|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tỷ giá USD cách đỉnh năm 2022 không xa, chuyên gia đánh giá NHNN nắm trong tay nhiều công cụ hơn

09:10 | 29/10/2023
Chia sẻ
Tỷ giá VND/USD đang tiến đến mức đỉnh 24.888 đồng ghi nhận vào cuối năm ngoái mặc dù cung/cầu ngoại tệ không có nhiều áp lực và biến động trên thị trường tự do cũng cho thấy nhu cầu tiền USD từ cá nhân trong nước không có sự đột biến.

Sau hơn một tháng áp dụng biện pháp phát hành tín phiếu 28 ngày nhằm hút bớt lượng tiền VND dư thừa trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đã bắt đầu tiệm cận lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn 1 - 3 tháng trên thị trường 1. 

Trong khi đó, tỷ giá VND/USD đã tăng mạnh trong thời gian qua, giá bán USD tại Vietcombank đạt 24.735 đồng tại ngày 24/10, tăng 4,24% so với hồi đầu năm và tăng 1,12% so với tháng trước

Tỷ giá VND/USD hiện chỉ còn cách đỉnh 24.888 đồng của năm 2022. Vì vậy, các chuyên gia từ Công ty Chứng khoán ACBS đánh giá bất kỳ một sự biến động tăng nào của lãi suất hoặc tỷ giá trong những ngày tới cũng có thể khiến NHNN sẽ áp dụng thêm các chính sách mới nhằm đạt được mục tiêu ổn định và cân bằng.

Bóng ma" tỷ giá năm 2022

Trong năm 2022, từng có lúc tỷ giá tăng lên mức 24.888 VND/USD, khi USD Index ở vùng đỉnh kỷ lục 112 điểm. Điều này dẫn đến tỷ giá chịu áp lực nặng nề và bị đẩy lên cao. Khi đó, NHNN đã phải rất vất vả để bình ổn khi đã có lúc VND mất giá tới 7-8% so với USD.

Các đợt tăng lãi suất không ngừng nghỉ từ cuối quý I của Fed đã kích hoạt đợt tăng giá mạnh nhất của đồng bạc xanh trong nhiều năm qua, đưa chỉ số USD Index lên mức cao nhất trong hai thập kỷ và tác động thẳng đến tỷ giá VND/USD.

Trong quý III/2022, giá USD tại các ngân hàng đã tăng thêm khoảng 600 đồng, cao hơn cả mức tăng lũy kế của cả 6 tháng đầu năm và chính thức vượt mốc 24.000 đồng. Chưa đầy một tháng sau đó, giá USD đã leo lên mức kỷ lục gần 24.888 đồng, đưa mức mất giá của tiền Đồng kể từ đầu năm lên 8,6% - cao nhất trong nhiều năm qua.

"NHNN đã phải sử dụng khoảng 25 tỷ USD/100 tỷ USD và áp dụng nới biên độ tỷ giá từ 3 lên 5% để duy trì tỷ giá năm 2022. Tỷ giá đột ngột tăng cao cũng là lý do cơ bản khiến NHNN phải điều chỉnh tăng lãi suất hai lần liên tiếp mỗi lần 1% vào tháng 9 và tháng 10/2022", TS. Vũ Đình Ánh nhắc lại diễn biến điều hành chính sách tiền tệ năm 2022.

 (Nguồn: SSI Research).

Hiện nay, USD Index cũng còn cách vùng đỉnh kỷ lục không xa khi đang ở mức 106 điểm, tăng 2,6% so với cuối năm 2022, đóng góp chính vào mức tăng của tỷ giá.  

Theo SSI Research, ngoại trừ EUR (+0,8%) và GBP (+0,17%) nhờ phát biểu có phần nào "diều hâu" từ ECB hay dữ liệu lạm phát cao ở Anh, các đồng tiền trong khu vực Châu Á và mới nổi đều giảm giá so với USD như THB -0,67%, JPY -0,19%, KRW -0,21% hay CNY -0,13%.

Trên thị trường trong nước, diễn biến tỷ giá USDVND tăng, tương đồng với xu hướng của các đồng tiền trong khu vực. Tỷ giá đã vượt mốc 24.600 VND/USD, tỷ giá tự do có phần nào ổn định hơn, giao dịch trong vùng VND 24,600- VND 24,700.

Tỷ giá USDVND đang tiến đến mức đỉnh ghi nhận vào cuối năm ngoái mặc dù cung/cầu ngoại tệ không có nhiều áp lực và biến động trên thị trường tự do cũng cho thấy nhu cầu tiền USD từ cá nhân trong nước không có sự đột biến.

SSI Research đánh giá, trạng thái ngoại tệ trên hệ thống không quá bất lợi và tỷ giá bán đang được NHNN niêm yết ở VND 25.244 cho thấy NHNN sẽ chưa tìm đến kênh dự trữ ngoại hối để ổn định thị trường. Tỷ giá USDVND hiện vẫn nằm mức biến động cho phép và thông điệp từ NHNN đưa ra là sẽ điều hành tỷ giá một cách ổn định nhưng không đồng nghĩa với việc không có biến động.

NHNN nắm trong tay nhiều công cụ bình ổn hơn 2022 

TS. Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN. (Ảnh: NVCC).

Bình luận về diễn biến này, TS. Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN cho rằng tỷ giá vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát, dao động 4% so với đầu năm là có thể chấp nhận được.

Theo ông, có 3 lý do khiến NHNN có thể giữ tỷ giá biến động trong vùng này. Thứ nhất là để hỗ trợ hàng xuất khẩu, thứ hai cán cân thương mại hàng hoá của Việt Nam vẫn thặng dư rất lớn, NHNN cũng duy trì sức mua USD để tăng dự trữ quốc gia.

Bên cạnh đó, vốn giải ngân FDI và cán cân vốn cũng tăng tốt so với năm trước cho thấy dòng vốn ngoại vẫn vào Việt Nam. Đây là những yếu tố tương đối sáng củng cố niềm tin trong việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam.

"Với việc kiểm soát thị trường của NHNN và quỹ dự trữ ngoại hối và cán cân thương mại thặng dư như vậy thì không cần quá lo ngại về việc tỷ giá tăng quá cao", chuyên gia cho hay.

Vị gia này cũng nhìn nhận NHNN phải quản lý và điều hành tỷ giá liên ngân hàng cao lên để giảm bớt áp lực đầu cơ ngoại tệ, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường ngoại hối. Đặc biệt, trong trường hợp nguy cấp, NHNN có thể áp dụng các biện pháp hành chính như kết hối chẳng hạn để xử lý vấn đề của tỷ giá.

Hạ An