|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Uniqlo đối phó với nạn trộm cắp vặt

10:53 | 07/10/2024
Chia sẻ
Các cửa hàng bán lẻ tại Nhật Bản đang là mục tiêu của những nhóm trộm cắp vặt có tổ chức.

Theo Nikkei, một làn sóng trộm cắp tại cửa hàng do du khách nước ngoài đến Nhật Bản gây ra đang ảnh hưởng đến Uniqlo và các nhà bán lẻ khác. Lần đầu tiên sau 8 năm, số lượng người nước ngoài bị bắt vì tội này tăng. Các chuyên gia kêu gọi chuỗi bán lẻ thực hiện các biện pháp đối phó như tăng cường đào tạo nhân viên.

Tháng 2 năm nay, tại Osaka, ba phụ nữ ngoại quốc đã bị bắt vì bị nghi ngờ liên tục trộm cắp từ các cửa hàng Uniqlo. Tháng 7, khi cuộc điều tra kết thúc, một trong số họ nói với cảnh sát: "Vì cửa hàng không có nhiều nhân viên, chúng tôi có thể tránh sự chú ý và trộm cắp nhiều lần”.

Bên trong một cửa hàng Uniqlo tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Huy).

Ba người này đến Nhật Bản bằng thị thực ngắn hạn từ tháng 6/2023 đến tháng 2/2024. Họ bị cáo buộc đã lấy tổng cộng khoảng 3.300 món hàng trị giá khoảng 12,3 triệu yên (khoảng 82.800 USD) từ 37 cửa hàng ở khu vực Kansai quanh Osaka và Tokyo.

Họ được cho là đã bỏ hàng vào các túi xách lớn và mang ra khỏi cửa hàng, lặp lại quá trình này cho đến khi các vali của người đàn ông đi cùng đầy hàng.

Nhóm sử dụng cách này để chuyển hàng hóa trộm được về nơi ở, nơi chúng được giao cho một người khác để vận chuyển đi. Mỗi người phụ nữ nhận được từ 170.000 đến 210.000 yên cho mỗi chuyến đi kéo dài khoảng hai tuần tại Nhật Bản.

Theo các nhà điều tra, các phụ nữ này đến Nhật Bản theo sự chỉ đạo của một người đàn ông chưa rõ danh tính. Vé máy bay và chỗ ở được sắp xếp trước, và họ nhận được hướng dẫn nhắm vào các cửa hàng trong trung tâm mua sắm có lối vào mở, tránh các cửa hàng có ít lối ra vào, và chỉ trộm quần áo nữ gọn nhẹ.

Một trong số họ cho biết: "Uniqlo là một thương hiệu cao cấp phổ biến ở nhiều thị trường, và nhu cầu mua lại rất cao”.

Trộm cắp có tổ chức và các tội phạm khác do nhóm người nước ngoài thực hiện đang gia tăng ở Nhật Bản sau khi các biện pháp kiểm soát biên giới vì COVID-19 được nới lỏng và du lịch quốc tế phục hồi.

Ngoài Uniqlo, các mục tiêu phổ biến còn có các thương hiệu thời trang toàn cầu như H&M và Zara, cũng như các cửa hàng thuốc bán mỹ phẩm và dược phẩm. Những kẻ trộm đang lợi dụng lỗ hổng trong giám sát của cửa hàng, vốn đã trở nên lỏng lẻo do thiếu hụt lao động.

Cảnh sát Nhật Bản cho biết có 1.326 người nước ngoài bị bắt vì trộm cắp tại cửa hàng trong năm ngoái, tăng khoảng 20% so với năm trước và đánh dấu lần tăng đầu tiên trong 8 năm. 

Tội phạm theo nhóm đặc biệt nổi bật, với 25,8% số người bị bắt được cho là có đồng phạm. Trong khi đó, trong số người Nhật bị bắt vì trộm cắp tại cửa hàng, chỉ 3,6% được cho là có đồng phạm.

Trước đó tháng 3, bốn người nước ngoài, gồm cả nam và nữ, bị buộc tội trộm cắp tại một cửa hàng Uniqlo ở tỉnh Fukuoka trên đảo Kyushu và đã nhận án treo. Trong trường hợp này, họ cũng được cho là đã theo chỉ đạo của người khác. Những chiếc túi được chế tạo đặc biệt để tránh bị phát hiện bởi cảm biến an ninh cho thấy mức độ tổ chức của họ.

Ông Akira Mitsuzane, Giám đốc Tổ chức Phòng chống Trộm cắp tại cửa hàng quốc gia, giải thích về lý do gia tăng: "So với các nước khác, ở Nhật Bản, các cửa hàng thường ngại thực hiện hành động quyết liệt khi thấy điều gì đó đáng ngờ, vì tôn trọng khách hàng”.

Chẳng hạn, ở các nước khác, việc cửa hàng yêu cầu khách hàng có túi lớn gửi lại trước khi mua sắm là không hiếm. Nhưng các cửa hàng Nhật Bản thường do dự trong việc thực hiện những biện pháp như vậy.

Ông Mitsuzane nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao khả năng phản ứng của cửa hàng đối với trộm cắp. "Cần thiết phải có những nỗ lực như đào tạo kỹ lưỡng để nâng cao nhận thức, khen thưởng nhân viên ngăn chặn tội phạm và áp dụng hệ thống thưởng”, ông nói.

Người phát ngôn của Fast Retailing, công ty mẹ Uniqlo, cho biết: "Chúng tôi đang xem xét việc đào tạo nhân viên một cách hiệu quả và hy vọng nâng cao nhận thức phòng chống tội phạm trên toàn bộ hệ thống cửa hàng”.

Đức Huy