|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Vẫn lúng túng trong công bố các dự án bất động sản thế chấp

07:22 | 23/09/2016
Chia sẻ
Những ai có trách nhiệm công bố các dự án bất động sản được thế chấp, tiêu chí công bố là gì, công bố như thế nào… vẫn đang là nỗi băn khoăn của những người ở cả trong và ngoài cuộc.
 3048
Thông tư liên tịch 09 quy định Sở TN-MT phải công bố thông tin về các dự án thế chấp trên website của sở. Ảnh: Thành Hoa

Những ai có trách nhiệm công bố các dự án bất động sản được thế chấp, tiêu chí công bố là gì, công bố như thế nào… vẫn đang là nỗi băn khoăn của những người ở cả trong và ngoài cuộc.

Giữa tháng 7, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM đã công bố danh sách 77 dự án bất động sản (BĐS) thế chấp ngân hàng trên toàn thành phố. Thời điểm đó, ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai, cho biết Sở TN-MT sẽ xin ý kiến của UBND thành phố công bố thông tin này định kỳ 2-3 tháng một lần.

Tới nay, cuối tháng 9, việc công bố lần 2 vẫn chưa được thực hiện.

Tại tọa đàm “Dự án bất động sản thế chấp ngân hàng: Hiểu sao cho đúng?” do tạp chí đầu tư bất động sản CafeLand tổ chức ngày 22-9, ông Phạm Ngọc Liên cho biết, sở dĩ thời điểm này Sở TN-MT vẫn chưa thực hiện việc công bố lần 2 là do gặp nhiều vướng mắc.

Theo ông Liên, Sở TN-MT được yêu cầu phải công bố mục đích thế chấp do nhiều doanh nghiệp thế chấp dự án để được ngân hàng bảo lãnh việc bán nhà trong tương lai chứ không vay vốn tại ngân hàng, hoặc doanh nghiệp thế chấp tài sản riêng không ảnh hưởng đến người mua nhà. Tuy nhiên, việc này không thuộc thẩm quyền của Sở TN-MT, Sở cũng không có chuyên môn để phân loại mục đích thế chấp để công bố trên website.

“Ngân hàng thương mại nên có trách nhiệm làm điều này vì là người hiểu rõ nhất bản chất khoản vay và dòng tiền của mình. Đồng thời, hiện các cơ quan liên quan cũng chưa thống nhất tiêu chí chung để công bố là gì, cần phải thông bố những thông tin nào”, ông Liên nói.

Ông Liên cho rằng, mỗi địa phương nên tự xây dựng cơ sở dữ liệu số về các dự án BĐS thế chấp ngân hàng. Các cơ quan liên quan sẽ cùng gửi thông tin về cơ sở dữ liệu này. Khi đó, người dân chỉ việc truy cập vào đây để tìm hiểu thông tin. Ông Liên đánh giá, trong thời gian chưa có dữ liệu số, thì một cơ quan đầu mối phải đứng ra công bố, tuy nhiên cơ quan này không thể cập nhật thông tin kịp thời từ nhiều nguồn khác nhau. “Cập nhật được hàng tháng là quá giỏi, thông thường phải mất 3-6 tháng”, ông Liên nói.

Ở phía chủ đầu tư, ông Nguyễn Khánh Hưng, Giám đốc điều hành Tập đoàn Đất Xanh nhận định, hiện nay không một cơ quan nào có thể nắm được toàn bộ thông tin để công khai đầy đủ cho người dân. Theo ông Hưng, chính người đi vay là chủ đầu tư phải có trách nhiệm tự công bố thông tin cho người mua nhà. Theo đó, các thông tin cần công bố bao gồm: tài sản thế chấp, mục đích thế chấp, thời gian thế chấp và ngân hàng cho vay.

Ông Hưng cũng nêu thực tế: “Đất Xanh là công ty niêm yết nên chúng tôi phải công bố thông tin trong khi những công ty cùng ngành khác nhưng không niêm yết thì họ không phải công bố. Đây là điều không công bằng”.

Ông Hưng đánh giá rằng giao cho Sở TN-MT công bố thông tin là chưa đúng người, vì ngân hàng thương mại và chủ đầu tư là người hiểu rõ nhất – phải đứng ra công bố. “Ngân hàng phải công bố để bảo vệ hệ thống ngân hàng, tránh một tài sản được đem thế chấp cho nhiều tổ chức tín dụng khác nhau. Như vậy, 80% trách nhiệm thuộc về ngân hàng và doanh nghiệp, 20% còn lại là sự phối hợp của các cơ quan liên quan”, ông Hưng nói.

Đồng tình, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, khẳng định luật quy định doanh nghiệp phải công khai thông tin về dự án của mình, liệu có thế chấp hay không. Nhưng hiện tại, chỉ có các doanh nghiệp niêm yết công bố, các doanh nghiệp còn lại chỉ thông tin tới người mua một cách thụ động, theo nghĩa vụ khi được yêu cầu.

Ông Châu cho rằng, ngoài Sở TN-MT, thì Sở Xây dựng và Sở Tư pháp phải có trách nhiệm trong công khai thông tin về các dự án thế chấp. Theo đó, nhiều dự án chưa có giấy phép xây dựng nhưng vẫn đem thế chấp ngân hàng, hoặc chủ đầu tư đem thế chấp quyền tài sản chứ không phải tài sản hình thành trong tương lai. Đây là kẽ hở, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành thì mới kiểm soát hết được.

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Trưởng phòng Tín dụng ngành công nghiệp và xây dựng – Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước, cho biết Thông tư 09 liên tịch giữa Bộ Tư pháp và Bộ TN-MT có hiệu lực từ ngày 8-8-2016 yêu cầu Sở TN-MT các tỉnh/thành đăng thông tin về các dự án thế chấp trên website của sở. Do vậy, trách nhiệm này trước tiên thuộc về Sở TN-MT.

Tuy nhiên, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý về việc công bố thông tin, nêu rõ trách nhiệm của các bên trong công bố là gì, thông tin nào cần công bố, thời gian công bố định kỳ ra sao. Ông Bắc cho rằng, một cơ quan nên đứng ra làm đầu mối để công bố thông tin, ở đây có thể là Sở TN-MT, phối hợp cùng Sở Tư pháp và NHNN để đảm bảo việc công bố được hiệu quả.

Theo Cao Ban

SaigonTimes