|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VCBS: Áp lực giảm giá thép còn lớn, Hoà Phát có thể ghi nhận lỗ vào quý II

15:22 | 12/05/2023
Chia sẻ
Sau hai quý liên tiếp lỗ ròng, quý I/2023, Hoà Phát đã có lãi ròng 398 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, VCBS dự báo kết quả kinh doanh quý II sẽ gặp nhiều khó khăn trước bối cảnh sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và giá bán thép sụt giảm.

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), giá thép có sự hồi phục lớn ở cuối quý I là yếu tố chính dẫn tới lợi nhuận của CTCP Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) dương trở lại. 

Tuy nhiên, giá thép đã giảm mạnh trong giai đoạn cuối tháng 4, trong khi, giá nguyên liệu đầu vào cũng cho thấy sự hạ nhiệt. Giá quặng sắt và thép phế đã trở lại vùng thấp của năm 2020, than cốc cũng giảm trong bối cảnh giá năng lượng sụt giảm.

Trong thời gian tới, áp lực giảm giá thép vẫn còn lớn khi triển vọng nhu cầu còn ảm đạm do lãi suất cao.

Trên thế giới, đến nay, các vấn đề của thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết, do đó, nhu cầu xây dựng vẫn rất yếu và tác động xấu tới giá thép trong năm 2023 (thể hiện qua chỉ số RMI Index duy trì mức rất thấp).

Trong khi nhu cầu tại các thị trường như châu Âu, Mỹ cũng được đánh giá là kém tích cực khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức cao. Sự gia tăng nhu cầu đột biến với sản phẩm HRC trong quý I đến từ nhu cầu nhập trữ hàng tồn kho sau thời gian dài không nhập. VCBS kỳ vọng hoạt động xuất khẩu thép HRC được cải thiện hơn tuy nhiên sẽ duy trì ở mức thấp như hiện tại. 

(Nguồn: VCBS).

Ở thị trường nội địa, VCBS cho rằng bất động sản dân dụng chưa ghi nhận nhiều biến chuyển. Nguồn cung tiềm năng trong tương lai sụt giảm mạnh ở quý I, phần nào thể hiện được sự khó khăn trong nhu cầu tiêu thụ thép ở các quý tiếp theo.

Trong khi, đầu tư công khó có thể là cú hích cho ngành thép bởi tỷ trọng đầu tư công trong tổng lượng tiêu thụ thép là không đáng kể (chiếm 10-15%). Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn khá chậm, do đó, kỳ vọng về tăng trưởng tiêu thụ ở khu vực này sẽ tiêu cực trong năm nay. 

(Nguồn: VCBS). 

Bên cạnh đó, Hoà Phát đang sản xuất với hiệu suất khoảng 70% tổng công suất thiết kế, điều này làm cho biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp ở mức khoảng 2-3% và không đạt được lợi ích kinh tế theo quy mô.

Trước bối cảnh sản lượng tiêu thụ thép xây dựng tiếp tục sụt giảm và giá bán thép bắt đầu giảm mạnh trong quý II, Hoà Phát có thể chịu áp lực trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho lớn khi công ty đã cho hoạt động lại một lò cao.

Công ty cũng dự kiến sẽ mở lại 2 lò cao trước ngày 20/5 và vận hành đủ 7 lò cao vào cuối tháng 5. Theo VCBS, kế hoạch mở lại lò cao sẽ khá thách thức trong bối cảnh nhu cầu còn nhiều khó khăn.

Vì vậy, kết quả kinh doanh của Hoà Phát trong quý II sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức và có thể sẽ ghi nhận lỗ trở lại.

Năm 2023, VCBS dự phóng doanh thu của Hoà Phát sẽ ở mức 111.538 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 7.284 tỷ đồng, lần lượt giảm hơn 21% và 14% so với năm ngoái.

Đồng thời, dự phóng này cũng thấp hơn 25,6% kế hoạch doanh thu và 9% mục tiêu lợi nhuận của Hoà Phát trong năm nay.

 

 

Ngoài ra, VCBS cũng thông tin về tiến độ xây dựng Khu liên hợp Dung Quất 2. Theo đó, dự án đã hoàn thành các bước cơ bản để bắt đầu đi vào quá trình xây dựng và dự kiến tổng vốn giải ngân trong năm nay là 1 tỷ USD.

Dự án kỳ vọng được bắt đầu chạy thử vào quý I/2025 và đem lại khoảng 80.000-100.000 tỷ đồng doanh thu khi chạy hết công suất.

Về Dự án hàng điện máy gia dụng, vỏ container, theo lãnh đạo công ty, sản phẩm đầu tiên sẽ được ra mắt vào quý II. Tuy nhiên, đóng góp doanh thu sẽ không đáng kể do thị trường đang ở trong giai đoạn khó khăn. Công ty cũng tiếp tục nghiên cứu mở rộng mảng điện lạnh với kế hoạch doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2030.

Về bất động sản, Hoà Phát dự kiến đẩy mạnh mảng Khu công nghiệp (KCN) với kế hoạch đạt 10 KCN cho tới năm 2030. Bất động sản nhà ở dự kiến chưa có nhiều biến chuyển do công ty đang dồn nguồn lực cho dự án Dung Quất 2.

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.