|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ủy ban Kinh tế Quốc hội: 'Chưa có sự hài hòa giữa lợi nhuận của ngân hàng với khó khăn của doanh nghiệp'

15:31 | 20/10/2021
Chia sẻ
Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm, tuy nhiên vẫn chưa phù hợp, hài hòa giữa lợi nhuận của các ngân hàng thương mại với khó khăn của doanh nghiệp và người dân. Doanh nghiệp vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi.

Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV vào sáng nay (20/10), Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế đánh giá cao nhiều điểm sáng trong kinh tế vĩ mô năm 2021 như dự kiến đạt 8/12 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, CPI bình quân 9 tháng tăng 1,82%, cả năm ước tăng dưới 4%, đạt mục tiêu đề ra.

Ủy ban Kinh tế Quốc hội: “Chưa hài hòa giữa lợi nhuận của ngân hàng với khó khăn của doanh nghiệp” - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh tại phiên họp. (Ảnh: Quốc hội).

“Thu Ngân sách Nhà nước vượt dự toán, bội chi NSNN trong phạm vi dự toán (4% GDP), cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác…”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Theo ông, một số ngành như thông tin truyền thông, viễn thông, bưu chính, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, chế biến, chế tạo liên quan đến dược phẩm, thiết bị y tế… đã tận dụng tốt cơ hội tăng trưởng. 

Đáng chú ý trong đó theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm, tuy nhiên vẫn chưa phù hợp, hài hòa giữa lợi nhuận của các ngân hàng thương mại với khó khăn của doanh nghiệp và người dân; doanh nghiệp vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi.

“Đề nghị báo cáo rõ hơn các hoạt động hỗ trợ của các ngân hàng thương mại đối với doanh nghiệp, người dân, người lao động và nguy cơ gia tăng nợ xấu”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn kinh tế - xã hội năm 2021, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn một số vấn đề như chiến lược ứng phó dịch bệnh gắn với hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế ở cấp độ quốc gia và địa phương còn hạn chế; chưa chuẩn bị đầy đủ năng lực cho kịch bản dịch bùng phát nhanh, quy mô lớn. 

Theo ông, một số chính sách ban hành, thực hiện chưa tương xứng với tính chất phức tạp, dài hạn và quy mô tác động lớn của dịch COVID-19, tiếp cận chính sách còn khó khăn, tỷ lệ giải ngân một số gói hỗ trợ đạt thấp; còn hạn chế, bất cập và chưa kịp thời với một số đối tượng. 

"Các gói hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ từ năm 2020 tới nay ước đạt khoảng 4% GDP; cần báo cáo bổ sung đầy đủ hơn các nguồn lực từ ngân sách trung ương, các khoản đóng góp xã hội khác cho công tác phòng, chống dịch để phân tích, đánh giá kỹ hơn quy mô, mức độ phù hợp của các gói hỗ trợ, làm cơ sở hoạch định chính sách cho giai đoạn tới", ông Thanh phát biểu.

Cũng liên quan đến khó khăn của doanh nghiệp, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ đánh giá hiệu quả việc áp dụng phương thức “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”; việc yêu cầu xét nghiệm nhiều lần, giá xét nghiệm cao... đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Với người lao động, báo cáo của Ủy ban Kinh tế đánh giá số lao động mất việc làm, thất nghiệp tăng cao, thu nhập giảm mạnh, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn xã hội; số lượng lao động có việc làm phi chính thức gia tăng.

Phương Trang