TTK Hiệp hội Ngân hàng: Tăng cường cho vay hỗ trợ DN vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống
Trước những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, ngành ngân hàng đã nhanh chóng vào cuộc với nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ này còn khó khăn. Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Nguyễn Toàn Thắng đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Trước những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH) có những hành động như thế nào cùng với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong việc thực hiện và đưa ra các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thưa ông?
Ông Nguyễn Toàn Thắng: Trước diễn biến phức tạp và tác động lớn của dịch bệnh COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 của Thống đốc NHNN, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các tổ chức hội viên Hiệp hội đã tích cực, chủ động, khẩn trương triển khai nhiều chương trình, biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Cụ thể, Hiệp hội đã đồng hành cùng các tổ chức hội viên trong quá trình triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, ghi nhận một số vướng mắc của các tổ chức hội viên và đã có văn bản đề xuất với, các bộ, ngành liên quan để kịp thời có những biện pháp tháo gỡ.
Để phát huy hiệu quả của các nỗ lực chia sẻ, hỗ trợ với doanh nghiệp, với cộng đồng, góp phần nhanh chóng giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với nền kinh tế, Hiệp hội Ngân hàng đã đề nghị các tổ chức hội viên là các ngân hàng thương mại triển khai quyết liệt các chính sách, giải pháp của Chính phủ, của ngành Ngân hàng và của từng tổ chức hội viên, tập trung vào một số nội dung sau:
Thứ nhất, nâng cao tính kịp thời, hiệu quả của các gói hỗ trợ cho vay khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Khẩn trương hoàn thiện quy chế, quy trình nội bộ để hướng dẫn cho các chi nhánh và đơn vị trực thuộc có liên quan và thông báo công khai các đối tượng, tiêu chí cụ thể cho khách hàng biết để thống nhất thực hiện.
Tiếp tục đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ.
Thứ hai, chỉ đạo các chi nhánh và đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp với các ngân hàng bạn, các cơ quan, ban, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn để nắm chắc tình hình khách hàng, xác định và hỗ trợ đúng đối tượng, bảo đảm sự thống nhất cho việc thực thi chính sách tránh việc lợi dụng chính sách, để lại hệ quả phải giải quyết sau này.
Thứ ba, tăng cường các biện pháp điều chỉnh cần thiết trong nội bộ cho phù hợp với sự thay đổi của môi trường kinh doanh, chú trọng các biện pháp tiết giảm chi phí hướng tới việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, góp phần giảm mặt bằng lãi suất chung trên thị trường.
Đề ra các biện pháp đối phó và xử lý đối với nợ xấu gia tăng, bảo đảm an toàn hoạt động.
Thứ tư, các tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh quan tâm hơn nữa công tác truyền thông, kịp thời phản ánh thông tin những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, góp ý cơ chế, chính sách cho Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Phóng viên: Với hàng loạt chính sách và giải pháp ngành Ngân hàng triển khai, tới nay kết quả thực hiện của các tổ chức hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đạt được ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Toàn Thắng: Có thể thấy, các ngân hàng đang tích cực triển khai các gói cho vay mới với lãi suất ưu đãi. Theo số liệu của NHNN, quy mô của gói tín dụng này hiện đã lên tới khoảng 650.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với mức đăng ký ban đầu với lãi suất cho vay thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi dịch xảy ra khoảng từ 1-2%.
Đến nay, đã có 147.637 khách hàng được vay với doanh số cho vay lũy kế từ ngày 23/1/2020 đạt khoảng 553.000 tỷ đồng.
Các ngân hàng thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 170.746 khách hàng với số dư nợ 128.210 tỷ đồng; Miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 14.372 khách hàng với dư nợ 28.441 tỷ đồng; Hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho 318.528 khách hàng với dư nợ là 980.163 tỷ đồng và mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5-2%.
Thậm chí có một số tổ chức tín dụng đã hạ lãi suất cho vay từ 2,5% lên tới 4%/năm so với trước khi có dịch.
Các tổ chức hội viên của HHNH đã thực hiện chính sách miễn, giảm phí giao dịch thanh toán cho khách hàng. Nhiều loại phí được giảm từ 75-100% mức phí thu cũ.
Kết quả, theo thống kê sơ bộ đến tháng 3/2020 đã có 44 ngân hàng đã thực hiện miễn, giảm phí giao dịch thanh toán cho khách hàng với tổng số tiền giảm khoảng 560 tỷ đồng. Ước tính số phí giảm năm 2020 lên đến trên 1.000 tỷ đồng.
Phóng viên: Ngành Ngân hàng đã vào cuộc rất trách nhiệm trong hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19, thế nhưng đâu đó vẫn đang còn có ý kiến của khách hàng về khó khăn trong tiếp cận vốn vay. Ông có chia sẻ gì về vấn đề này?
Ông Nguyễn Toàn Thắng: Theo tôi, cần hiểu đúng các gói tín dụng như gói 300 nghìn tỷ đồng không phải gói cứu trợ kinh tế được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, mà là gói tín dụng thông thường, lấy từ nguồn tiền gửi của người dân và doanh nghiệp, tổ chức đang gửi tại ngân hàng và các ngân hàng phải trả lãi suất huy động để cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Vì thế, cơ chế, quy trình cho vay cũng phải thực hiện theo các quy định hiện hành, nhưng áp dụng lãi suất ưu đãi hơn mức lãi suất cho vay thông thường tùy chính sách và năng lực của từng ngân hàng.
Các gói tín dụng hỗ trợ này là sự chia sẻ lợi nhuận của ngân hàng dành cho khách hàng và ngân hàng phải chú ý đến khả năng doanh nghiệp kinh doanh không có hiệu quả thì sẽ dẫn đến nợ xấu.
Tôi cũng muốn nói rõ hơn để các khách hàng hiểu và thông cảm hơn cho các ngân hàng. Bởi số lượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cần được hỗ trợ cơ cấu nợ theo Thông tư 01 rất lớn, kèm theo việc phải xử lý, thu thập hồ sơ để đánh giá, thẩm định khi thực hiện cơ cấu nợ, bảo đảm tuân thủ quy định tạo nên những áp lực, gánh nặng rất lớn đối với các tổ chức tín dụng; đặc biệt là đối với các ngân hàng tập trung vào phân khúc bán lẻ, các khoản vay nhỏ của khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh, khách hàng doanh nghiệp siêu nhỏ... số lượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 cần được cơ cấu nợ càng lớn.
Trong khi đó, số lượng cán bộ, nhân viên ngân hàng không tăng lên và phải bảo đảm thực hiện các yêu cầu "giãn cách xã hội" của Chính phủ, cũng khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện các công việc cần thiết để cơ cấu nợ cho số lượng lớn khách hàng trong thời gian ngắn.
Phóng viên: Thưa ông, có ý kiến cho rằng để các giải pháp hỗ trợ vốn đến nhanh và nhiều hơn tới những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì ngân hàng nên nới lỏng các điều kiện cho vay. Theo ông, ngân hàng có nên hạ chuẩn cho vay không? Vì sao?
Ông Nguyễn Toàn Thắng: Toàn ngành ngân hàng và từng tổ chức hội viên HHNH đều quán triệt tinh thần nỗ lực chia sẻ, hỗ trợ với doanh nghiệp, cộng đồng, góp phần nhanh chóng giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với nền kinh tế.
Trong khả năng của mình các tổ chức hội viên đã và đang nỗ lực đơn giản hóa nhất có thể các thủ tục nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo sẽ xử lý các chi nhánh, cán bộ thiếu trách nhiệm, gây phiền hà, chậm trễ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, HHNH hoàn toàn thống nhất với quan điểm của Ngân hàng Nhà nước về việc khẳng định không cho vay "dưới chuẩn" nhằm đảm bảo chất lượng tín dụng và an toàn hoạt động của ngân hàng.
Điều này đã được Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh tại Hội nghị về tăng cường hoạt động tín dụng ngân hàng nhằm khắc phục khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 ngày 22/4/2020.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!