|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tổng tài sản của Hòa Phát vừa tăng thêm hơn 5.000 tỷ sau hai quý suy giảm liên tiếp

08:33 | 30/04/2023
Chia sẻ
Tổng tài sản của Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) tăng gần 5.100 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm 2023. Tài sản cố định vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, theo sau là hàng tồn kho.

Tập đoàn Hòa Phát của Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long có lãi và tăng quy mô tài sản trở lại sau hai quý khó khăn. (Ảnh minh họa: Đức Quyền). 

Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I cho thấy tổng tài sản tại ngày 31/3 là 175.409 tỷ đồng, tăng thêm 5.073 tỷ. So với mức đỉnh xấp xỉ 207.500 tỷ đồng vào giữa năm 2022, quy mô tài sản của Hòa Phát vào cuối quý I vừa qua còn kém khoảng 15%.  

Tài sản cố định chiếm tỷ trọng lớn nhất với gần 40% tổng tài sản, phù hợp với đặc điểm của một tập đoàn công nghiệp nặng như Hòa Phát. Biểu đồ bên dưới cho thấy hàng tồn kho và tiền gửi ngắn hạn là những khoản mục chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 và thứ 3 trong cơ cấu tài sản của Hòa Phát.

So với ngày đầu năm 2023, hàng tồn kho giảm 184 tỷ đồng, tức chưa đầy 1%. Trong khi đó, tiền gửi ngân hàng tăng thêm 1.153 tỷ lên mức 27.421 tỷ đồng, tương đương gần 1,2 tỷ USD. 

 

Tài sản dở dang dài hạn của Hòa Phát tăng thêm hơn 1.000 tỷ đồng trong quý đầu năm, chủ yếu do tập đoàn đầu tư mở rộng dự án Dung Quất giai đoạn 2. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng hơn 3.900 tỷ lên 13.830 tỷ đồng, đa phần vì Hòa Phát cho khách hàng mua chịu và trả trước cho người bán nhiều hơn. Dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi giữ nguyên ở mức 41 tỷ.

Bên phía nguồn vốn, nợ phải trả của Hòa Phát tăng thêm 4.748 tỷ đồng trong quý đầu năm nay, tức là chiếm 93,6% mức tăng của tổng tài sản (cũng như tổng nguồn vốn). Vốn chủ sở hữu tăng thêm 325 tỷ đồng so với ngày 1/1, đa phần do Hòa Phát có lãi trở lại trong quý I.

 

Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 tổ chức ngày 30/3, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long nhận định giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua. Sau khi thua lỗ tổng cộng 3.785 tỷ đồng trong hai quý cuối năm 2022, Hòa Phát đã báo lãi sau thuế 383 tỷ đồng trong ba tháng đầu 2023 khi giá thép phục hồi phần nào.

Riêng mảng thép mang về lãi thuần 361 tỷ đồng, tương đương 94% lợi nhuận toàn tập đoàn. Mảng nông nghiệp lỗ 107 tỷ, được bù đắp bởi mảng bất động sản với lợi nhuận 129 tỷ.

Giữa nhiều biến động bất lợi của ngành thép cũng như lãi suất và tỷ giá trong quý III và IV năm ngoái, Hòa Phát đã chủ động giảm bớt nợ, hạ quy mô tổng tài sản. Việc nợ phải trả và tài sản của Hòa Phát tăng trở lại trong quý I vừa qua là dấu hiệu cho thấy tập đoàn đang tái mở rộng hoạt động. 

“Nội lực của ngành thép Việt Nam vẫn rất lớn, nhu cầu xây dựng, phát triển hạ tầng và nhà ở của người dân vẫn rất cao”, Hòa Phát nhận định vào cuối tháng 4.

“Tuy nhiên, trong ngắn hạn, cầu thép 2023 có thể hồi phục nhanh chóng hay không phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố kinh tế vĩ mô. Hiện tại, Hòa Phát nhận thấy một số tín hiệu lạc quan đến từ cơ chế điều hành chung có thể giúp cải thiện tình trạng trì trệ của ngành bất động sản, qua đó, vực dậy cầu tiêu thụ đối với thép và cả các vật liệu xây dựng khác”.

Cụ thể vào tháng 4 này, Chính phủ đã đồng ý đề xuất của Bộ Tài chính về việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đến hết năm 2023 nhằm kích thích tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sớm hồi phục lại sau đại dịch, giảm bớt các sức ép từ những diễn biến xấu của thị trường. 

Cũng trong tháng 4, một loạt quyết định của Ngân hàng Nhà nước về việc giảm các mức lãi suất điều hành đã có hiệu lực. Lãi suất cho vay dự báo sẽ tiếp tục được hạ xuống, giúp giảm bớt gánh nặng về chi phí vay vốn đối với các doanh nghiệp và cá nhân nói chung, bao gồm các doanh nghiệp ngành bất động sản (nhóm ngành chịu lãi suất đi vay sơ cấp bình quân cao nhất) cũng như người mua nhà.

Những điều chỉnh sửa đổi, bổ sung trong quy định về trái phiếu được ban hành trong Nghị định số 08 ngày 5/3/2023 và Thông tư số 03 của Ngân hàng Nhà nước về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp sẽ tạo hành lang thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp bất động sản khi huy động và sử dụng vốn từ kênh huy động vốn rất phổ biến này.

Việc đẩy mạnh đầu tư công và các gói hỗ trợ giúp thúc đẩy ngành bất động sản là những điểm sáng được kỳ vọng sẽ cải thiện nhu cầu thép xây dựng. Bảo hộ thương mại về thép xây dựng cũng góp phần giúp đỡ các doanh nghiệp thép trong nước.

Cụ thể, đầu tư công vào cơ sở hạ tầng đóng góp tỷ trọng lớn trong tiêu thụ thép xây dựng. Gói đầu tư công 711.000 tỷ được coi là động lực để tạo cú hích thúc đẩy kinh tế phục hồi nói chung, đồng thời có thể sẽ giúp nâng cao nhu cầu thép xây dựng nội địa trong khi chờ nhu cầu thép từ bất động sản trở lại.

Trong tháng 4 này, Ngân hàng Nhà nước đã gửi công văn tới các ngân hàng thương mại để chính thức triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng hỗ trợ tín dụng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội. Hòa Phát cho rằng chính sách này sẽ “góp phần thúc đẩy nhu cầu thép xây dựng nội địa tăng”.

Quyết định gia hạn thêm ba năm áp dụng thuế tự vệ đối với sản phẩm thép xây dựng nhập khẩu là một điểm sáng giúp bảo hộ ngành sản xuất thép trong nước, đặc biệt là trong điều kiện cầu yếu nói chung khiến các doanh nghiệp thép nước ngoài cũng tìm kiếm các cơ hội từ thị trường xuất khẩu tại Việt Nam.

 

Đức Quyền