|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Tỷ lệ đô thị hóa cả nước dự kiến đạt 50% vào năm 2030

00:45 | 26/11/2023
Chia sẻ
Theo Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến tỷ lệ đô thị hoá cả nước đạt trên 50%, với khoảng 1.000 - 1.200 đô thị bao gồm 4 vùng đô thị (TP Hà Nội, TP HCM, TP Đà Nẵng, TP Cần Thơ).

TP HCM - một trong 4 vùng đô thị lớn của cả nước hiện nay. (Ảnh: Hải Quân).

Thông tin từ Báo Chính phủ,  Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa qua đã chủ trì phiên họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo báo cáo của đơn vị tư vấn, cho đến trước thời điểm lập Quy hoạch, cả nước đã xuất hiện nhiều đô thị trung tâm quốc gia, cấp vùng, chuyên ngành, bước đầu hình thành các vùng đô thị cấp quốc gia, cấp vùng. Không gian hành chính đô thị mở rộng ở ba cấp tỉnh, huyện, xã. Đô thị hoá nông thôn diễn ra ở nhiều nơi.

Song, vai trò đô thị đối với liên kết kinh tế vùng còn yếu, chưa cạnh tranh kinh tế đô thị được với các quốc gia trong khu vực. Nhiều đô thị thiếu động lực phát triển. Nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng chưa thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của dân số đô thị.

Không gian phát triển đô thị đang bị dàn trải, mở rộng nhanh hơn so với tốc độ đô thị hoá dân số. Khu vực nông thôn chưa có quy hoạch cấp quốc gia.

Tiềm năng văn hoá tạo dựng môi trường sống có bản sắc chưa được phát huy. Chính sách phát triển giữa đô thị và nông thôn còn khoảng cách.

Quan điểm hàng đầu của Quy hoạch là phát triển đô thị trở thành động lực, giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế. Nông thôn là nền tảng để phát triển bền vững đô thị.

Không gian đô thị, nông thôn gắn với không gian, phân vùng phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, có trọng tâm, trọng điểm, gắn kết hiệu quả với hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia.

Đến năm 2030, dự kiến tỷ lệ đô thị hoá cả nước đạt trên 50%, với khoảng 1.000 - 1.200 đô thị bao gồm 4 vùng đô thị (TP Hà Nội, TP HCM, TP Đà Nẵng, TP Cần Thơ); các thành phố Trung ương có quy mô dân số trên 1 triệu người.

Hệ thống đô thị trung tâm cấp vùng, tỉnh, huyện và chuỗi, chùm đô thị, chuyên ngành cấp quốc gia, cấp vùng; mạng lưới đô thị vừa và nhỏ vùng biên giới, ven biển, hải đảo. Khu vực đô thị sẽ đóng góp khoảng 85% GDP cho nền kinh tế.

Khu vực nông thôn được quy hoạch, phát triển toàn diện, hiện đại, xanh, sạch, đẹp gắn với quá trình đô thị hoá,; có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tổ chức sản xuất hợp lý, tạo sinh kế bền vững; giữ ổn định xã hội nông thôn, nâng cao dân trí, bảo đảm an ninh, trật tự…

Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, cả nước có 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Chiến lược trọng tâm phát triển đô thị, nông thôn tập trung vào giải quyết các bất cập, hạn chế trong phân bố mạng lưới; tích hợp liên ngành với bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế, văn hoá-xã hội; quản trị.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật quốc gia được tổ chức trên phạm vi vùng, liên vùng theo hướng đồng bộ, hiện đại gồm giao thông vận tải, thoát nước, cung cấp nước sạch, thu gom chất thải, cung cấp năng lượng, viễn thông.

Kiến trúc cảnh quan của mỗi vùng và đô thị, nông thôn cần có bản sắc riêng, phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển, hài hoà giữa truyền thống văn hoá lịch sử và yêu cầu phát triển mới.

Quy hoạch cũng đưa ra định hướng, nguyên tắc quan trọng về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; liên kết vùng, liên kết ngành; sử dụng đất đai;… ở đô thị và nông thôn.

Quy hoạch phải làm rõ hơn nội dung phát triển kinh tế nông thôn về nông nghiệp, dịch vụ phi nông nghiệp, thương mại, du lịch, làng nghề...; chú trọng những nét khác biệt và đặc trưng văn hóa của nông thôn ven biển, miền núi, đồng bằng, môi trường trong lành, hòa thuận với thiên nhiên.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phân tích toàn diện các mô hình đô thị, nông thôn hiện có để xác định hướng đi tiếp theo của mô hình chùm đô thị, đô thị vệ tinh, thành phố trong thành phố, nông thôn trong thành phố…, trong đó lưu ý đến kết hợp hài hoà, hiệu quả hệ thống hạ tầng, kỹ thuật với phát triển đô thị.

"Ngoài không gian đô thị, nông thôn, Quy hoạch cần chú ý hơn nữa các không gian khác như vùng đệm của các đô thị, khu dân cư nông thôn, bao trùm lên là không gian sinh tồn, bảo tồn, các yếu tố văn hoá, tự nhiên", Phó Thủ tướng nói.

Đồng tình với các ý kiến cho rằng không có hạ tầng thì không thể phát triển, Phó Thủ tướng lưu ý tránh tình trạng đô thị chạy theo tuyến đường mà hình thành đô thị theo các hướng tuyến, giao thông.

Hải Quân