|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Từ 1/10, có thể thanh toán các loại phí đường bộ bằng tài khoản giao thông

15:36 | 01/10/2024
Chia sẻ
Theo Nghị định vừa được ban hành, người dân có thể sử dụng tài khoản giao thông để thanh toán trực tuyến đối với các loại phí giao thông đường bộ.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 119 ngày 30/9 quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10.

Theo đó, các phương tiện giao thông đường bộ phải được gắn thẻ đầu cuối để mở tài khoản giao thông. Đây là thiết bị điện tử được gắn trên phương tiện để giao tiếp thông tin với hệ thống thiết bị lắp đặt tại các điểm thu theo tiêu chuẩn về nhận dạng tần số vô tuyến thụ động cho việc giao tiếp không dây và lưu trữ các thông tin liên quan đến kiểm định của phương tiện.

Việc gắn thẻ đầu cuối và kích hoạt thẻ đầu cuối do nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ (nhà cung cấp) thực hiện và bảo hành trong thời gian tối thiểu là 12 tháng kể từ thời điểm gắn thẻ. Chủ phương tiện phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho nhà cung cấp.

Mỗi tài khoản giao thông có thể sử dụng để chi trả cho nhiều phương tiện tham gia giao thông thuộc sở hữu của chủ phương tiện, nhưng mỗi phương tiện tham gia giao thông chỉ được nhận chi trả từ một tài khoản giao thông.

Không được qua trạm thu phí nếu số tiền trong tài khoản thanh toán không đủ

Nghị định nêu rõ, trường hợp số tiền trong phương tiện thanh toán được kết nối với tài khoản giao thông không đủ để thực hiện thanh toán tiền sử dụng đường bộ trên đường cao tốc thì phương tiện không được đi qua trạm thu phí đường bộ trên đường cao tốc.

Trường hợp số tiền trong phương tiện thanh toán được kết nối với tài khoản giao thông không đủ để thực hiện thanh toán tiền sử dụng đường bộ thì phương tiện phải sử dụng làn thu phí hỗn hợp tại trạm thu phí đường bộ, trừ trường hợp trên đường cao tốc.

Trừ hai trường hợp nêu trên, các trường hợp còn lại thực hiện các hình thức thanh toán khác tại điểm thu.

Để tài khoản giao thông có thể kết nối với các phương tiện thanh toán sẵn có của ngân hàng, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng giám đốc Napas, cho biết, hiện nay hạ tầng thanh toán bán lẻ của ngành ngân hàng có độ phủ sóng cao với số lượng thẻ ngân hàng cả quốc tế, nội địa đã gấp 1,5 lần so với tổng dân số Việt Nam.  Theo Ngân hàng Nhà nước, hơn 87% công dân Việt Nam ở độ tuổi trưởng thành có tài khoản ngân hàng. 

Ông Long cũng cho biết thêm, ngành ngân hàng hiện đã tương đối sẵn sàng về hạ tầng cũng như kinh nghiệm triển khai trong nước và thế giới. Riêng ở Việt Nam, Napas đã có kinh nghiệm triển khai kết nối liên thông với một số đơn vị giao thông như VETC, Vinbus…

Thời gian tới, để đưa nghị định vào cuộc sống, ngoài sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan liên quan cũng cần trao đổi thêm về phương thức vận hạn, quy chuẩn của hệ thống tài khoản giao thông.

Theo Luật Đường bộ số 35 ngày 27/6, thanh toán điện tử giao thông đường bộ là việc thanh toán các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện giao thông đường bộ thông qua tài khoản giao thông.

Tài khoản giao thông là tài khoản mở cho chủ phương tiện giao thông đường bộ và kết nối với phương tiện thanh toán hợp pháp để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật về ngân hàng.

Theo Nghị định vừa được ban hành, việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng tiếp tục được thực hiện đến ngày 1/7/2026. 

Trong thời gian đó, Chính phủ yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ hoàn thiện việc chuyển tài khoản và tiền từ tài khoản thu phí của chủ phương tiện sang tài khoản giao thông và phương tiện thanh toán được kết nối với tài khoản giao thông của chủ phương tiện trước ngày 1/10/2025.

Anh My