|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tự ý mở cửa thoát hiểm trên máy bay bị phạt bao nhiêu tiền?

16:48 | 27/07/2019
Chia sẻ
Khi lên tàu bay, các hãng hàng không đều hướng dẫn hành khách về vị trí cửa thoát hiểm và các trường hợp cần mở cửa thoát hiểm. Tuy nhiên thực tế đã có nhiều hành khách, do vô tình hay cố ý, vẫn mở cửa thoát hiểm sai qui định dẫn tới bị phạt tiền và làm ảnh hưởng tới nhiều chuyến bay.

Chiều 26/7 khi chuyến bay mang số hiệu QH1414 từ Nha Trang đi Hà Nội của hãng hàng không Bamboo Airways chuẩn bị cất cánh, một nam hành khách đã bất ngờ mở tung cửa thoát hiểm số 3 bên trái.

Hành động này của vị khách đã khiến cho chuyến bay QH1414 bị "delay" (hoãn) từ 16h20 ngày 26/7 tới 3h40 sáng sớm 27/7. Nhiều chuyến bay khác dự kiến khai thác bằng tàu bay này và một số chuyến khác phải điều chỉnh thời gian bay muộn hơn so với lịch.

Thông thường khi lên tàu bay, các hành khách đều được hãng hàng không hướng dẫn vị trí cửa thoát hiểm và các trường hợp cần mở cửa thoát hiểm. Tuy nhiên thực tế đã có nhiều hành khách, do vô tình hay cố ý, vẫn mở cửa thoát hiểm sai qui định.

Theo qui định tại Điểm a, khoản 3, Điều 8, Nghị định số 147/2013/NĐ-CP ngày 30/10/2013 của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng: Hành vi mở cửa thoát hiểm tàu bay trái qui định sẽ bị phạt mức tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

Theo báo Tuổi trẻ đưa tin, ngày 22/2/2018, trên chuyến bay OV8053 từ TP.HCM đi Côn Đảo, khi máy bay hạ cánh tại sân bay Côn Sơn và đang lăn vào bãi đỗ thì một vị khách ngồi ghế 1C đã tự ý mở cửa thoát hiểm bên phải.

Hành động này đã làm hỏng chốt an toàn của cửa thoát hiểm tàu bay, khiến cho máy bay không thể tiếp tục khai thác và phải đỗ lại sân bay Côn Sơn chờ khí tài từ TP HCM gửi ra thay thế.

Cảng vụ Hàng không miền Nam sau đó đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với hành khách này mức phạt 15 triệu đồng.

Theo VNExpress, ngày 9/7/2018, trên chuyến bay BL212 của Jetstar Pacific từ Đà Lạt đi Hà Nội, sau khi hành khách lên hết tàu bay, nam hành khách ngồi ghế 12E đã tự ý mở nắp đậy tay cầm an toàn cửa thoát hiểm số 2 của máy bay.

Đèn cảnh báo tự động phát sáng và tiếp viên kịp thời ngăn chặn. Trước đó, vị khách này đã được tiếp viên hướng dẫn quy định an toàn bay và cảnh báo không được mở cửa thoát hiểm. 

Sau thao tác của hành khách, nhân viên kỹ thuật sân bay và cơ trưởng đã kiểm tra và nhận thấy cửa thoát hiểm chưa bị mở bung, vẫn bảo đảm thực hiện tiếp chuyến bay đi Hà Nội. Tuy nhiên, việc kiểm tra kĩ thuật khiến chuyến bay bị chậm 40 phút. 

Có lẽ vì cửa tàu thoát hiểm chưa bị mở bung nên hành khách này không bị áp dụng mức phạt 10-20 triệu đồng như qui định tại Khoản 3, Điều 8, Nghị định số 147 mà chỉ bị phạt 2 triệu đồng theo qui định tại Khoản 1.

Nghị định số 147/2013/NĐ-CP, Điều 8. Vi phạm quy định khai thác tàu bay

1. Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi sau đây:

a) Không tuân theo hướng dẫn về bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn hàng không, phòng chống dịch bệnh của thành viên tổ bay;

b) Sử dụng trái phép trang bị, thiết bị an toàn trên tàu bay. […]

3. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi sau đây:

a) Mở cửa thoát hiểm tàu bay trái quy định;

b) Người chỉ huy tàu bay không bảo đảm đủ giấy tờ, tài liệu theo tàu bay theo quy định;

c) Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự hoặc thực hiện các biện pháp bảo đảm khác đối với người thứ ba ở mặt đất không đến giới hạn trách nhiệm theo quy định.

Báo Người Lao động đưa tin, sáng 2/6/2016 trên chuyến bay VN 227 của Vietnam Airlines từ Hà Nội đi TP HCM, khi chiếc máy bay Airbus A321 vừa dừng bánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, một nam hành khách 58 tuổi đã tự ý mở cửa thoát hiểm số 3L làm cho cầu phao cứu sinh bung ra hoàn toàn xuống sân đậu máy bay.

HVN Vietnam Airlines

Cầu phao bung ra trên máy bay của Vietnam Airlines ngày 2/6/2016. Ảnh: Người Lao động.

Chiếc máy bay A321 bị bung cầu phao đã không thể tiếp tục bay chặng tiếp theo là TP HCM – Hong Kong như kế hoạch ngay sau đó vì phải tháo rời cầu phao chờ sửa chữa.

Hãng phải bố trí ngay máy bay thay thế nhưng vẫn không tránh được việc chậm chuyến dây chuyền của hàng loạt chuyến bay khác trong ngày. Vị khách 58 tuổi sau đó bị phạt 15 triệu đồng.

Báo Tuổi trẻ đưa tin, ngày 22/7/2014 ông Phạm Minh Ninh đi chuyến bay VN 1270 do máy bay Airbus A321 của Vietnam Airlines thực hiện từ TP HCM đến Thanh Hóa.

Khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) vào 14h25, trong lúc các hành khách đang xếp hàng xuống tàu bay, ông Ninh đã tự ý mở cửa thoát hiểm số 3L của máy bay khiến máng trượt bị bung ra.

Về sau ông giải thích đây là lần đầu tiên đi máy bay và không biết qui định về cửa thoát hiểm, chỉ muốn mở ra để đi xuống cho nhanh. Cảng vụ Hàng không miền Bắc sau đó đã ra quyết định xử phạt ông Ninh 15 triệu đồng.

Tại Trung Quốc, tờ The Paper đưa tin tháng 4/2018 một thanh niên 25 tuổi bay tới tỉnh Tứ Xuyên đã bị phạt 70.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 240 triệu đồng) vì mở cửa thoát hiểm để hóng gió trong khi chờ xuống máy bay.

Tháng 4 năm nay, một hành khách 65 tuổi người Trung Quốc bị cảnh sát bắt giam 10 ngày vì mở cửa thoát hiểm khi máy bay vừa hạ cánh ở sân bay Phổ Đà Sơn, tỉnh Chiết Giang.

chloe Jet2

Chloe Haines bị hành khách và phi hành đoàn khống chế. Ảnh: mirror.co.uk

Gần đây hơn ngày 22/6/2019, nữ hành khách Chloe Haines trên chuyến bay của hãng Jet2 từ London đến Dalaman (Thổ Nhĩ Kỳ) đã cố mở nhiều cánh cửa khi máy bay đang trên không, bao gồm cửa thoát hiểm và cửa vào buồng lái của phi công. Hành khách này còn la hét: "Tao sẽ giết tất cả chúng mày".

Hành động của cô gái 25 tuổi này đã khiến cả hành khách và phi hành đoàn phát hoảng. Sau khi cô gái bị khống chế, chuyến bay đã phải quay lại sân bay Stansted (London) để hạ cánh khẩn cấp.

Lo sợ có không tặc hay khủng bố trên chuyến bay, Không quân hoàng gia Anh đã phải điều động hai máy bay phản lực chiến đấu Typhoon tới hộ tống chiếc máy bay của Jet2 về sân bay Stansted.

Sau vụ việc này, Chloe Haines đã bị hãng Jet2 cấm bay vĩnh viễn và phạt 85.000 bảng Anh (khoảng 2,3 tỉ đồng).

Y Vân

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.