|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VCCI: 58% doanh nghiệp vẫn phải xin 'giấy phép con'

17:11 | 20/11/2018
Chia sẻ
Doanh nghiệp đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết 19 và 35 đã mang lại sự cải thiện tích cực, đáng kể, nhất là về thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng, nhưng vẫn có đến 58% doanh nghiệp phản hồi phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện. 

Các ý kiến tại hội thảo về việc thực hiện Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 20/11 đều cho rằng, các Nghị quyết 19 được ban hành từ 2014 đến nay rất khác biệt so với các nghị quyết khác về phương pháp tiếp cận.

vcci 58 doanh nghiep van phai xin giay phep con

Thông thường, các Nghị quyết khác chỉ đưa ra định hướng chung, các mục tiêu định tính và chỉ xét trong bối cảnh riêng có của Việt Nam mà không có sự so sánh, cạnh tranh với quốc gia khác. Nghị quyết 19 sử dụng một số tiêu chuẩn quốc tế về đánh giá môi trường kinh doanh, ví dụ chỉ số Doing Business của Ngân hàng Thế giới.

Trong khi đó, Nghị quyết 35 đặt ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2020 Việt Nam có được ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, khu vực tư nhân phải đóng góp được khoảng 48-49% GDP, khoảng 49% tổng đầu tư toàn xã hội.

Hai lĩnh vực cải thiện lớn nhất

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá rất cao Nghị quyết 35 khi chỉ rõ 10 nguyên tắc quan hệ giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. “Đó là những nguyên tắc hết sức căn cơ, mà trước hết là nhà nước phải xác định lại vai trò của mình trong kinh tế thị trường. Phải thực hiện đúng những nguyên tắc này thì mới có những thay đổi cơ bản”, bà Lan nói.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI, nhìn chung, các doanh nghiệp qua khảo sát của VCCI đều nhận thấy môi trường đầu tư kinh doanh trong vài năm trở lại đây có sự cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, mức độ cải thiện là chưa đồng đều giữa các lĩnh vực, các địa phương.

Theo khảo sát 10.000 doanh nghiệp dân doanh về sự cải thiện trên các lĩnh vực của Nghị quyết 19, thì hai lĩnh vực được đánh giá tốt nhất là thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng. Trong khi đó, các lĩnh vực về thủ tục xuất nhập khẩu, bảo vệ nhà đầu tư và phá sản doanh nghiệp được xem là không có cải thiện đáng kể.

Cụ thể hơn, đa số các doanh nghiệp được hỏi cho biết hài lòng về thủ tục đăng ký kinh doanh. Đây là lĩnh vực được các doanh nghiệp đánh giá là có mức độ cải thiện lớn nhất trong các lĩnh vực của Nghị quyết 19.

Về tiếp cận điện năng, điều tra PCI cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tốt về hạ tầng điện có xu hướng tăng dần qua các năm, từ mức 59% năm 2014 lên mức 74% năm 2017. Hầu hết các doanh nghiệp được hỏi đều phản ánh tích cực về độ ổn định điện năng. Các doanh nghiệp cũng đồng tình với việc thủ tục đấu nối điện cũng có nhiều bước tiến bộ đáng kể, đặc biệt là sự nhiệt tình chăm sóc khách hàng của nhân viên điện lực.

vcci 58 doanh nghiep van phai xin giay phep con
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại hội thảo. - Ảnh: VGP

Xin giấy phép con vẫn phổ biến

Việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh ở các Bộ có nhiều bước tiến đáng ghi nhận. Tính cho đến hết tháng 10/2018, đã có 15 Nghị định về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành.

Tuy nhiên, khảo sát cho thấy mức độ thực chất của việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh (bãi bỏ những điều kiện bất hợp lý, không minh bạch, không khả thi) thì không đồng đều giữa các bộ, thậm chí không đồng đều giữa các lĩnh vực khác nhau của cùng một bộ.

Từ góc độ của các doanh nghiệp, việc phải xin các giấy phép con vẫn diễn ra phổ biến và gặp nhiều khó khăn. Theo kết quả điều tra PCI 2017, vẫn có đến 58% trên tổng số doanh nghiệp phản hồi phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện. Trong đó, có 42% doanh nghiệp cho biết có gặp khó khăn khi xin những giấy phép loại này.

“Các bộ đều báo cáo đã hoàn thành mục tiêu cắt giảm ít nhất 50% điều kiện kinh doanh, nhưng theo đánh giá của chúng tôi, cắt giảm có tác động thực chất chỉ khoảng trên 40%”, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trương Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định.

Thương mại qua biên giới là một trong ba lĩnh vực thuộc Nghị quyết 19 được doanh nghiệp đánh giá có ít chuyển biến nhất, khi chỉ có 43% doanh nghiệp được hỏi quan sát thấy lĩnh vực này có sự thay đổi tích cực, theo kết quả điều tra PCI năm 2017.

Mặc dù vậy, một tín hiệu rất đáng ghi nhận là doanh nghiệp tại một số địa phương lại có đánh giá khá tốt về sự chuyển biến của lĩnh vực xuất nhập khẩu. Đó là những tỉnh đầu mối về hoạt động xuất nhập khẩu sôi động và một số tỉnh có nhiều doanh nghiệp định hướng xuất khẩu như Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Định, Vũng Tàu, Bình Dương, Long An…

Đặc biệt, Nghị định 15/2018/NĐ-CP (thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP) về an toàn thực phẩm là một trong những Nghị định tốt nhất theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp. Nghị định 15/2018/NĐ-CP được đánh giá là sự thay đổi không chỉ trên bề mặt quy định pháp luật, mà đó là thay đổi cả về tư duy quản lý.

Xin giấy phép xây dựng vẫn khó khăn

Mặc dù có thứ hạng cao qua kết quả công bố của Ngân hàng Thế giới trong Chỉ số Doing Business qua nhiều năm, nhưng trung bình trên cả nước chỉ có 49% doanh nghiệp nhận thấy lĩnh vực này có chuyển biến tích cực.

Đa số các doanh nghiệp được phỏng vấn cho biết việc xin giấy phép xây dựng và thẩm định phương án phòng cháy chữa cháy tương đối khó khăn. Việc thực hiện thủ tục hành chính phức tạp thường khiến nhiều doanh nghiệp phải thuê khoán dịch vụ, tư vấn, thay vì có thể tự làm trên thực tế.

Chỉ số đăng ký bất động sản của Việt Nam tụt hạng khá nhiều từ thứ 33 năm 2015 xuống thứ 60 năm 2019. Theo khảo sát của VCCI, việc thực hiện nhiệm vụ này từ phía Bộ Tài nguyên và Môi trường còn nhiều điểm đáng bàn.

Khác với các bộ ngành khác, nhóm nghiên cứu thấy rằng mức độ tìm hiểu đầy đủ về phương pháp đánh giá của Doing Business của Bộ Tài nguyên và Môi trường không chi tiết như các bộ, ngành khác. Trên thực tế, Bộ này thực hiện cải cách thủ tục đăng ký đất đai một cách đơn lẻ, chưa có sự phối hợp với các cơ quan khác như thuế và công chứng để có thể cải cách mạnh mẽ hơn.

Trong chỉ tiêu của WB đánh giá môi trường kinh doanh, có hai chỉ tiêu liên quan chặt chẽ đến cải cách tư pháp là thực thi hợp đồng và giải quyết phá sản. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu ghi nhận thực tế rằng cải cách tư pháp tại các địa phương diễn ra rất chậm. Tất cả các luật sư được hỏi đều cho biết việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại và phá sản vẫn mất rất nhiều thời gian mà hiệu quả không cao.

Nhiều địa phương cải thiện rõ rệt về thủ tục

Ở các địa phương, một số tỉnh, thành phố được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao như Đồng Tháp, Đà Nẵng, Bình Định, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Phúc, An Giang, Long An. Khu vực có tỷ lệ doanh nghiệp cảm nhận tích cực nhất là Đồng bằng Sông Cửu Long.

Đa số các doanh nghiệp và luật sư đều phản ánh có sự cải thiện rõ rệt ở nhiều địa phương về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, vẫn có một vài ý kiến đánh giá cho thấy sự chững lại, thậm chí có dấu hiệu đi xuống về mức độ thuận tiện khi làm thủ tục hành chính ngay cả tại một số địa phương trước nay vẫn được đánh giá cao.

Việc điện tử hoá các thủ tục thuế, hải quan và bảo hiểm xã hội trong những năm gần đây được các doanh nghiệp đánh giá cao. Có doanh nghiệp phản ánh tình trạng khó khăn khi làm thủ tục thuế, hải quan và bảo hiểm xã hội trong giai đoạn trước, nhưng trong khoảng 4-5 năm trở lại đây thì không còn tình trạng này.

Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ người dân và doanh nghiệp làm thủ tục điện tử vẫn còn rất thấp. Có doanh nghiệp và nhiều luật sư phản ánh tình trạng nộp hồ sơ trực tuyến, nhưng sau đó không thực hiện hiện được lại phải quay trở lại nộp trực tiếp. Có rất nhiều những “trục trặc” được liệt kê như: Không tải được hồ sơ lên; tải lên rồi nhưng không có thông báo đã tiếp nhận hay không cấp được mã số hồ sơ để tra cứu...

“Nhìn chung có sự cải thiện tích cực về môi trường đầu tư và biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng khoảng cách từ chính sách hỗ trợ đến đối tượng thụ hưởng còn khá xa và không gian cải cách còn rất rộng. Vẫn còn những cơ quan nghĩ rằng chỉ cần ban hành chương trình hành động là xong, nhưng doanh nghiệp thì không nghĩ như vậy”, ông Tuấn nói.

Bà Lan Phạm Chi cũng cho rằng, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 là rất khó khăn để đạt được. Bà kiến nghị cần tập trung cao hơn nữa cho cải cách bộ máy. “Việc cải cách hành chính là cho chính cơ quan nhà nước chứ không phải chỉ cho doanh nghiệp”, bà Lan nhận định, đồng thời kiến nghị đẩy mạnh hơn nữa việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh trong bối cảnh nhiều Bộ chưa chủ động.

Xem thêm

Hà Chính