|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tỷ giá hạ nhiệt, doanh nghiệp Việt sẽ hưởng lợi về hai khía cạnh

15:46 | 16/10/2024
Chia sẻ
Theo FiinRatings, trong ngắn hạn khi tỷ giá hạ nhiệt, các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi do chi phí lãi vay nước ngoài giảm. Trong dài hạn, ngân hàng, doanh nghiệp lớn thuận lợi hơn khi huy động vốn quốc tế.

Trong báo cáo BondXpress tháng 10/2024, FiinRatings đánh giá triển vọng tỷ giá hạ nhiệt sẽ hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp có vay nợ nước ngoài. 

Nhìn lại diễn biến trong tháng 9, FiinRatings cho rằng hoạt động thị trường mở diễn ra trầm lắng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã dừng hoạt động phát hành tín phiếu lần đầu tiên kể từ tháng 3, trong khi tiếp tục hỗ trợ thanh khoản thông qua hoạt động cho vay cầm cố giấy tờ có giá với quy mô 106.200 tỷ đồng. Trong giai đoạn gần đây, NHNN tiếp tục hỗ trợ thanh khoản, tuy nhiên không có tổ chức nào vay qua kênh này. 

Tỷ giá đã có sự hạ nhiệt đáng kể trong giai đoạn gần đây. 

Gần gây, tỷ giá đã vọt tăng nhanh chóng, vượt qua ngưỡng 25.000 đồng ở chiều bán ra tại các ngân hàng. 

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, xu hướng này chỉ mang tính nhất thời và tỷ giá sẽ đi ngang hoặc giảm cho đến cuối năm. 

Trong khi đó, tỷ giá VND/USD tiếp tục đà giảm từ đỉnh điểm ghi nhận trong suốt thời gian từ tháng 4 đến cuối tháng 7.

Tính đến cuối tháng 9, tỷ giá trung tâm đã về ngưỡng 24.093 đồng, tỷ  giá mua tại ngân hàng thương mại và thị trường tự do cũng hạ nhiệt so với đầu năm. Đến cuối tháng 9, biên độ mất giá của những tỷ giá này còn khoảng 0,95%, theo FiinRatings. 

FiinRatings tiếp tục kỳ vọng tình hình tỷ giá sẽ có biến đổi tích cực trong quý cuối năm. Ngày 18/9, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã cắt giảm lãi suất lãi suất 0,5%, lần đầu tiên kể từ năm 2020 nhưng vẫn duy trì trạng thái thắt chặt khi tiếp tục thu hẹp bảng cân đối kế toán. 

Theo các chuyên viên phân tích, trong nửa đầu năm, áp lực tỷ giá luôn neo cao, dù các yếu tố vĩ mô trong nước có phần cải thiện. Vì vậy, việc USD yếu đi sẽ góp phần giảm áp lực lên tỷ giá cuối năm. 

Ngoài ra, NHNN được kỳ vọng sẽ bắt đầu mua bổ sung USD trong điều kiện thích hợp khi dự trữ ngoại hối đang duy trì ở dưới mức 12 tuần nhập khẩu.

71% nợ nước ngoài trong năm 2023 là của doanh nghiệp trong nước. (Ảnh: FiinRatings)

Với diễn biến tích cực từ tỷ giá, FiinRatings dự báo các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ chi phí lãi vay nước ngoài giảm. Việc Fed giảm lãi suất sẽ trước mắt góp phần giảm chi phí lãi vay (theo cấu trúc lãi suất thả nổi SOFR + biên độ) của doanh nghiệp Việt Nam nhất là các khoản vay hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa được thực hiện phòng vệ (hedging) tỷ giá. 

SOFR viết tắt của lãi suất tài trợ qua đêm có đảm bảo, là thước đo về chi phí vay tiền mặt qua đêm được thế chấp bằng trái phiếu kho bạc Mỹ. Theo dữ liệu từ Fed chi nhanh New York, lãi suất SOFR ngày 11/10 ở mức 4,81%, giảm so với 5,33% ghi nhận vào một tháng trước. 

Về trung và dài hạn tỷ giá giảm sẽ giúp nhiều doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam bao gồm các ngân hàng thương mại và một số tập đoàn lớn trong các ngành phi tài chính thuận lợi hơn trong các giao dịch huy động vốn ngoại tệ trên thị trường quốc tế, các chuyên viên phân tích nhận định.

Minh Quang