Tỷ lệ CASA các ngân hàng đồng loạt giảm, MB soán ngôi 'quán quân' của Techcombank cuối năm 2022
Tỷ lệ CASA hầu hết ngân hàng sụt giảm
Kết thúc năm 2022, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại hầu hết ngân hàng có dấu hiệu đi xuống trong bối cảnh lãi suất huy động tăng cao trong năm qua cùng tâm lý tiêu cực về thị trường trái phiếu và bất động sản.
Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 28 ngân hàng, chỉ có 4 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA (tính bằng (tiền gửi ko kì hạn+tiền ký quỹ)/ tổng tiền gửi) tăng, một ngân hàng giữ nguyên và 23 ngân hàng giảm.
Đáng chú ý, Techcombank, quán quân về CASA năm 2021, ghi nhận sụt giảm mạnh CASA trong năm 2022 và để mất vị trí dẫn đầu vào tay của Ngân hàng Quân đội (MB). Số dư tiền gửi không kỳ hạn của Techcombank đã giảm 16,6% so với cùng kỳ năm trước đạt hơn 132 tỷ đồng và chiếm 37% trong tổng huy động vốn.
Trong khi đó, mặc dù tỷ lệ CASA cũng ghi nhận sụt giảm theo xu hướng chung từ 47,6% cuối năm 2021 về 40% năm 2022 nhưng MB đã thành công soán ngôi quán quân của Techcombank. Tổng tiền gửi không kỳ hạn của MB giảm từ 171 tỷ đồng cuối năm 2021 xuống 167 tỷ đồng vào cuối năm 2022.
Một trong ba cái tên thường được nhắc đến với số dư tiền gửi không kỳ hạn cao là "ông lớn" Vietcombank cũng ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm từ 35,1% xuống 33,1%. Hai Big4 còn lại là VietinBank, BIDV duy trì CASA tương đối ổn định trong năm qua.
Trong năm 2022, MSB cũng là ngân hàng ghi dấu ấn về CASA khi đã ghi nhận tỷ lệ này tăng mạnh trong quý đầu năm nhưng cuối năm vẫn giảm nhẹ về 31% (từ mức 35,7% đầu năm) và là ngân hàng có tỷ lệ CASA cao thứ 4 sau ba ngân hàng trên.
Số liệu người viết tổng hợp cho thấy tỷ lệ CASA của 28 ngân hàng ở mức 20,9%, giảm so với mức 23,4% cuối năm trước. Trong đó, hai ngân hàng ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất về tỷ lệ này là Techcombank và KienlongBank.
Số dư tiền gửi không kỳ hạn (bao gồm cả tiền gửi ký quỹ) của KienlongBank giảm 74% trong năm, từ 7.963 tỷ đồng xuống 2.072 tỷ đồng, kéo theo tỷ lệ CASA của ngân hàng giảm mạnh từ 15,5% xuống 4%, thấp nhất trong số các ngân hàng thống kê.
Vì sao CASA ngân hàng sụt giảm? Khi nào mới có thể phục hồi?
Thực tế, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ CASA giảm là lãi suất huy động liên tục tăng mạnh trong năm 2022. Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng lãi suất điều hành, nhiều ngân hàng cũng đã thông báo điều chỉnh lãi suất huy động thêm khoảng 1 điểm % tại nhiều kỳ hạn kể cả các ngân hàng quốc doanh.
Mặt bằng lãi suất tăng cao thúc đẩy việc người dân hạn chế để tiền nhàn rỗi hơn, đồng thời với các doanh nghiệp khi gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng họ phải sử dụng tiền gửi sẵn có.
Lý giải về sự sụt giảm mạnh về CASA của mình, Techcombank cho biết trong bối cảnh môi trường lãi suất cao trên toàn cầu, thanh khoản hệ thống bớt dồi dào và tâm lý tiêu cực về thị trường bất động sản và trái phiếu đã góp phần khiến số dư CASA sụt giảm. Do khách hàng có xu hướng giảm nắm giữ tiền mặt để đầu tư hay chi tiêu và tăng mở tài khoản tiết kiệm.
Thực tế cho thấy tỷ lệ CASA của ngân hàng đã giảm mạnh qua các quý trong năm 2022, từ mức 50,5% hồi đầu năm, xuống còn 47,5% trong quý II và 46,5% trong quý IIII. Lãnh đạo Techcombank cho biết khi thanh khoản không dồi dào, lãi suất tăng khiến cho huy động có kỳ hạn tăng lên và CASA giảm đi.
"Thanh khoản thị trường không còn dồi dào, khách hàng tối ưu sử dụng những nguồn tiền rảnh rỗi cho hoạt động đầu tư khiến CASA của toàn ngành ngân hàng đều giảm và Techcombank cũng không ngoại lệ," ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc thường trực Techcombank chia sẻ tại buổi cập nhật kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm.
Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), xu hướng tăng của lãi suất huy động cũng được xem là phản ứng hợp lý khi mặt bằng lãi suất ở nhiều quốc gia đang trong xu hướng tăng. Mặt bằng lãi suất huy động tính từ đầu năm đã tăng khoảng 2,3-2,7 điểm %.
Theo đó, trong điều kiện thuận lợi, VCBS cho rằng lãi suất điều hành có thể không tăng thêm trong năm 2023 và mặt bằng lãi suất kỳ vọng sau khi đạt đỉnh trong nửa đầu 2023 sẽ đi ngang và dần hạ nhiệt nửa cuối năm 2023.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo tăng trưởng tiền gửi CASA sẽ vẫn ở mức thấp trong nửa đầu năm 2023 do lãi suất tiền gửi có kỳ hạn ở mức cao và điều kiện thanh khoản hạn hẹp trong thời gian tới. "Tỷ lệ CASA của ngành có thể sẽ được cải thiện hơn trong nửa cuối năm khi lãi suất hạ nhiệt", các chuyên gia Yuanta nhận định.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/