Từ năm 2023, các ngân hàng lớn nhất châu Âu sẽ phải tăng dự trữ tiền mặt
Ngày 27/10, Liên minh châu Âu (EU) công bố dự luật ngân hàng mới nhằm tránh tái diễn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, vốn làm trì hoãn các nội dung chính của một thỏa thuận quốc tế đã được thống nhất.
Thông qua dự luật mới, EU đã diễn giải cách áp dụng Cải cách Basel III , bộ tiêu chuẩn quốc tế về cách thức các ngân hàng đánh giá các rủi ro về tín dụng và thị trường.
Khi quy định trên được triển khai, dự kiến từ năm 2023, các ngân hàng lớn nhất ở châu Âu phải tăng dự trữ tiền mặt. Việc này có thể dẫn tới các khoản chi phí phát sinh lên tới vài tỷ euro.
Các ngân hàng cũng phải minh bạch hơn trong báo cáo đánh giá nguy cơ khí hậu, vốn thường đánh giá rất qua loa về các nội dung như cấp vốn cho các dự án nhiên liệu hóa thạch.
Phó Chủ tịch EU Valdis Dombrovskis cho biết, mục đích của dự luật mới là để đảm bảo các quy định sẽ được triển khai đầy đủ từ ngày 1/1/2025.
Các ngân hàng lớn tại châu Âu thời gian qua đã tích cực vận động để hạn chế các quy định mới hoặc trì hoãn việc áp dụng quy định càng lâu càng tốt. Các ngân hàng cho rằng các quy định được thắt chặt đã khiến lợi nhuận của ngành ngân hàng và các danh mục cho vay bị thu hẹp trong một thập kỷ qua.
Dự luật mới sẽ được đưa ra thảo luận tại Nghị viện châu Âu (EP) và các nước thành viên EU, nơi mà lợi ích của các ngân hàng lớn nhất châu lục có sức ảnh hưởng lớn.
Trong khi đó, các nhà quản lý của EU, trong đó có Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), phản đối việc trì hoãn triển khai các quy định mới trong Quy định Basel III cải cách, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của các tiêu chuẩn quốc tế mà khối này cần tuân thủ đầy đủ.