|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vận tải đường bộ biến hung thành cát thời hậu dịch

07:41 | 25/05/2020
Chia sẻ
Bị thiệt hại nặng nề do dịch COVID-19, các doanh nghiệp vận tải đường bộ đang từng bước khắc phục khó khăn, khôi phục lại hoạt động, đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế - xã hội.
Vận tải đường bộ biến hung thành cát thời hậu dịch - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp vận tải rất cần các giải pháp ứng cứu cụ thể, thiết thực để vực dậy hoạt động sau dịch

Những con số biết nói

Theo số liệu của Tổng cục ĐBVN, qua thiết bị giám sát hành trình có khoảng 20.415 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách và 310.775 phương tiện cùng với 520 bến xe khách liên tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh. Chính phủ, Bộ GTVT đã có nhiều giải pháp hỗ trợ để các doanh nghiệp vận tải sớm khôi phục hoạt động.

Thực hiện Chỉ thị số 15, 16 của Thủ tướng chính phủ, nhiều thủ tục hành chính đã được cắt giảm, cụ thể ở Nghị định số 10/2020/NĐ-CP đã bỏ 8 điều kiện về kinh doanh vận tải, chỉ đạo các địa phương, đơn vị vận tải chủ động giảm chuyến, tạm dừng hoạt động để giảm thiểu thiệt hại, xây dựng phương án giảm phí sử dụng đường bộ cho các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô...

Trao đổi với Tạp chí GTVT, bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, kể từ thời điểm xảy ra dịch (từ ngày 23/01 - 26/3), vận chuyển hành khách và hàng hóa trên cả nước đều bị ảnh hưởng, các tiêu chí về lượt xe (xe buýt, taxi, xe hợp đồng, du lịch), sản lượng khách, vận chuyển hàng hóa, doanh thu đều giảm mạnh từ 40 - 80% so với cùng kỳ năm 2019 cũng như trước khi có dịch.

Đối với vận tải hành khách, số lượng xuất bến và sản lượng hành khách vận chuyển đều giảm mạnh từ 30 - 50% so với cùng kỳ năm 2019. Một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề như Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh... khi lượng hành khách du lịch giảm mạnh, chỉ đạt 30 - 40% so với cùng kỳ năm 2019.

Còn đối với vận chuyển hàng hóa bằng ô tô, theo bà Hiền, mặc dù hoạt động bình thường nhưng do các ngành nghề kinh tế khác bị ảnh hưởng nên việc giao thương hàng hóa cũng bị ngưng trệ, hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng ô tô bị ảnh hưởng một phần, sản lượng hàng hóa giảm từ 30 - 40%.

Không nằm ngoài vòng xoáy này, Công ty Cổ phần Vận tải Thương mại và Du lịch Đất Cảng (có 500 đầu xe gồm taxi, vận tải hành khách cố định, xe hợp đồng) đang gặp rất nhiều khó khăn khi phải hoạt động cầm chừng.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty cho biết, hiện nay tuy giãn cách xã hội đã được nới lỏng và hoạt động vận tải cũng đang đi vào ổn định, tuy nhiên với tâm lý người dân vẫn lo ngại dịch bệnh, khách vãng lai, khách du lịch còn rất hạn chế nên sản lượng vận chuyển vẫn giảm hơn 60% những tháng chưa có dịch.

Bên cạnh đó, kinh doanh vận tải cũng gặp không ít khó khăn, lượng khách giảm mạnh mà chi phí cố định, chi phí khấu hao, lãi suất ngân hàng vẫn không thay đổi, thu không đủ chi, lãi ngân hàng và tiền gốc phải trả hàng tháng doanh nghiệp phải đi huy động từ những nguồn khác.

Ông Phan Đình Cương - Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Xe khách Sơn La cho biết, doanh nghiệp có gần 140 đầu xe chủ yếu là các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh và nội tỉnh. Trong đợt dịch vừa qua, lượng hành khách tụt giảm khoảng 70%. Mặc dù là địa phương không có dịch bệnh nhưng thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội nên doanh nghiệp cũng chịu tác động vô cùng lớn.

Khó tiếp cận các gói hỗ trợ

Cũng theo ông Cương, nguồn vốn hoạt động của doanh nghiệp đa số phải đi vay ngân hàng. Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, doanh nghiệp cũng đã đề xuất ngân hàng giãn nợ và đề xuất giảm thuế, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hồi âm vì phải đợi hướng dẫn.

Đồng quan điểm này, ông Khúc Hữu Thanh Hải cho rằng, việc giãn nợ và giảm lãi gần như doanh nghiệp vận tải nào cũng khó tiếp cận. Điều quan trọng nhất của doanh nghiệp hiện nay là giữ được người lao động. Do vậy, doanh nghiệp phải tìm mọi cách để chi trả tiền lương để duy trì hoạt động, giảm các chi phí quản lý phù hợp với hoạt động thực tế.

Đánh giá về vấn đề này, bà Phan Thu Hiền cho rằng, hiện lãi suất ngân hàng đang áp dụng cho các doanh nghệp vận tải ở mức cao (từ 10 - 12%). Việc thực hiện Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ của các ngân hàng thương mại hiện chưa triệt để khi việc thực hiện giảm lãi suất cho doanh nghiệp nhiều lúc chỉ mang tính hình thức (giảm 0,5%/năm) nên chưa hỗ trợ thực sự cho các doanh nghiệp vận tải.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mong muốn được gia hạn nộp thuế doanh thu và tiền thuê đất vì thực tế tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô đều phải dừng hoạt động theo Chỉ thị 16 nên không có doanh thu. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục trả lương để giữ người lao động, đóng tiền bảo hiểm xã hội, khử trùng phương tiện, phát khẩu trang cho hành khách..., đây là những gánh nặng của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Biến nguy cơ thành lợi thế

Là doanh nghiệp vận tải khách với trên 300 đầu xe, ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch Công ty Cổ phần Interbusline cho rằng, thiệt hại đối với các doanh nghiệp nằm trong bối cảnh tình hình chung toàn thế giới chứ không riêng các doanh nghiệp tại Việt Nam. Để tiếp tục phát triển, Công ty đã có chuẩn bị trước mọi tình huống với kinh nghiệm gần 20 năm làm vận chuyển và đã trải qua nhiều biến cố của xã hội như dịch SARS 2003, cuộc khủng hoảng kinh tế 2008...

Ông Tùng chia sẻ: “Ngay từ năm 2016, chúng tôi đã bắt đầu được xây dựng ngay hệ thống công nghệ vận hành quản trị doanh nghiệp và phải mất 02 năm để đến tháng 6/2018 đưa vào vận hành hệ thống 4.0 thử nghiệm, tháng 01/2019 vận hành chính thức.

Chúng tôi nhắm đến đối tượng khách hàng và tung ra các sản phẩm khác biệt nhằm thu hút hành khách (chủ yếu là giới trẻ, khách du lịch). Toàn bộ lượng khách hàng được chúng tôi “chăm sóc” tốt, khi dịch bệnh xảy ra hệ thống vẫn vận hành online bình thường, nhân viên không cần đến văn phòng mà vẫn thực hiện công việc xây dựng chiến lược marketing có hiệu quả.

Chúng tôi đã chuẩn bị quỹ dự phòng rủi ro hỗ trợ lương cho nhân viên những tháng nghỉ do thực hiện Chỉ thị 19. Đến khi Việt Nam khống chế được dịch, các điểm tham quan mở trở lại thì chúng tôi thông báo ngay đến toàn bộ khách hàng đã đặt dịch vụ trong tháng 3, tháng 4/2020 mà phải hoãn do dịch bằng gói dịch vụ hấp dẫn khi giảm 50% giá.

Bên cạnh đó, chúng tôi tham gia gói kích cầu của Sunword và tỉnh Lào Cai về giảm giá dịch vụ từ 30 - 50% cho các khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí từ ngày 01/5 - 30/6/2020.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ cho phép giảm phí bảo trì đường bộ, phí qua trạm BOT..., có như vậy mới thực sự tạo điều kiện cho hoạt động vận tải hoạt động trở lại bình thường”.

Đồng quan điểm này, bà Phan Thị Thu Hiền cho biết, Tổng cục ĐBVN đã kiến nghị xem xét giảm phí bảo trì cũng như đề xuất với Bộ GTVT có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại giảm hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay ngắn hạn hoặc áp dụng mức lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp không quá 6%/năm nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải đường bộ.

Hoàng Long