|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ủy ban Chứng khoán xử phạt Tập đoàn Hòa Phát 125 triệu đồng

17:09 | 16/05/2022
Chia sẻ
Tập đoàn Hòa Phát không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) độc lập theo quy định tại Nghị định số 155/2020.

Ban lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát. (Ảnh: Song Ngọc).

Ngày 11/5 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG). Lý do xử phạt là Hòa Phát không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên HĐQT độc lập.

Theo Khoản 4 Điều 276 Nghị định số 155/2020, số lượng thành viên HĐQT độc lập của công ty niêm yết phải đảm bảo quy định sau:

- Có tối thiểu một thành viên độc lập trong trường hợp công ty có số thành viên HĐQT từ ba đến 5 người;

- Có tối thiểu hai thành viên độc lập trong trường hợp công ty có số thành viên HĐQT từ 6 đến 8 người;

- Có tối thiểu ba thành viên độc lập trong trường hợp công ty có số thành viên HĐQT từ 9 đến 11 người.

Hiện nay, Hòa Phát có 7 người trong HĐQT gồm Chủ tịch Trần Đình Long, ba Phó Chủ tịch là ông Trần Tuấn Dương, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, ông Doãn Gia Cường, ba thành viên còn lại là ông Nguyễn Ngọc Quang, ông Hoàng Quang Việt, và ông Nguyễn Việt Thắng.

Theo quy định kể trên, Hòa Phát cần có tối thiểu hai thành viên HĐQT độc lập nhưng thực tế tập đoàn không có thành viên độc lập nào. Vì vậy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt hành chính Tập đoàn Hòa Phát 125 triệu đồng.

Kết phiên hôm nay 16/5, giá cổ phiếu HPG dừng ở 36.300 đồng/cp, tăng 1,1% so với cuối phiên trước nhưng thấp hơn 22% so với đầu năm.

Giá cổ phiếu HPG suy giảm trong những tháng gần đây.

Vốn hóa của Hòa Phát hiện nay là 162.400 tỷ đồng, xếp thứ 6 sàn HOSE và thứ 7 thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngày cuối năm ngoái, Hòa Phát có giá trị thị trường hơn 207.000 tỷ đồng, xếp thứ 4 toàn thị trường sau Vingroup, Vinhomes và Vietcombank.

 

Theo các báo cáo tài chính quý I vừa qua, Hòa Phát dẫn đầu thị trường chứng khoán Việt Nam về doanh thu và đứng thứ 2 về lãi sau thuế, chỉ sau Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – Mã: VPB).

Biên lãi gộp và biên lãi thuần của Hòa Phát ghi nhận tương ứng 22,9% và 18,6% trong quý đầu năm 2022, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng có cải thiện so với quý liền trước. Như thống kê dưới đây cho thấy, lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát bỏ xa các đối thủ, lớn hơn tất cả doanh nghiệp ngành thép khác cộng lại.

Doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát đều dẫn đầu ngành thép.

Năm 2022, Hòa Phát lên kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 160.000 tỷ đồng, tăng gần 7% so với thực hiện năm ngoái và là mục tiêu cao chưa từng thấy trong lịch sử Hòa Phát.

Lãi sau thuế phấn đấu đạt 25.000 – 30.000 tỷ đồng, thấp hơn 13-28% so với kết quả lợi nhuận 34.521 tỷ đồng của năm 2021. Sau một quý, Hòa Phát đã thực hiện khoảng 28% mục tiêu doanh thu và 27% kế hoạch lợi nhuận.

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) dưới đây, Hòa Phát tiêu thụ 1,64 triệu tấn thép xây dựng trong 4 tháng đầu năm nay, tương ứng với thị phần 35,9%, cải thiện so với năm 2021 và tiếp tục dẫn đầu toàn ngành.

Với thị trường ống thép, Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu toàn ngành với thị phần 27,9%. Ở mảng tôn mạ, Hòa Phát đứng thứ 4 sau Hoa Sen, Nam Kim và Tôn Đông Á. 

Hòa Phát dẫn đầu thị phần thép xây dựng.

Ngày 12/5 vừa qua, tạp chí Forbes công bố danh sách Global 2000 bao gồm 2.000 doanh nghiệp đại chúng lớn nhất thế giới xét theo 4 tiêu chí là doanh thu, lợi nhuận, vốn hóa và tài sản.

Việt Nam có 5 đại diện là Hòa Phát và 4 ngân hàng gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Techcombank.

Song Ngọc