|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

‘TTCK Việt Nam hồi phục chưa đáng kể so với thế giới, VN-Index có thể vượt mốc 1.500 điểm trong năm 2024 hoặc 2025’

08:15 | 23/08/2023
Chia sẻ
Với các chính sách vĩ mô như hiện tại, thị trường đang ở mức khá cân bằng với P/E vào khoảng 14,18 lần. Thị trường Việt Nam đã phục hồi, nhưng nếu so với các thị trường tài chính trên thế giới thì Việt Nam phục hồi thực sự chưa đáng kể. Chuyên gia kỳ vọng thị trường trong thời gian tới 2024, 2025 sẽ là thị trường tốt hơn.

Theo thống kê, các nền kinh tế đầu tàu trên thế giới trong quý II/2023 đã có sự tăng trưởng tích cực. GDP của Mỹ đã tăng 2,4%, cao hơn quý I. Còn tại châu Âu, nền kinh tế đã thoát khỏi đáy tăng trưởng khi tăng 0,3% trong quý II. Cùng lúc đó, GDP của Nhật Bản cũng đã tăng 0,7% so với quý trước.

Trong bối cảnh các nền kinh tế phục hồi, thị trường chứng khoán toàn cầu cũng đã tăng mạnh trở lại với mức tăng từ 10 – 30% tùy từng thị trường. Giới chuyên gia đánh giá, hiện nay mức định giá các thị trường đã trở nên đắt đỏ hơn, đặc biệt là thị trường Mỹ. Dù vậy, giới đầu tư vẫn đang đánh giá tích cực về thị trường trong giai đoạn tới.

Tại Việt Nam, trong bối cảnh chung tích cực dần lên, thị trường chứng khoán cũng đã có sự phục hồi với mức tăng khoảng 20%. Dù thị trường đang phải đối mặt với những phiên điều giảm sâu, nhưng thanh khoản của thị trường vẫn đang ở quy mô cao 1 tỷ USD mỗi phiên. Nhà đầu tư đang có những kỳ vọng tích cực hơn về xu hướng dài hạn của thị trường.

Ông Lê Quang Chung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Smart Invest (AAS). (Ảnh chụp màn hình).

Chia sẻ tại Talkshow “Phố Tài chính”, ông Lê Quang Chung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Smart Invest (AAS) cho rằng trong năm 2023, thị trường Trung Quốc gần như đi ngang, Mỹ đã gần chạm được đỉnh của năm 2022, châu Âu vượt đỉnh còn thị trường Nhật Bản đã gần tiệm cận với đỉnh cao nhất trong lịch sử ở năm 1989. Diễn biến đi ngang của thị trường tài chính thế giới sẽ rõ nét hơn trong thời gian tới dựa vào những đánh giá về tiềm ẩn rủi ro, về tổng cầu trên toàn thế giới.

Với dữ liệu từ các đợt khủng hoảng tài chính thế giới trước đây, sóng phục hồi sau khủng hoảng sẽ tăng rất dốc và tương đương khoảng 50 – 60% so với một sóng lên trước khi khủng hoảng xảy ra. Chẳng hạn như trong sóng lên, thị trường đạt mốc 1.000 điểm, sau đó bị khủng hoảng thì sóng phục hồi sẽ lên được khoảng 500 – 600 điểm ngay lập tức và khá dốc. Sau khi đã phục hồi dốc thì nhà đầu tư sẽ phải nhìn nhận vào rất nhiều các yếu tố khác để thị trường sẽ đi tiếp theo hướng nào.

“Bộ phận nghiên cứu và phân tích của chúng tôi cũng đang nghiên cứu theo chu kỳ 4 năm, 2011 – 2013, 2014 – 2017, 2018 – 2021 và dự kiến là 2022 – 2025. Chúng tôi nhận thấy các đợt điều chỉnh của thị trường đều đang diễn ra theo đúng chu kỳ và lịch sử. Như vậy việc phục hồi lần này của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng nằm trong chu kỳ đó và gần như không có sự bất thường đối với các chu kỳ 4 năm từ 2011 đến nay.

Thị trường Việt Nam thời gian qua tăng khoảng 20% theo đánh giá của chúng tôi là phù hợp. Với các chính sách vĩ mô như hiện tại, thị trường đang ở mức khá cân bằng với P/E vào khoảng 14,18 lần. Như vậy thị trường Việt Nam đã phục hồi, nhưng nếu so với các thị trường tài chính trên thế giới thì Việt Nam phục hồi thực sự chưa đáng kể. Tôi kỳ vọng thị trường trong thời gian tới 2024, 2025 sẽ là thị trường tốt hơn”, ông Chung chia sẻ.

Với câu hỏi liệu thị trường có thể duy trì đà tăng lên vùng đỉnh cũ quanh khu vực 1.500 điểm hoặc xa hơn, ông Chung cho rằng mốc 1.300 điểm trước mắt có thể khả thi hơn.

Trong ngắn hạn, chuyên gia cho rằng giai đoạn này nhà đầu tư nên nhìn vào tỷ giá để theo dõi biến động tiếp theo của thị trường. Hiện tại tăng trưởng tín dụng đang gặp khó khi tiếp tục tăng trưởng âm trong tháng 7.

Còn trong kịch bản dài hạn hơn, chúng ta sẽ phải nhìn đến các thông tin về kinh doanh của các doanh nghiệp để có các đánh giá về điểm số. Chuyên gia cũng kỳ vọng thị trường sẽ vượt được đỉnh cũ tại 1.500 điểm trong những năm tiếp theo, có thể là 2024 hoặc 2025.

Linh Chi