Tuyên Quang tăng tốc phát triển chè đặc sản
Chưa khai thác hết tiềm năng
Trong cơ cấu giống chè đặc sản ở Tuyên Quang, diện tích chè shan là 1.557 ha, chiếm 68% diện tích chè đặc sản, tập trung chủ yếu tại các huyện Na Hang, Lâm Bình. Tuy nhiên phần lớn diện tích này chưa được khai thác hết tiềm năng.
Khách thưởng trà yêu cái vị đậm đà, chát ngọt hẳn sẽ thích thú vô cùng khi được thưởng trà núi Kia Tăng, Hồng Thái, huyện Nà Hang. Ở Hồng Thái có hơn 40 ha chè shan, tuy diện tích lớn là thế, nhưng phần lớn diện tích chè shan ở đây vẫn còn ở dạng tiềm năng. Bởi những đồi chè được trồng chủ yếu trong chương trình trồng rừng phòng hộ. Vì vậy việc đầu tư chăm sóc chưa được quan tâm, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao.
Cây chè shan là một trong những nguồn thu nhập chính của người dân xã Hồng Thái, huyện Na Hang
Anh Hoàng Văn Tài, người Mông bản Kia Tăng, xã Hồng Thái tâm sự, mấy năm gần đây cây chè đã thực sự góp phần mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho bà con. Riêng gia đình nhà anh mỗi vụ thu hoạch được vài tạ chè tươi. Mấy năm trước, chè thu hái xong người dân phải đi bộ mấy chục cây số đến xã Sinh Long mới bán được với giá chỉ 10.000 đồng/kg. Nhưng giờ đây đã có cán bộ của Công ty cổ phần Chè Sông Lô thu mua kịp thời với giá 15.000 đồng/kg nên bà con phấn khởi lắm. Tuy nhiên, diện tích chè này vẫn còn manh mún, chưa được giao cụ thể cho từng hộ gia đình nên hiệu quả kinh tế chưa cao.
Anh Tài và bà con trong thôn mong muốn chính quyền địa phương giao diện tích chè này cho từng tổ nhóm quản lý, chăm sóc và bảo vệ. Như thế sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế.
Chè shan tuyết ở Na Hang, Lâm Bình có hương thơm dịu đặc trưng, vị đậm đà, đặc biệt là vị ngọt hậu khác với chè trung du. Đã có những vùng chè chinh phục được khách thưởng trà khó tính như: Chè shan Sơn Phú, Sinh Long, Hồng Thái, huyện Na Hang; chè shan Khau Mút, xã Thổ Bình (Lâm Bình)… Nhưng hiệu quả kinh tế chưa thực sự cao, bởi trong số hơn 1.500 ha chè shan ở tỉnh này đều là diện tích tự nhiên, chưa được chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật mà để hoang, chính sách giao diện tích quản lý, bảo vệ và chăm sóc cho từng hộ, cũng như các chính sách liên kết phát triển còn hạn chế.
Phát triển theo hướng an toàn
Trong đề án tái cơ cấu ngành chè, UBND tỉnh Tuyên Quang đã nêu rõ mục tiêu giai đoạn 2016-2020, tỉnh này sẽ trồng mới 1.000 ha chè đặc sản thay thế giống chè trung du, chè già cỗi. Trong các năm 2017, 2018, tỉnh đã trồng được hơn 300 ha.
Nếu chè tươi thông thường ở Tuyên Quang giá từ 4.800 - 5.000 đồng/kg thì chè đặc sản có giá từ 15.000 - 18.000 đồng/kg
Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, nâng cao năng suất hiệu quả kinh tế cây chè, tỉnh tập trung phát triển theo hướng nông nghiệp bền vững; tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, HACCP… trong sản xuất, chế biến chè khô nhằm tăng hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh trên thị trường. Tỉnh cũng đã phê duyệt các dự án trồng mới, trồng lại chè năng suất cao tại 3 công ty sản xuất, chế biến chè trên địa bàn.
Đến nay, Tuyên Quang đã xây dựng được 774 ha chè được cấp giấy chứng nhận an toàn. Có 12 sản phẩm chè đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, có truy xuất nguồn gốc. Tuyên Quang cũng đã có những thương hiệu chè nổi tiếng như: Chè Bát Tiên Mỹ Bằng được “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2017”; chè đặc sản Vĩnh Tân được bình chọn danh hiệu “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam 2017… Đây là những nền tảng quan trọng để chè đặc sản Tuyên Quang hội nhập và phát triển.
Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn cho biết, gia đình anh có truyền thống làm chè hơn 10 năm nay. Trước đây sản xuất chè kiểu truyền thống, chưa chú ý đến quy trình sạch nên hiệu quả kinh tế thấp. Từ ngày trồng chè đặc sản và áp dụng quy trình VietGAP, các loại chè đặc sản như Ngọc Thúy, Bát Tiên có giá trung bình là 550.000 đồng/kg chè khô. Với hơn 30 ha vùng nguyên liệu, mỗi năm HTX cung ứng 30 tấn chè khô ra thị trường.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang, so với năm 2013, thu nhập từ cây chè của người dân Tuyên Quang đã tăng 40%, giá bán chè búp tươi trung bình tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg; giảm 50% chi phí thuốc BVTV và công phun. Đây là những thành tựu không nhỏ trong nỗ lực phát triển nền nông nghiệp sạch của địa phương này.