|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vàng SJC lập đỉnh mới, vượt ngưỡng 85 triệu đồng/lượng

12:13 | 15/04/2024
Chia sẻ
Giá vàng SJC trong nước hôm nay 15/4 lại lập đỉnh mới khi giá bán ra đạt ngưỡng 85,5 triệu đồng/lượng, xô đổ kỷ lục ngày 12/4 trước đó là 85 triệu đồng/lượng.

Theo khảo sát của người viết, tính đến 12h trưa nay, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết tăng lên mức 83,3 triệu đồng/ lượng mua vào và 85,5 triệu đồng/ lượng bán ra.

So với giá đầu sáng nay, giá mua vào đã tăng 1,7 triệu đồng/lượng, giá bán ra tăng 1,68 triệu đồng/lượng. 

Mức giá này đã vượt qua mức đỉnh cũ đạt được hôm 12/4 là 85 triệu đồng/lượng để tạo nên kỷ lục mới. Chênh lệch giữa giá mua - bán vàng tăng lên mức cao hơn 3,2 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, tại Tập đoàn Doji giá vàng miếng được niêm yết ở mức 82 - 85 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 1,4 - 1,9 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng nay.

 Giá vàng SJC niêm yết tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn. 

Giá vàng tăng vọt diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ thực hiện tăng cung vàng miếng để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới.

Theo đó, Phó thống đốc Phạm Thanh Hà cho hay trong thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của thị trường vàng thế giới và trong nước, giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với quốc tế, NHNN đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp.

Cụ thể, NHNN sẽ tăng cung vàng miếng để xử lý tình trạng chênh lệch giữa trong nước và thế giới. Đối với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, cơ quan này sẽ tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu sản xuất, xuất khẩu .

Đồng thời, cơ quan này cũng sẽ tăng cường việc kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng của năm 2022 - 2023. 

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, động thái này sẽ khiến giá vàng miếng trong nước nhanh chóng hạ nhiệt, sau thời gian dài tăng mạnh. Tuy nhiên, giá vàng trong nước vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ biến động của vàng thế giới, bên cạnh đó là tác động của một số yếu tố như chính sách chính sách, đặc thù thị trường, tâm lý thị trường.

H.T

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.