Lợi nhuận 12 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ và châu Âu đạt hơn 170 tỷ USD
Mặc dù một năm qua dịch bệnh tấn công trên toàn cầu, nhưng các ngân hàng lớn vẫn thu được lợi nhuận khủng.
Theo số liệu thống kê được công bố ngày 3/8, trong một năm qua, tổng lợi nhuận 12 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ và châu Âu đạt hơn 170 tỷ USD, trở thành năm bội thu nhất trong lịch sử.
Trong đó, lợi nhuận của nhiều ngân hàng đã lập kỷ lục mới. JPMorgan Chase ghi nhận kết quả hoạt động kinh doanh nổi bật nhất với lợi nhuận 47,8 tỷ USD, tương ứng với mỗi ngày bỏ túi 131 triệu USD, mức cao nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, Goldman Sachs và Morgan Stanley cũng phá vỡ kỷ lục lợi nhuận, lần lượt đạt 20,2 và 13,7 tỷ USD.
Giá cổ phiếu ngân hàng tăng hơn 50%
Sau khi trải qua cú sốc dịch bệnh, cổ phiếu ngân hàng đã nhanh chóng hoàn thành “cuộc tấn công” đảo ngược tình thế.
Trong phần lớn thời gian của năm 2020 và quý I/2021, các ngân hàng lớn của Mỹ thông qua giao dịch cổ phiếu và trái phiếu, cũng như cung cấp dịch vụ tư vấn giao dịch cho doanh nghiệp, đã đạt được hiệu quả kinh doanh đáng kinh ngạc.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bơm vào thị trường một khối lượng tiền lớn, các công ty đua nhau phát hành nợ mới và niêm yết trên thị trường, các nhà đầu tư nhỏ lẻ và nhân viên giao dịch nhanh chóng mua bán những loại chứng khoán này.
Các ngân hàng, với vai trò là cầu nối trung gian của tất cả những giao dịch trên, đã thu được rất nhiều tiền.
Ngoài ra, cùng với nền kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi, các ngân hàng lớn cũng bắt đầu cắt giảm dự phòng rủi ro cho vay.
Sau nhiều tháng thực hiện các biện pháp hạn chế để phòng chống dịch bệnh, hoạt động doanh nghiệp gia tăng đã phản ánh tâm lý lạc quan đối với nhiều lĩnh vực của nền kinh tế toàn cầu.
Các ngân hàng cũng cảm nhận được niềm tin này, đồng thời bắt đầu mạnh tay cắt giảm dự phòng rủi ro. Chỉ tính riêng ở châu Âu, tỷ lệ dự phòng của 9 ngân hàng lớn nhất đã giảm 88% trong những tuần gần đây.
Những điểm tích cực này cũng được phản ánh vào giá cổ phiếu, chỉ số Dow Jones Banks Index đã tăng 59% trong 1 năm qua, trong khi chỉ số Euro Stoxx Banks Index cũng không thua kém với mức tăng 56%.
Theo số liệu của Refinitiv, tính đến ngày 2/8, khoảng 300 công ty trong chỉ số S&P 500 đã công bố báo cáo tài chính, trong đó gần 89% báo cáo lợi nhuận tốt hơn dự báo hàng tháng của các nhà phân tích. Dựa vào số liệu có được từ năm 1994, đây là kỷ lục tỷ lệ phần trăm cao nhất.
Điều đáng chú ý là, trong top 10 đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng của quý II, các công ty tài chính chiếm đến 50%.
Theo đó, các công ty đóng góp lớn nhất đối với trăng trưởng lợi nhuận bao gồm Apple, Wells Fargo, ExxonMobil, JPMorgan Chase…
Tương lai đối diện với nhiều khó khăn
Mặc dù các ngân hàng hàng đầu toàn cầu đã kiếm được rất nhiều tiền, nhưng họ vẫn đối mặt với một loạt thách thức trong thời gian tới, bao gồm những vấn đề như môi trường lãi suất thấp, hoạt động giao dịch của ngân hàng chậm lại vào thời kỳ cuối dịch bệnh…
Theo Jeremy Burnham, Giám đốc tài chính của JPMorgan Chase, hiện nay việc kỳ vọng kinh tế đã chạm đáy là vấn đề hết sức nguy hiểm, đồng thời cảnh báo doanh thu của ngân hàng rất khó tăng mạnh trong ngắn hạn dưới tác động cộng hưởng của lãi suất siêu thấp, nhu cầu tín dụng suy yếu và giao dịch chậm lại.
Cơ quan nghiên cứu Autonomous Research cũng dự báo thu nhập lãi thuần của các ngân hàng lớn sẽ sụt giảm trong năm 2021, đồng thời nhấn mạnh các nhà điều hành ngân hàng đang hạ thấp kỳ vọng trong thời gian gần đây.
Lãi suất tăng và tín dụng được tăng cường (đặc biệt là tín dụng cho người tiêu dùng) sẽ mang lại sự hồi sinh kép, nhưng hiện vẫn chưa rõ thời điểm xảy ra hai tình huống này.
Hiện nay, quy mô dự trữ của Mỹ rất cao. Theo số liệu của Fed, quy mô dự trữ của các ngân hàng thương mại Mỹ là 17.000 tỷ USD, tăng gần 30% so với thời điểm đầu năm 2020, tương đương 3.800 tỷ USD, bằng tổng dự trữ năm 2001.
Tuy nhiên, tiền mặt quá nhiều đang kéo tỷ suất lợi nhuận đi xuống, bởi vì các ngân hàng không kiếm được nhiều tiền từ phương diện này.
Các chuyên gia phân tích của Barclays ước tính, nếu lượng tiền dư thừa có thể được đưa vào sử dụng với lãi suất cao hơn, lợi nhuận trước thuế bình quân của ngành ngân hàng sẽ tăng 5%.
Do dịch bệnh vẫn lây lan khắp toàn cầu, lãi suất ở mức thấp kỷ lục sẽ tiếp tục gây sức ép đối với thu nhập từ hoạt động cho vay của ngân hàng, vì vậy việc liệu ngành ngân hàng có thể phá vỡ kỷ lục lợi nhuận hay không vẫn cần phải quan sát.
Tuy nhiên, cũng có ngân hàng thể hiện tâm lý lạc quan. Brian Moynahan, Giám đốc điều hành Bank of America có quan điểm tương đối lạc quan về triển vọng tăng trưởng tín dụng, cho rằng tín dụng thương mại sẽ không giảm.
Giám đốc Brian Moynahan nhấn mạnh các công ty cần tuyển dụng công nhân để tăng cường tồn kho và đáp ứng nhu cầu khách hàng liên tục tăng trưởng, vòng tuần hoàn tích cực tuyển dụng công nhân và đáp ứng chi tiêu của khách hàng có lợi cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế.
Theo chuyên gia phân tích Joseph Dickerson thuộc tập đoàn tài chính Jefferies, một số xu hướng thu nhập có thể sẽ tiếp tục diễn ra, đặc biệt là cùng với thu nhập từ phí tiếp tục tăng lên, điều này sẽ giúp tình trạng suy giảm quy mô lớn không tái diễn.
Thị trường Trung Quốc trở thành điểm đến cạnh tranh
Về triển vọng trong thời gian tới, nhân cơ hội lĩnh vực tài chính của Trung Quốc mở cửa hơn nữa với các ngân hàng đầu tư nước ngoài, các ngân hàng hàng đầu của Mỹ và châu Âu đang tập trung mở rộng khai thác thị trường Trung Quốc.
Ngày 29/7, Citibank tại Trung Quốc đã nhận “Giấy phép kinh doanh chứng khoán và hợp đồng tương lai” từ Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC). Citibank sẽ chính thức cung cấp dịch vụ lưu ký quỹ đầu tư chứng khoán cho các quỹ đại chúng và quỹ tư nhân ở Trung Quốc, trở thành ngân hàng lưu ký chủ chốt đầu tiên trên toàn cầu được chấp thuận cung cấp dịch vụ lưu ký này.
Theo David Russell, Giám đốc dịch vụ chứng khoán khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Giám đốc thị trường tài chính Hong Kong (Trung Quốc) của Citibank, ngày càng nhiều tổ chức quản lý đầu tư toàn cầu đang triển khai các nghiệp vụ hoạt động ở thị trường Trung Quốc, các tổ chức quản lý đầu tư của Trung Quốc cũng đang mở rộng phát triển nghiệp vụ ở trong nước và toàn cầu, Citibank mong muốn phục vụ và hỗ trợ sự phát triển của họ.
Ngoài ra, cuối tháng Năm vừa qua, cơ quan quản lý giám sát của Trung Quốc đã phê chuẩn thành lập một công ty tài chính liên doanh giữa Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và Goldman Sachs.
Theo đó, bộ phận quản lý tài sản trực thuộc Goldman Sachs nắm giữ 51% cổ phần của công ty liên doanh này, 49% còn lại sẽ do bộ phận quản lý tài chính trực thuộc của Ngân hàng Công thương Trung Quốc nắm giữ.
Công ty liên doanh mới này có kế hoạch phát triển một loạt sản phẩm đầu tư cho thị trường Trung Quốc, bao gồm giải pháp sáng tạo cho chiến lược đầu tư định lượng, sản phẩm xuyên biên giới và các sản phẩm khác.
Theo nghiên cứu của Goldman Sachs, đến năm 2030, tài sản có thể đầu tư do các hộ gia đình Trung Quốc nắm giữ ước tính trên 70.000 tỷ USD, trong đó khoảng 60% có thể đầu tư vào các sản phẩm phi tiết kiệm, bao gồm chứng khoán, quỹ đại chúng và sản phẩm tài chính.
Các công ty tài chính xuyên quốc gia khác cũng đang nỗ lực mở rộng nghiệp vụ tài chính ở Trung Quốc.
Tháng Ba vừa qua, JPMorgan Chase đồng ý chi 410 triệu USD để mua lại cổ phần của một công ty tài chính hàng đầu thuộc Ngân hàng Chiêu thương (China Merchants Bank - CMB).
Đây là lần đầu tiên một ngân hàng Trung Quốc chấp nhận nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia vào bộ phận tài chính của mình.
Bên cạnh đó, JPMorgan Chase cũng đang chờ đợi sự phê duyệt của cơ quan quản lý để có được quyền sở hữu toàn bộ trong công ty liên doanh quản lý quỹ Trung Quốc.