|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 31/5 – 4/6: Tự doanh CTCK tiếp tục mua ròng hơn 800 tỷ đồng, rục rịch gom vào midcap

09:15 | 05/06/2021
Chia sẻ
Tuần giao dịch đầu tháng 6, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán gần 804 tỷ đồng. Hoạt động mua ròng của khối tự doanh vẫn tập trung tại các cổ phiếu vốn hóa lớn nhóm VN30 với giá trị hơn 660 tỷ đồng. Hai mã midcap là IJC và DBC ghi nhận giá trị mua ròng trên 100 tỷ đồng tuần này.

Tự doanh tiếp tục gom hơn 800 tỷ đồng tuần VN-Index tìm đỉnh mới

Tuần giao dịch (31/5 – 4/6), thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục diễn biến khởi sắc khi VN-Index vẫn leo lên các mốc đỉnh mới. Phiên giao dịch đầu tuần, thị trường diễn biến giằng co và tăng mạnh trong 4 phiên còn lại.

Đóng cửa tuần, VN-Index ở 1.374,05 điểm, tăng 4,06% so với cuối tuần trước. Khởi sắc hơn, HNX-Index và UPCoM-Index tăng lần lượt 6,22% và 5,21%. Như vậy, chứng khoán Việt Nam đã có 5 tuần tăng điểm liên tiếp kể từ 7/5.

Trong tuần này, cổ phiếu ngân hàng vẫn đóng vai trò dẫn dắt thị trường khi chiếm ưu thế trong nhóm 10 cổ phiếu đóng góp tích cực nhất đến đà tăng của VN-Index. VCB đóng góp 5,3 điểm tăng cho VN-Index. Những mã ngân hàng khác cũng đóng góp hơn 2 điểm như ACB, MBB, VIB, CTG, SSB, VPB và BID.

Cùng với nhóm ngân hàng, cổ phiếu bất động, dầu khí cũng đóng góp vào đà tăng của chỉ số. GAS đứng thứ ba về tác động lên VN-Index với mức đóng góp 4,9 điểm.

Với diễn biến thị trường tuần này, khối phân tích chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng dòng tiền đang lan tỏa sang nhiều nhóm ngành được kỳ vọng sẽ hồi phục và tăng trưởng.

Tuần 31/5 – 4/6: Tự doanh CTCK tiếp tục mua ròng hơn 800 tỷ đồng, rục rịch gom vào midcap - Ảnh 1.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Như những tuần giao dịch trước đó, dòng tiền trong nước đóng vai trò chính thúc đẩy đà tăng. Các cá nhân trong nước và khối tự doanh các công ty chứng khoán tiếp tục mua ròng trên thị trường.

Theo thống kê, khối tự doanh công ty chứng khoán mua ròng 802,3 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh và thỏa thuận trên HOSE tuần này. Riêng với giao dịch khớp lệnh, khối này mua ròng gần 804 tỷ đồng. Theo đó, bộ phận tự doanh đã có hai tuần mua ròng liên tiếp trên HOSE. Tuần trước đó (24 – 28/5), giá trị mua ròng đạt gần 534 tỷ đồng.

Hoạt động mua ròng của khối tự doanh vẫn tập trung tại các cổ phiếu vốn hóa lớn nhóm VN30 với giá trị hơn 660 tỷ đồng trong tuần này. Giá trị này gấp hơn 2 lần mức 301,4 tỷ đồng của tuần trước đó (24 – 28/5).

Nhiều midcap nằm trong nhóm mua ròng

Tuần 31/5 – 4/6: Tự doanh CTCK tiếp tục mua ròng hơn 800 tỷ đồng, rục rịch gom vào midcap - Ảnh 2.

Top10 mã khối tự doanh CTCK mua/bán ròng mạnh nhất tuần 31/5 - 4/6. Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Chi tiết giao dịch theo từng mã, cổ phiếu HPG của Hòa Phát được mua ròng mạnh nhất trong tuần qua với giá trị hơn 349 tỷ đồng. Trong nhóm thép, khối tự doanh còn mua ròng gần 27 tỷ đồng mã NKG trong khi bán ra hơn 28,4 tỷ đồng HSG.

Cùng với HPG, hai mã vốn hóa trung bình (midcap) là IJC và DBC cũng được mua vào với giá trị trên 100 tỷ đồng, lần lượt đạt gần 128 tỷ đồng và 117 tỷ đồng.

Tại nhóm ngân hàng, cổ phiếu TCB của Techcombank được mua vào gần 95 tỷ đồng, theo sau là VCB với 30,4 tỷ đồng. Một số mã ngân hàng ghi nhân giá trị mua ròng dưới 30 tỷ đồng trong tuần CTG, STB, BID, MBB, HDB, TPB, LPB.

Trong tuần này, khối tự doanh đồng loạt mua ròng cổ phiếu "họ Vingroup", cụ thể VIC (56 tỷ đồng), VRE (37,7 tỷ đồng), VHM (13,8 tỷ đồng).

Ghi nhận chiều bán, chứng chỉ quỹ ETF nội FUESSVFL của SSIAM VNFin Lead ETF dẫn đầu với gần 60,4 tỷ đồng, theo sau là E1VFVN30 với hơn 26,4 tỷ đồng. Chiều ngược lại, chứng chỉ quỹ của VFMVN Diamond ETF (FUEVFVND) được mua ròng hơn 47,7 tỷ đồng.

Với các cổ phiếu, mã GEX bị khối tự doanh xả mạnh nhất với hơn 57 tỷ đồng. Động thái bán ròng còn xuất hiện tại các cổ phiếu như ACB, SSI, GAS, PLX, VHC, NVL, VPB với giá trị bán ròng nằm trong khoảng 15 – 40 tỷ đồng.

Hoàng Linh

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.