

Công ty chứng khoán ước tính rằng ACB đã giành thêm thị phần đáng kể tiền gửi phân khúc bán lẻ khi phân khúc này của ngành chỉ tăng trưởng 10% trong hai năm qua (2020-2021).

Phương Nga