|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Từ vụ Elon Musk – Tesla, nhìn lại những án phạt tỉ USD của các tập đoàn lớn

15:39 | 01/10/2018
Chia sẻ
Ngày 30/9 vừa qua, Elon Musk - chủ tịch tập đoàn Tesla đồng ý nộp phạt 20 triệu USD sau cáo buộc lừa dối nhà đầu tư. Bản thân công ty Tesla cũng chịu phạt 20 triệu USD vì không kiểm soát phát ngôn trên tweeter của Elon Musk. Nhân sự kiện này, hãy cùng chúng tôi nhìn lại những vụ dàn xếp bê bối với số tiền phạt lên tới hàng tỉ USD trong lịch sử.
tu vu elon musk tesla nhin lai nhung an phat ti usd cua cac tap doan lon Elon Musk bị tố ra giá cổ phiếu cao chỉ để gây ấn tượng với bạn gái

Các ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008

Trong giai đoạn 2009-2016, các ngân hàng hoạt động tại Mỹ đã đồng ý trả 164 tỷ USD tiền phạt trong hơn 100 vụ dàn xếp liên quan tới hoạt động cho vay dưới chuẩn và bán các chứng khoán rủi ro cho nhà đầu tư. Trong đó riêng 7 ngân hàng lớn đã phải dàn xếp tới 72 vụ với tổng số tiền phạt 149,43 tỷ USD.

tu vu elon musk tesla nhin lai nhung an phat ti usd cua cac tap doan lon
Nguồn: Kiên Dương tổng hợp.

Đứng đầu danh sách là ngân hàng Bank of America với 24 vụ phải dàn xếp với Bộ Tư pháp Mỹ và nhiều tổ chức khác. Sở dĩ Bank of America dính tới nhiều bê bối tới vậy là vì trong giai đoạn khủng hoảng 2008, ngân hàng này đã mua lại hai ngân hàng lớn khác khi đó là Merill Lynch và Countrywide, thành ra Bank of America phải dàn xếp và nộp phạt cho cả những hoạt động trước đây của hai ngân hàng con.

Năm 2014, Bank of America đồng ý trả 16,65 tỷ USD, số tiền phạt lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, một phần số tiền này được dùng vào việc giúp những người đi vay bằng cách điều chỉnh giảm giá trị gốc vay. Tuy nhiên, Bank of America đã điều chỉnh giảm giá trị các khoản vay này từ nhiều năm trước, và do vậy tác động của khoản tiền phạt 16,65 tỉ USD này tới Bank of America không quá lớn như nhiều người tưởng.

Chưa kể, ngân hàng này còn có thể khấu trừ thuế trên số tiền nộp phạt. Một số chuyên gia ước tính, tuy phải trả 4,63 tỉ USD cho chính quyền liên bang và các bang của Mỹ nhưng Bank of America lại có thể tiết kiệm được 1,6 tỉ USD tiền thuế. Sau khi có thông tin về khoản tiền phạt kỷ lục 16,65 tỉ USD, giá cổ phiếu Bank of America tăng 4%.

Ngân hàng JP Morgan Chase cũng từng đồng ý dàn xếp 13 vụ việc với tổng số tiền phạt hơn 31 tỉ USD. Số tiền phạt lớn nhất mà JP Morgan Chase phải trả trong một vụ là 13 tỉ USD, liên quan tới việc ngân hàng này đã bán các chứng khoán chất lượng kém thời gian trước khủng hoảng.

Từ số tiền này, 2 tỉ USD được gửi tại Kho bạc Mỹ, 7 tỉ USD được trả cho nhiều tổ chức cấp bang và liên bang khác nhau. Còn lại 4 tỉ USD được dùng để giúp những người chủ nhà gặp khó khăn tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng như thành phố Detroit, bang Michigan.

Tương tự, số tiền 7 tỉ USD mà Citigroup trả riêng trong năm 2014 cũng được chia làm nhiều phần. Khoảng 180 triệu USD được dùng để xây nhà cho thuê giá rẻ và 2,5 tỉ USD được dùng để điều chỉnh giảm nghĩa vụ trả nợ của người vay, hỗ trợ tiền trả trước khi mua nhà hoặc đóng góp cho các hội, nhóm hỗ trợ hợp pháp.

Công ty dược phẩm với bê bối ăn chia với dược sĩ

Các công ty dược phẩm thường phải dàn xếp các vụ việc liên quan tới việc khuyến khích sử dụng thuốc ngoài chỉ định (off-label promotion) và ăn chia (kickbacks) với bác sĩ/dược sĩ để kê đơn thuốc sử dụng sản phẩm của mình. Dưới đây là 6 vụ dàn xếp với số tiền phạt lớn nhất trong lịch sử ngành dược phẩm:

tu vu elon musk tesla nhin lai nhung an phat ti usd cua cac tap doan lon
Kiên Dương tổng hợp

Ngân hàng HSBC và bê bối rửa tiền

Năm 2012, ngân hàng HSBC bị cáo buộc rửa tiền cho hai tổ chức buôn bán ma túy là Sinaloa tại Mexico và Norte del Valle tại Columbia. Để dàn xếp vụ việc này, HSBC đã đồng ý nộp phat 1,92 tỉ USD trong đó 1.256 triệu USD được dùng để khắc phục hậu quả và 665 triệu USD còn lại được trả cho các cơ quan quản lý bao gồm Văn phòng Kiểm soát tiền tệ (OCC), Cục dự trữ liên bang và Bộ Tài chính.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, các lãnh đạo ngân hàng liên tục phớt lờ những cảnh báo về việc hệ thống quản lý của HSBC còn rất nhiều thiếu sót. Chẳng hạn năm 2008, Giám đốc ngân hàng HSBC Mexico được cho biết rằng lực lượng thực thi pháp luật Mexico có một cuốn băng ghi âm trong đó một trùm buôn bán ma túy nói HSBC Mexico là nơi rửa tiền.

Những kẻ buôn bán ma túy người Mexico thậm chí còn dùng các hộp đựng tiền với được thửa riêng vừa với kích cỡ ô cửa sổ tại các quầy dịch vụ của HSBC để gửi tiền vào ngân hàng gần như hàng ngày.

Cũng theo Bộ Tư pháp Mỹ, bộ phận kiểm soát nội bộ của HSBC thường xuyên trong tình trạng thiếu người trầm trọng. Nhiều khi, chỉ có một hoặc hai nhân viên phải giám sát các giao dịch của 500 – 600 khách hàng.

Công ty sản xuất ô tô

Năm 2016, hãng sản xuất xe hơi của Đức Volkswagen đồng ý trả số tiền phạt kỷ lục 14,7 tỉ USD để dàn xếp vụ bê bối khí thải của hãng.

Trước đó vào năm 2015, Volkswagen thừa nhận đã cài một thiết bị gian lận vào các xe ô tô chạy động cơ diesel của hãng. Thiết bị này khiến cho khi xe chạy kiểm tra, lượng khí phát thải thấp hơn đáng kể khi xe chạy trong điều kiện bình thường.

Sau đó Volkswagens đã phải triệu hồi và chỉnh sửa 475.000 chiếc Volkswagen và Audi với động cơ diesel 2 lít. Mỗi chủ xe còn được bồi thường tiền mặt 10.000 USD. Vụ gian lận này làm ảnh hưởng tới hơn 600.000 chiếc ô tô tại Mỹ và 11 triệu chiếc xe trên toàn cầu.

Các tập đoàn ô tô lớn khác cũng phải trả các khoản tiền phạt hàng tỉ USD như: Toyota (năm 2014) nộp 1,2 tỉ USD vì hơn 10 triệu xe của hãng bị lỗi tăng tốc bất ngờ, General Motors (năm 2014) nộp 900 triệu USD vì hơn 30 triệu xe của hãng bị lỗi bộ phận đánh lửa, Hyundai và Kia (năm 2013) trả 395 triệu USD vì thổi phồng quãng đường xe có thể chạy ….

Đặc điểm chung

Trong tất cả các vụ dàn xếp kể trên, các tập đoàn đểu thông báo đồng ý trả số tiền lên tới hàng tỉ, thậm chí hàng chục tỉ USD. Tuy vậy nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng các tập đoàn cố tình thổi phồng con số này lên để xoa dịu dư luận, đó là chưa kể lợi ích về thuế mà các tập đoàn nhận được sau khi nộp phạt.

Thông qua việc đồng ý nộp tiền phạt, các tập đoàn này không nhất thiết phải thừa nhận hành vi phạm tội và các lãnh đạo doanh nghiệp tất nhiên cũng không bị đưa ra xét xử.

Các tập đoàn luôn khẳng định mình tuân thủ pháp luật, không có hành vi vụ lợi nhưng vẫn đồng ý nộp phạt là bởi “có thể có một số sai sót trong quá trình vận hành của một tập đoàn lớn, gây ra những hậu quả đáng tiếc” và việc dàn xếp thông qua nộp tiền phạt sẽ giúp giảm thiểu những rủi ro về pháp lý trong tương lai.

Nói một cách nôm na, nếu đưa nhau ra tòa tranh tụng thì diễn biến sẽ rất khó lường. Có thể các tập đoàn sẽ thắng kiện và không phải trả tiền phạt nhưng cũng có thể “tình ngay lý gian” thành ra sẽ thua kiện rồi lâm vào cảnh phá sản, lãnh đạo phải ngồi tù. Vậy chi bằng cứ nộp một mức phạt hợp lý cho xong?

Chẳng hạn, Tổng Giám đốc ngân hàng HSBC Stuart Gulliver nói về vụ bê bối rửa tiền ma túy năm 2012: “Chúng tôi nhận trách nhiệm về những sai sót trong quá khứ. Chúng tôi đã nói những lời xin lỗi sâu sắc nhất và giờ đây chúng tôi xin nhắc lại lời xin lỗi đó một lần nữa. Ngân hàng HSBC ngày nay là một tổ chức khác biệt căn bản so với HSBC của thời lầm lỗi trước đây”.

Tương tự, các lãnh đạo ngân hàng Goldman Sachs cũng liên tục khẳng định mình không làm gì sai trong cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn 2008 nhưng cuối cùng vẫn lên tiếng xin lỗi và đồng ý nộp phạt vì có thể ngân hàng này đã mắc một số “sai sót” (mistakes).

Lập luận phổ biến nhất được đưa ra là: Với một tổ chức có quy mô lớn tới hàng chục thậm chí hàng trăm ngàn nhân viên, sai sót là khó tránh khỏi!

Nhờ những thương vụ dàn xếp thông qua nộp phạt này mà rất ít khi các lãnh đạo tập đoàn phải ngồi tù. Chẳng hạn, rất nhiều sếp lớn ngân hàng bị điều tra sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 nhưng rốt cuộc chỉ có một giám đốc điều hành (managing director) của Credit Suisse bị kết án 30 tháng tù.

Hay vụ việc của Volkswagen ảnh hưởng tới hàng chục triệu người trên khắp thế giới nhưng rồi cũng chỉ có một kỹ sư bị kết án 3 năm tù.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Kiên Dương

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.