|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tỷ giá cuối năm: Sóng nhỏ khó bắt

07:38 | 23/11/2016
Chia sẻ
Với cơ chế tỷ giá trung tâm và dự trữ ngoại hối đang tăng, Ngân hàng Nhà nước có thể duy trì tỷ giá USD/VND ở mức thấp để giữ giá trị VND.
ty gia cuoi nam song nho kho bat

Hơn 10 tháng, tỷ giá chỉ tăng 1%

2016 là năm đầu tiên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện cơ chế tỷ giá trung tâm biến động hằng ngày tùy theo cung - cầu thị trường để điều chỉnh tỷ giá USD/VND.

Theo Quyết định số 2730/QĐ-NHNN, bắt đầu từ ngày 4/1/2016, tỷ giá trung tâm sẽ được công bố hàng ngày.

Ngày 4/1/2016, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố là 21.896 USD/VND. Biên độ tỷ giá +/-3%, theo đó tỷ giá trần là 22.552 USD/VND, tỷ giá sàn 21.239 USD/VND.

Sau hơn 10 tháng thực hiện cơ chế tỷ giá trung tâm, đến nay tỷ giá USD/VND đã tăng 1%.

Cụ thể, ngày 22/11/2016, tỷ giá trung tâm là 22.120 USD/NVD. Biên độ tỷ giá cố định từ đầu năm đến nay là +/-3%. Tỷ giá trần là 22.783 USD/VND, tỷ giá sàn là 21.456 USD/VND.

So với mức biến động tỷ giá USD/VND trong năm 2015 gần 6%, tỷ giá năm 2016 đến nay đã không biến động quá nhiều. Mặc dù, sự kiện chấn động thế giới ngày 24/6 nước Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit) đã tác động không nhỏ đến tỷ giá USD/VND.

Cụ thể, thời gian này, tỷ giá trung tâm USD/VND ngày 25/6 là 21.845 USD/VND, tỷ giá thương mại được các ngân hàng niêm yết tăng nhẹ, Vietcombank niêm yết ở mức 22.270 – 22.340 USD/VND, tăng 10 đồng so với ngày 24/6.

Tỷ giá trung tâm ngày 01/7/2016 là 21.865 USD/VND (giảm 8 VND so với ngày 30/6, nhưng tăng 20 VND so với ngày 25/6). Tỷ giá trung tâm giảm nhưng các ngân hàng thương mại vẫn giữ nguyên tỷ giá niêm yết, cụ thể Vietcombank niêm yết ở mức 22.270 – 22.340 USD/USD, không đổi so với ngày 30/6.

Sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 9/11 với sự đắc cử của ông Donald Trump đã khiến tỷ giá USD/USD biến động nhẹ. Tỷ giá trung tâm ngày 10/11 tăng lên mức 22.043 USD/VND, tăng 18 VND so với mức 22.025 USD/VND ngày 9/11.

Tháng cuối cùng của năm 2016 tỷ giá chịu thử thách của việc tăng lãi suất của Fed và chính sách kinh tế của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Điều này có thể thấy tỷ giá USD/VND đang được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh linh hoạt theo xu hướng tăng. Ngày 22/11 tỷ giá trung tâm ở mức 22.120 USD/VND.

ty gia cuoi nam song nho kho bat

Cuối năm, VND sẽ giảm giá ít nhất thêm 1%?

Theo chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu, tỷ giá USD/VND cũng đang sức ép tâm lý, nhưng Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực duy trì tỷ giá USD/VND ở mức thấp hơn kỳ vọng.

Dù chỉ còn hơn 01 tháng nữa là hết năm 2016, tuy nhiên TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng ít nhất VND sẽ mất giá thêm 1% nữa. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể duy trì tỷ giá USD/VND ở mức thấp để giữ giá trị VND. Điều quan trọng là nếu VND cứ “neo” vào USD sẽ càng gia tăng nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc khi đồng Nhân dân tệ (CNY) củaTrung Quốc đã mất giá so với đồng USD từ mức 6,4 đầu năm lên mức 6,9 hiện nay (1 USD = 6,9 CNY), hàng hóa của Trung Quốc ngày càng rẻ đi. Đồng Nhân dân tệ đã vào trong rổ tiền tệ thế giới thì sự thả nổi của đồng tiền này càng tăng lên mạnh mẽ. Do đó, VND sẽ còn giảm giá để hạn chế nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, tỷ giá không còn bị ảnh hưởng bởi thị trường vàng, cơ quan quản lý đang kiểm soát chặt thị trường vàng nhập lậu để giảm “chảy máu ngoại tệ” như những năm trước. Điều này cũng góp phần hạn chế cầu USD khi giá vàng biến động làm ảnh hưởng đến tỷ giá. Ngoài ra, dự trữ ngoại hối đang ở mức 40 tỷ USD, Ngân hàng Nhà nước đủ sức đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, giá USD tại thị trường tự do lại tăng mạnh ngày 21/11 khi lên mức 22.700 USD/VND. Ngày 22/11 giá USD tự do đã giảm 40 VND/USD về mức 22.620-22.660 USD/VND (mua-bán) nhưng vẫn có sự chênh lệch lớn so với giá USD ngân hàng.

Tại các ngân hàng thương mại, giá USD niêm yết đang thấp hơn giá USD tự do khoảng 80 đồng ở chiều bán ra. Vietcombank báo giá ngoại tệ này ở mức 22.480 - 22.580 USD/VND.

Theo nhận định của công ty chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) trong tháng 7 cho thấy tỷ giá năm 2016 biến động khoảng 1%-3%.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 9 tháng đầu năm ở mức 5,93%, và cả năm sẽ không như kỳ vọng chỉ ở mức 6,3%. Lạm phát được kiềm chế ở mức 5%, 9 tháng xuất siêu 2,8 tỷ USD và lượng FDI giải ngân 10 tháng gần 13 tỷ USD, lượng kiều hối về TP.HCM trong 10 tháng đầu năm đạt 3,7 tỷ USD, cả năm ước 5,5 tỷ USD, bằng với năm 2015. Trong khi đó lượng kiều hối trên cả nước năm 2015 là 13 tỷ USD thì cơn sóng tỷ giá sẽ chỉ là con sóng nhỏ và sẽ được kiểm soát.

Trong bối cảnh thế giới, theo hãng tin Reuters, đồng USD đã tăng giá 5% so với rổ các đồng tiền mạnh kể từ sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.

Một sự kiện được giới tài chính chờ đợi là liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có tăng lãi suất trong tháng 12? Kinh tế Mỹ đang khởi sắc nhưng dự báo tăng trưởng cả năm vẫn không thể đạt 2%. Giới phân tích dự báo mục tiêu lãi suất của Fed là 0,41%, và cuối năm 2018 là 0,94%. Fed giảm tốc độ tăng lãi do tăng trưởng kinh tế và lạm phát đều chậm lại.

Donald Trump với chính sách kinh tế muốn tăng năng lực cạnh tranh nội địa và đồng Nhân dân tệ cũng muốn thả nổi mạnh sẽ là những thử thách cho VND, một chuyên gia tài chính nhận định.

Lan Anh