|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tỷ giá USD hôm nay 24/5: Tỷ giá trung tâm giảm 14 đồng

07:04 | 24/05/2022
Chia sẻ
Giá USD quốc tế phiên đầu tuần ghi nhận sự sụt giảm trong bối cảnh các đồng tiền khác đang ổn định và lên giá trở lại. Các ngân hàng trong nước có điều chỉnh tăng nhẹ giá USD niêm yết sáng nay.

Vietcombank, BIDV và VietinBank cùng nâng 5 đồng

Tỷ giá trung tâm hôm nay (24/5) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.103 VND/USD, giảm tiếp 14 đồng so với mức niêm yết đầu tuần. Áp dụng biên độ 3%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.410 - 23.796 VND/USD.

Tỷ giá mua bán tham khảo tại Sở giao dịch NHNN được duy trì ở mức 22.550 - 23.250 VND/USD.

*Ghi chú: Tỷ giá mua - bán tiền mặt

Ngày

Phiên sáng 24/5/2022

Thay đổi so với phiên sáng qua

Tỷ giá trung tâm (VND/USD)

23.103

-14

Biên độ giao dịch (+/-3%)

22.410

23.796

Ngân hàng

Mua

Bán

Mua

Bán

Sở Giao dịch NHNN

22.550

23.250

0

0

Vietcombank

23.010

23.320

5

5

VietinBank

23.015

23.315

5

5

BIDV

23.035

23.315

5

5

Techcombank

23.031

23.322

7

7

Eximbank

23.060

23.270

0

0

Sacombank

23.032

23.600

9

0

Tỷ giá chợ đen

23.900

23.940

-20

-20

 Tỷ giá USD tại các ngân hàng trong nước lúc 9h (Nguồn: PV tổng hợp) 

Tỷ giá USD sáng nay tại các ngân hàng ghi nhận một số điều chỉnh tăng như ở Techcombank với 7 đồng ở cả hai chiều mua bán. Ba ngân hàng quốc doanh đồng thời nâng giá USD lên 5 đồng so với giá niêm yết cùng giờ hôm qua.

Giá mua USD hiện nằm trong khoảng từ 23.010 – 23.060 VND/USD, còn khoảng bán ra ở mức 23.270 – 23.600 VND/USD. Trong đó, Eximbank vừa có giá mua USD cao nhất vừa có giá bán USD thấp nhất.

Trên thị trường "chợ đen", khảo sát lúc 9h sáng nay cho thấy đồng USD hiện được giao dịch ở mức 23.900 - 23.940 VND/USD, giá mua và giá bán cùng giảm 20 đồng so với mức ghi nhận giờ này sáng qua.

 Ảnh minh họa: Reuters

USD bị bán tháo đáng kể

USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác hiện ở mức 102,14 theo ghi nhận lúc 6h30 (giờ Việt Nam).

Tỷ giá euro so với USD giảm 0,1% ở mức 1,0681. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,18% ở mức 1,2565. Tỷ giá USD so với yen Nhật giảm 0,12% ở mức 127,74.

Theo Investing, đồng USD đã ghi nhận sự trượt giá đáng kể phiên đầu tuần. Tâm lý ổn định hơn trên thị trường chứng khoán cũng gây áp lực lên đồng USD, vốn đã giảm mạnh vào tuần trước nhưng vẫn được coi là phù hợp cho các nhà đầu tư trong năm nay khi tài sản rủi ro giảm và lo ngại về suy thoái kinh tế cùng lạm phát tăng vọt.

Nhà phân tích Lee Hardman của MUFG cho rằng đây chỉ là một sự điều chỉnh tạm thời của USD nếu xem xét lý do chính tại sao nó đã mạnh lên rất nhiều trong những tháng gần đây. Nhưng trong ngắn hạn, có khả năng USD sẽ có mức điều chỉnh thấp hơn nữa.

Đồng euro tăng giá phiên đầu tuần sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết ECB có thể sẽ nâng lãi suất vào cuối tháng 9 và nhiều khả năng tăng thêm nếu lạm phát ổn định ở mức 2%. Sự phục hồi này của đồng euro diễn ra khi USD đang giảm trên diện rộng từ việc bán tháo bắt đầu tăng nhanh vào tuần trước.

Thomas Hempell, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường tại Generali Investments nhận định cuộc chiến ở Ukraine sẽ tiếp tục thúc đẩy những bất ổn địa chính trị và rủi ro suy thoái chủ yếu sẽ diễn ra ở châu Âu. Ông cho rằng khi lạm phát tăng cao trên toàn cầu và tăng trưởng ở Trung Quốc bị kìm hãm bởi dịch bệnh thì những sự không chắc chắn về chính sách sẽ tiếp tục có lợi cho đồng USD.

Trong khi đó, Thượng Hải đang dần dỡ bỏ phong tỏa và một đợt cắt giảm lãi suất lớn bất ngờ ở Trung Quốc vào tuần trước đã trấn an các nhà đầu tư. Đồng nhân dân tệ đã có tuần tốt nhất kể từ cuối năm 2020 vào tuần trước và tuần này đã ghi nhận sự ổn định ở mức 6,6542.

Đồng rouble của Nga ổn định hơn so với USD và euro vào hôm qua, hướng trở lại tới mức cao nhất trong nhiều năm đạt được vào tuần trước nhờ thông tin hỗ trợ về các biện pháp kiểm soát vốn. Trong năm nay, đồng rouble đã tăng khoảng 30% so với USD bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện ở Nga. Lực hỗ trợ đến từ các công ty xuất khẩu phải chuyển đổi nguồn thu ngoại tệ của họ sau khi các lệnh trừng phạt đóng băng gần một nửa dự trữ vàng và ngoại hối của Nga. Các nhà phân tích cho biết yêu cầu của Nga về việc người mua nước ngoài phải trả tiền mua khí đốt bằng đồng rouble cũng đã góp phần vào đà tăng gần đây của đồng tiền này.

Ngọc Huyền