Tỷ giá tăng và hơn một tỉ đô la Mỹ khó thu hồi ở PVN
Nhưng đây chỉ là con số thông báo chấm dứt dự án chứ chưa tính hết tổng các khoản đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả. Tất cả đều chưa có lối thoát.
Không chỉ dừng ở chi phí 773 triệu đô la Mỹ
Để nói về việc đầu tư không hiệu quả của PVN, tại Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 gửi Quốc hội mới đây, Kiểm toán nhà nước (KTNN) cho biết có tới 24 dự án tìm kiếm thăm dò phát triển dầu khí tại nước ngoài của PVN không thành công, đã và đang thực hiện thủ tục chấm dứt dự án với tổng chi phí 773 triệu đô la Mỹ.
Các dự án đầu tư ra nước ngoài, trong đó có dự án ở Venezuela gây thua lỗ trầm trọng cho PVN. Ảnh minh họa: TTXVN
Báo cáo này chỉ nêu ví dụ ngắn gọn về trường hợp dự án Danan (Iran) và dự án Junin 2 (Venezuela) buộc phải dừng, giãn tiến độ khi đã đầu tư 66 triệu đô la Mỹ. Hai dự án thăm dò khai thác dầu khí tại Peru dù đã đầu tư 849 triệu đô song PVN đang phải xin chủ trương chuyển nhượng dự án.
Mấy dòng thông tin ngắn gọn trong báo cáo của cơ quan kiểm toán chỉ có vậy. Song thực tế tại các dự án đầu tư ra nước ngoài thì chỉ có một dự án tại Nga và một dự án tại Malaysia có dòng tiền quay về. Các dự án còn lại được đầu tư từ 2009 đến nay, trong vòng 19 năm như một “lỗ đen” hút tiền. Và việc làm thủ tục chấm dứt dự án chỉ là một phần nổi trong hàng loạt các dự án thua lỗ, không lối thoát, mất khả năng thu hồi từ vài ngàn tỉ đến vài chục ngàn tỉ đồng/dự án của PVN trong những năm qua.
Trong khuôn khổ một báo cáo tổng hợp chung 2018, KTNN chỉ có thể đề cập như vậy. Muốn nhìn vào bức tranh toàn cảnh các dự án thăm dò, khai thác, liên doanh, đầu tư ra nước ngoài của PVN đến nay ra sao, phải nhìn vào Báo cáo tài chính (BCTC) mới nhất 2017, đặt trong bối cảnh so sánh với các năm trước đó.
Tại BCTC hợp nhất 2017 đã được kiểm toán của PVN, hiện không có dòng nào đề cập đến khoản đầu tư vào dự án Danan (Iran) như kiểm toán đã đề cập. Riêng khoản đầu tư nổi cộm nhất của PVN là dự án liên doanh giữa công ty con PVEP với Công ty liên doanh Petromacareo (Venezuela) và khoản phí phải trả lần đầu, lần thứ hai để được tham gia vào dự án Lo Junin 2 vẫn được ghi nhận theo giá gốc với tổng số tiền là 10.753 tỉ đồng (làm tròn số) trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất hết năm 2017. Dự phòng tài chính dài hạn cho khoản đầu tư này là 418 tỉ đồng (theo BCTC của công ty liên doanh từ cuối năm 2012). Kiểm toán Deloitte khẳng định “không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để đánh giá khả năng mang lại lợi ích kinh tế của các khoản phí tham gia phải trả lần đầu, lần thứ hai cũng như dự phòng đầu tư tài chính dài hạn cần trích lập”. Do vậy, kiểm toán không thể xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu nói trên hay không.
Như vậy, con số 66 triệu đô la mà KTNN đã đề cập ở trên chỉ là phần vốn góp, không tính 442 triệu đô la phí hoa hồng cho dự án. Cho dù đây là “phí ngoài” nhưng vẫn là con số thực trả mà phía PVN đã chuyển giao 2 lần cho đối tác và được Kiểm toán Deloitte nhắc đến trong BCTC 2017 nêu trên.
Vẫn theo BCTC 2017 của PVN, sở dĩ khoản đầu tư phải ghi nhận theo giá gốc vì công ty liên doanh không có BCTC kiểm toán hết năm 2017 để đánh giá khả năng thu hồi. Việc PVN và PVEP hai năm qua đề xuất phương án xử lý với khoản đầu tư nêu trên (xin khoanh vùng và xử lý phân bổ tài sản không có khả năng thu hồi trong vòng 20 năm-NV) cho thấy số tiền 10.753 tỉ đồng sau 19 năm đầu tư là mất trắng. Chưa kể số tiền 142 triệu đô la (phí hoa hồng phải trả lần 3 cho Chính phủ Venezuela để được quyền liên doanh mỏ này) đang “treo lại” trong suốt 7 năm qua chưa biết hậu quả đến đâu.
Hàng loạt dự án mất khả năng thu hồi khác của PVN và PVEP tiếp tục kiểm toán loại trừ khỏi BCTC 2017. Dù PVEP đang ghi nhận trên khoản mục “chi phí trả trước dài hạn” các chi phí tìm kiếm, thăm dò và phát triển dầu khí chưa phân bổ của Lô 67 Peru (được đầu tư cuối 2012). Dự án này đã tạm dừng khai thác vì điều kiện bất khả kháng kể từ tháng 5/2016. Do chưa có kế hoạch khai thác trở lại phụ thuộc vào dự báo chi phí khai thác, giá dầu dài hạn và các yếu tố khác trong tương lai.
Cũng tương tự như dự án Junin2, dự án Lô 67 Peru cũng bị kiểm toán đánh giá “không thể đánh giá khả năng mang lại lợi ích trong tương lai của các khoản chi phí trả trước dài hạn này” và cũng không thể xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu nói trên hay không. Chi phí đã chi tại Lô 67 Peru được ghi nhận tại thời điểm hết năm 2017 là 10.760 tỉ đồng cũng coi như mất trắng.
Ngoài ra, Lô 39 Peru đang trong giai đoạn thăm dò có giá trị ghi sổ hết năm 2017 là 1573 tỉ đồng (tăng thêm so với mức 1569 tỉ đồng của năm 2016). PVEP chưa nhận được báo cáo phê duyệt của cơ quan chức năng về báo cáo đầu tư điều chỉnh với dự án nêu trên nên cũng không thể tính toán được những điều chỉnh phát sinh khi dừng dự án.
Các dự án khác phải điểm danh là trách nhiệm chưa hoàn thành khi dừng tham gia Hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí lô SK 3025- Malaysia. Tổng chi phí dự kiến để hoàn thành các nghĩa vụ tồn tại của PVEP theo hợp đồng dầu khí giai đoạn 2015-2017 là 1981 tỉ đồng (khoảng 88, 28 triệu đô la Mỹ). Số tiền này sau đó được giảm trừ 31,42 triệu đô la (713 tỉ đồng) là chi phí thu dọn mỏ. Số tiền còn lại phải thanh toán đang “treo” lại.
Ngoài ra, PVEP đã phân bổ chi phí dự án không thành công, không hiệu quả năm 2016 có chủ trương kết thúc, dừng chuyển nhượng vào BCTC ngay năm đó số tiền 8694 triệu đồng ( là chi phí trả trươc dài hạn chưa phân bổ của hàng loạt dự án tại M2 Myanmar, Côn Sơn, Marine XI Congo, dự án 01/97...). Hết năm 2017, PVEP vẫn đang tiếp tục làm việc với các nhà thầu dầu khí, đối tác...chi phí quyết toán dự án khi dừng dự án.
Tổng hợp các con số trên cho thấy, các chi phí “treo” lại ở từng ấy dự án, các chi phí để kết thúc thăm dò, khai thác...của riêng PVEP phản ánh vào BCTC hợp nhất 2017 của PVN đã lên đến 31.475 tỉ đồng (làm tròn số), tương đương 1,368 tỉ đô la Mỹ. Đây là các chi phí “một đi không trở lại”, chứ không riêng gì con số 778 triệu đô la nói trên.
Đâu là lối thoát?
PVN đầu tư vào các dự án đều xuất tiền từ thời điểm 2009 đến nay. Thời điểm đó tỉ giá chưa đầy 18.000 đồng/đô la Mỹ. Nay mức tỉ giá mới là 23.000 đồng/đô la Mỹ, lẽ ra đều phải phản ánh hết vào chi phí đầu tư các dự án.
Thực tế thì khi lập BCTC hàng năm, kiểm toán đều ghi nhận chênh lệch tỉ giá từ việc chuyển đổi BCTC trình bày bằng ngoại tệ được chuyển đổi sang tiền đồng theo tỉ giá tại ngày lập bảng cân đối kế toán hợp nhất. Doanh thu, chi phí được chuyển đổi theo tỉ giá bình quân trong năm. Khoản chênh lệch tỉ giá phát sinh sẽ được phân loại vào nguồn vốn chủ sở hữu và được ghi nhận vào khoản “chênh lệch tỉ giá hối đoái” trên BCTC hợp nhất hoặc vào kết quả kinh doanh trong năm. Đến hết 2017,khoản lỗ chênh lệch tỉ giá phát sinh từ việc chuyển đổi BCTC trình bày bằng ngoại tệ được ghi nhận trên bảng cân đối kế toán của tập đoàn có giá trị 3413 tỉ đồng. Tại thời điểm hết năm 2016, khoản lỗ chênh lệch tỉ giá này là 4805 tỉ đồng.
Vấn đề là toàn bộ các chi phí đầu tư không hiệu quả, gây mất vốn hơn 30 ngàn tỉ đồng và lỗ chênh lệch tỷ giá 3413 tỉ đồng nữa toàn bộ là vốn nhà nước tại PVN và PVEP hiện chưa biết xử lý thế nào. Bộ Công Thương và PVN đã có văn bản cách đây hơn 1 năm xin cơ chế xử lý phù hợp theo hướng phân bổ chi phí, tài sản kéo dài trong 20 năm. Hay nói khác đi là rải dần số lỗ vào chi phí 20 năm để tránh những hệ lụy lớn cùng lúc. Tuy nhiên, đến nay chưa có cơ quan chức năng nào ra quyết định cuối cùng về số phận những dự án này vì ngay từ bước đầu tư ban đầu, nó đã vượt khỏi những quy định pháp luật ở quy mô lớn.
Ngành công thương có 12 đại dự án thua lỗ. Khi buộc phải đối diện với sự thật, danh sách và hiện trạng 12 dự án phải được bày ra trong nhiều bản báo cáo chi tiết gửi Quốc hội, Chính phủ. Hơn hai năm qua, dù tích cực giải quyết, các dự án vẫn chưa có nhiều tín hiệu sáng sủa.
Đằng này, với con số 24 dự án đầu tư ở nước ngoài không hiệu quả và với vài dự án nêu trên đã cho thấy những “đáp số” khó lường . Việc cần thiết bây giờ là phải có báo cáo minh bạch về các dự án đầu tư nêu trên, không hề che đậy hay tìm cách phân bổ chi phí 20 năm cho doanh nghiệp vì quy mô các dự án lên đến hàng tỉ đô la, không thể là câu chuyện né tránh mãi được.
Nhất là trong bối cảnh tỷ giá leo thang rất nhanh và chiến tranh thương mại đang gây ra những hệ lụy cộng hưởng khó lường.