|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp thép đã qua lúc khó khăn nhất: Hòa Phát, Hoa Sen có lãi trở lại, nhiều công ty giảm lỗ

09:31 | 30/04/2023
Chia sẻ
Quý I/2023, các doanh nghiệp nhiều lần nâng giá thép, kết quả kinh doanh cũng nhờ vậy được cải thiện. Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đều có lãi, Nam Kim (NKG) và Pomina (POM) tiếp tục lỗ nhưng ít hơn so với hai quý cuối năm 2022.

 Thép cuộn cán nóng của Tập đoàn Hòa Phát được dùng làm nguyên liệu để sản xuất tôn mạ, ống thép. (Ảnh: Đức Quyền). 

Nhiều doanh nghiệp thép đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 cho thấy tình hình kinh doanh phần nào cải thiện so với nửa cuối năm ngoái.

Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) ghi nhận doanh thu thuần 26.589 tỷ đồng, lãi gộp 1.676 tỷ và lãi sau thuế 383 tỷ. Các kết quả này đều kém xa cùng kỳ 2022 nhưng khả quan hơn nhiều so với quý IV liền trước.

Cụ thể trong quý cuối năm ngoái, Hòa Phát đạt doanh thu thuần 25.826 tỷ, lỗ gộp lần đầu tiên trong lịch sử 885 tỷ đồng, và lỗ sau thuế kỷ lục 1.999 tỷ. Vào quý III trước đó, Hòa Phát cũng lỗ sau thuế 1.786 tỷ đồng.

Hòa Phát có lãi trở lại sau hai quý liên tiếp lỗ đậm hàng nghìn tỷ.

Nhiều công ty chứng khoán lớn từng đưa ra những dự báo tiêu cực về kết quả kinh doanh của Hòa Phát. Ví dụ, Chứng khoán SSI ước tính Hòa Phát tiếp tục thua lỗ trong quý I/2023, đánh dấu quý thua lỗ thứ ba liên tiếp của tập đoàn thép lớn nhất Việt Nam và trái ngược với kết quả lãi sau thuế 8.206 tỷ đồng của quý I năm ngoái.

SSI dự báo Hòa Phát thua lỗ trong quý I là vì công suất hoạt động tiếp tục giảm trong bối cảnh nhu cầu thép vẫn yếu. Tổng tiêu thụ giảm 37% xuống còn 1,37 triệu tấn trong quý I/2023, tương đương với mức công suất hoạt động chỉ 65%, thấp hơn đáng kể mức 100% trong quý I/2022 và 70% của quý IV/2022.

Chứng khoán HSC dự báo Hòa Phát lỗ thuần 500 tỷ đồng trong quý I/2023, kết quả kinh doanh có thể dần hồi phục vào quý II khi sản lượng tiêu thụ và giá bán bình quân cải thiện.

Hoạt động kinh doanh được kỳ vọng sẽ trở lại mức bình thường do 7 lò cao đã hoạt động tối đa công suất trong khi tất cả nguyên liệu đầu vào chi phí cao đã được thanh lý. Theo HSC, nhu cầu xuất khẩu sẽ dần phục hồi trong ba tháng của quý II, chủ yếu là các sản phẩm HRC nhờ các thị trường xuất khẩu mới tại châu Á và EU.

Chứng khoán KBSV cũng từng cho rằng Hòa Phát lỗ 130 tỷ đồng trong quý I.

Trong thực tế, Hòa Phát đã không thua lỗ quý thứ 3 liên tiếp như nhiều dự báo. Tập đoàn thép lớn nhất Việt Nam cho biết việc quản trị hàng tồn kho, nguyên liệu và bán hàng linh hoạt theo diễn biến thị trường đã phát huy hiệu quả trong quý đầu năm 2023.

 

Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 tổ chức ngày 30/3 mới đây, Hòa Phát đã đề ra mục tiêu doanh thu 150.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 8.000 tỷ đồng trong năm 2023. Chủ tịch Trần Đình Long cho rằng giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua.

Sau quý đầu năm, tập đoàn đã thực hiện 17,9% kế hoạch doanh thu và 4,8% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Trong quý đầu năm 2023, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 1,2 triệu tấn thép thô, giảm 42% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt 1,37 triệu tấn, giảm 37% so với 3 tháng đầu năm ngoái.

Trong quý I, riêng thép xây dựng đạt 869.000 tấn, giảm 35%. Bán hàng HRC đạt 482.000 tấn, tương đương trên 60% so với cùng kỳ năm trước. Hòa Phát cũng cung cấp trên 26.000 tấn phôi thép cho các nhà máy cán thép khác của Việt Nam.

Sản phẩm ống thép, tôn mạ đã bán ra thị trường trong ba tháng đầu năm 2023 lần lượt là 160.000 tấn và 69.000 tấn, giảm tương ứng 23% và 34% so với quý đầu năm 2022. 

Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) cho biết doanh thu thuần quý vừa qua đạt xấp xỉ 7.000 tỷ, giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp 904 tỷ, lãi sau thuế 251 tỷ, đều thấp hơn cùng kỳ nhưng cải thiện đáng kể so với quý liền trước.

Trong quý III và IV của năm dương lịch 2022, Hoa Sen lỗ ròng lần lượt 887 tỷ và 680 tỷ đồng.

Tương tự Hòa Phát, Hoa Sen cũng có lãi trở lại sau hai quý thua lỗ.

Kết quả kinh doanh quý vừa qua cải thiện rõ rệt là do Hoa Sen đã quản lý hiệu quả các loại chi phí.

Cụ thể, chi phí tài chính chỉ còn 75 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất kể từ năm 2016 trở lại đây.

Trong đó, chi phí lãi vay là 57 tỷ đồng, tăng 5 tỷ đồng so với cùng kỳ trong giai đoạn lãi suất tăng cao, cho thấy những nỗ lực của Hoa Sen trong việc giảm thiểu lãi vay và đàm phán mức lãi suất tốt nhất; chi phí chênh lệch tỷ giá chỉ còn 18 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ do Hoa Sen đã tất toán các khoản nợ vay bằng USD trong quý trước.

Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp của Hoa Sen chỉ còn 100 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ. Chi phí bán hàng còn 536 tỷ đồng, giảm 42%.

Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy Hoa Sen đã tiêu thụ hơn 232.300 tấn tôn mạ trong quý I/2023, giảm 34,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần của Hoa Sen giảm từ 28,2% trong quý I/2022 xuống còn 25,2% trong quý đầu năm nay, nhưng vẫn đủ để dẫn đầu toàn ngành. Sản lượng sản xuất tôn mạ quý vừa qua đạt gần 266.700 tấn, giảm 30% so với một năm trước.

Ở thị trường ống thép, Hoa Sen sản xuất hơn 87.100 tấn và bán ra hơn 107.200 tấn trong quý I/2023, tiếp tục đứng thứ 2 toàn ngành với thị phần 14,38%.

Hoa Sen tiếp tục dẫn đầu thị phần tôn mạ trong quý I/2023.

Tại đại hội cổ đông thường niên ngày 10/3, lãnh đạo Hoa Sen ước tính lợi nhuận đã có sự hồi phục khả quan kể từ tháng 2 và có thể đạt 50 tỷ đồng trong quý II của niên độ tài chính 2023 (tức quý I của năm dương lịch 2023) nhờ giá thép phục hồi. Kết quả lợi nhuận thực tế 251 tỷ đồng khả quan hơn nhiều so với ước tính trước đó của ban lãnh đạo.

Tương tự Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, cũng cho rằng giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép vào cuối năm 2022 đã qua.

Công ty cổ phần Thép Nam Kim (Mã: NKG) ghi nhận 4.375 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý I/2023, giảm gần 39% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cao hơn so với quý IV liền trước. Công ty có lãi gộp 138 tỷ đồng, không còn lỗ gộp như quý III và IV/2022.

Sau khi hạch toán hết các khoản chi phí, Nam Kim lỗ sau thuế quý thứ ba liên tiếp, nhưng mức lỗ chỉ còn 49 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với khoản lỗ 419 tỷ và 356 tỷ của hai quý cuối năm ngoái.

Theo tài liệu đại hội cổ đông thường niên năm 2023, Thép Nam Kim đặt mục tiêu sản lượng 940.000 tấn, tăng 7,4% so với năm ngoái. Kế hoạch tổng doanh thu và lãi trước thuế lần lượt là 20.000 tỷ và 400 tỷ đồng, trong khi kết quả năm ngoái là tổng doanh thu 23.128 tỷ và lỗ trước thuế 107 tỷ.

Hội đồng quản trị của Nam Kim cho rằng thị trường năm 2023 sẽ chưa thực sự thuận lợi để tăng trưởng, nhưng những gì khó khăn nhất đã qua.

HĐQT cũng đánh giá 2023 là thời điểm để củng cố các mối quan hệ với đối tác trong và ngoài nước cũng như ổn định tình hình tài chính. Do thua lỗ trong năm 2022, HĐQT trình đại hội cổ đông ngày 21/4 thông qua việc không trả cổ tức năm 2022.

Bên cạnh đó, Nam Kim dự kiến tiếp tục sáp nhập Công ty TNHH Dae Myung Paper Việt Nam và ủy quyền cho HĐQT thực hiện các thủ tục sáp nhập.

 

Trong ba tháng đầu năm 2023, Nam Kim đã tiêu thụ 154.800 tấn tôn mạ, đứng thứ 3 về thị phần sau Tập đoàn Hoa Sen và Tôn Đông Á. Báo cáo của VSA cho thấy Nam Kim đã bán ra xấp xỉ 39.900 tấn ống thép, tương ứng với thị phần 6,73%.

Tương tự Nam Kim, Thép Pomina (Mã: POM) cũng báo lỗ quý thứ 3 liên tiếp. Tuy nhiên, mức lỗ 187 tỷ của quý vừa qua thấp hơn nhiều so với số lỗ 461 tỷ của quý IV và 716 tỷ của quý III/2022. 

Đức Quyền - Song Ngọc