TS.Trần Du Lịch: 'Từ nay đến cuối năm, kinh tế vĩ mô sẽ không có biến động'
TS.Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.
Kinh tế thế giới đang có nhiều diễn biến khó lường, FED tăng lãi suất USD, Mỹ rút khỏi TPP, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm so với mục tiêu, lạm phát có nguy cơ tăng... ảnh hưởng thế nào đến tỷ giá và lãi suất trong thời gian tới thưa ông?
Chưa bao giờ công tác dự báo khó như lúc này, mặc dù diễn biến khá phức tạp nhưng bức tranh kinh tế toàn cầu lại sáng sủa hơn. Chính sách bảo hộ, chống lại toàn cầu hóa của tổng thống Trump, sự kiên Brexit… do phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn, số giàu càng giàu nhanh, số nghèo càng lan rộng hơn.
Ai làm chủ công nghệ mới thì tốc độ làm giàu ngày càng nhanh, ngược lại số không nắm công nghệ càng tụt hậu. Trump chủ trương kéo doanh nghiệp về đầu tư tại Mỹ để tăng việc làm, giảm nhập siêu. Cái ta quan tâm nước nào xuất siêu sang Mỹ thì Trump rà lại hết, trong đó có Việt Nam.
Qua Mỹ đều thấy các cửa hàng quần áo giày dép tràn ngập hàng sản xuất từ Việt Nam như Nike, Adidas, Nine West… Nhưng nếu Mỹ có rà soát vấn đề này thì phải thay cả hiệp định WTO! Trump lên làm mấy việc đều bị bác cả, những nỗ lực của Trump chưa chắc đã thành hiện thực.
Vấn đề thứ hai là xu hướng thế giới. Thị trường đang nổi nói chung có xu hướng chậm lại, trong đó có dòng đầu tư vào Trung Quốc. Nếu FED tăng lãi suất thì dòng đầu tư có thể giảm nhiều ở khu vực này.
Tuy nhiên, khi nào FED tăng lãi suất đều có điều kiện. Nếu tăng 3% là đại sự, ảnh hưởng tới Việt Nam.
Tuy nhiên, trong tổng thể, kinh tế thế giới 2017 tăng trưởng tốt hơn 2016. Vấn đề quan trọng nhất đối với Việt Nam là đừng quá lo lắng Brexit, TPP hay không có TPP, mà quan trọng là vấn đề nội tại trong nước, các nghị quyết phải nhanh chóng đi vào thực tiễn, giúp cho doanh nghiệp nội địa tăng trưởng tốt hơn khối FDI như năm 2011.
Kinh tế Việt Nam quý I/2017 GDP tăng trưởng 5,1%. Nếu theo kế hoạch mục tiêu 6,7% của nhà nước thì từ quý I tới giờ chưa bao giờ đạt được cả. Công nghiệp chỉ tăng 4%, riêng khai khoáng giảm 2,1%, nhưng ngành công nghiệp chế biến vẫn tăng trưởng tốt. Nông nghiệp tăng trường 2,1%. Như vậy cơ cấu tăng trưởng là tích cực.
Các năm trước nếu thấy tăng trưởng chậm thì Nhà nước sẽ “kích” lên bằng những động thái tác động lên khối DNNN, như khai thác dầu thô. Nhưng chính phủ từ năm ngoái đến năm nay không làm chuyện này. GDP không đạt nhưng lại là dấu hiệu tích cực, không tăng trưởng bằng mọi giá.
Chính phủ đang tập trung giải quyết những nút thắt quan trọng như nợ tái cấu trúc trong đầu tư công, liên quan đến toàn bộ sự nghiệp công. Trong 15 năm qua chúng ta chủ trương xã hội hóa, dân trả phí, nhưng càng xã hội hóa thì chi thường xuyên lại càng tăng. Phải giải quyết dứt điểm cục máu đông nợ xấu.
Không thể giải quyết căn cơ bài toán nợ xấu nếu không ban hành một số đạo luật để xử lý dứt điểm. Cuộc họp tới quốc hội sẽ tập trung để làm chính sách tài khóa, tiền tệ, bảo đảm không gây ra biến động mạnh. Tất cả những vấn đề tập trung giải quyết cho doanh nghiệp đều có các nghị quyết, vấn để là làm sao đưa nó tới cuộc sống doanh nghiệp.
Theo tôi, năm 2017 kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, bảo đảm các chỉ số lãi suất, tỷ giá, lạm phát không có biến động lớn.
Nói như vậy liệu có quá tự tin không, khi các ngân hàng thương mại đang tăng lãi suất huy động tiền gửi, và “hậu TPP” sẽ thế nào, khi doanh nghiệp đang hoang mang vì chưa có hiệp định song phương nào thay thế TPP?
Riêng TPP, từ giờ đến 2020 sẽ không có cái gì tương tự TPP. Tuy nhiên hiện nay, nếu chính phủ cải cách thể chế theo hướng đã cam kết trong TPP thì đã có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam rồi, vì chính điều đó mới tạo lợi thế cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tạo ra một thị trường lành mạnh.
Trên tinh thần như vậy, với tác động thế giới như thế, hướng 2017, chính phủ luôn chuẩn bị những đối sách với biến động khó lường.
Nếu FED tăng lãi suất thực sự, áp lực lên tỷ giá Việt Nam. Ngân hàng trung ương lần đầu tiên điều chỉnh tỷ giá theo thị trường, nhưng vẫn phải tính toán bài toán lãi suất để chủ động.
Vừa rồi có một số ngân hàng thương mại rục rịch tăng lãi suất, nguy cơ liên quan đến lạm phát, tính trung bình hơn 5%.
Cơ hội giảm lãi suất là khó, giữ được ở mức hiện tại đã là tốt rồi. Bài toán còn lại, tỷ giá có thể điều chỉnh không nếu có biến động của đồng USD. Chính phủ đang tiếp tục cải cách hành chính để cải thiện môi trường.
Nợ công vẫn đang ở trong tầm kiểm soát, áp lực nợ phải trả không lớn. Riêng phát hành trái phiếu cơ cấu đã thay đổi. Việt Nam không bao giờ vỡ nợ đâu. Chính phủ hiện nay nắm nguồn doanh nghiệp Nhà nước lớn, nếu thoái vốn tính bề nổi thôi cũng khoảng 50 tỷ.
DNNN nếu tính riêng TP.HCM cũng cả chục ngàn tỷ đồng Việt Nam. Vấn đề sợ nhất là lấy tiền đó xài bậy, không hiệu quả! Quốc hội cũng đang sửa luật về quản lý nợ công để siết lại.
Vậy theo ông, không TPP thì thị trường BĐS có bị ảnh hưởng nhiều không?
Nghiên cứu nhiều về BĐS, tôi thấy kinh doanh BĐS có hai bí quyết, thứ nhất chọn địa điểm đúng, thứ hai sử dụng các nguồn tiên trong xã hôi một cách hiệu quả nhất.
Chọn địa điểm đúng theo tôi là mảnh đất ấy lúc này là… “đồ bỏ”, nhưng mấy năm sau là đất vàng! Sử dụng đồng tiền người khác là làm sao người ta đưa tiền cho mình càng nhiều càng tốt, vì nhà kinh doanh BĐS chuyên nghiệp sẽ đủ kinh nghiệm để sinh lời từ đồng tiền ấy.
Tuy nhiên, nhìn lại mấy chục năm nay, mọi đổ vỡ đều từ BĐS, đây là lĩnh vực kích hoạt lan tỏa tới toàn bộ nền kinh tế lớn nhất, nhưng cũng là con dao hai lưỡi.
Cuối 2006, đầu 2007, tôi đã nói bong bóng BĐS sẽ nổ, hậu quả nợ xấu hôm nay là từ BĐS mà ra. Thị trường phát triển nhà ở toàn hạng cao cấp mà không có hạng giá rẻ làm sao tồn tại? Hiện tượng này đang xảy ra. Giá đất bất hợp lý, không kích thích được nền kinh tế.
Nếu các khu vực gần trung tâm mà không làm cao cấp làm sao gánh được chi phí xây dựng? Biến động giá đất đô thị của TP.HCM như hiện nay sẽ không thể phát triển được.
Hiện nay, chúng ta đang có hướng lệch pha, nghiêng về BĐS cao cấp, lệch pha về cung cầu. Đừng bao giờ kỳ vọng kinh tế tăng trưởng 6,5% mà thị trường BĐS tăng đột biến cả. Nếu đột biến là bất thường.
Điểm đáng mừng là Chính phủ đang điều hành đúng hướng, nhà nước không làm thay doanh nghiệp, không làm thay thị trường. Chính phủ không đi bán bia, bán sữa. Đó là dấu hiệu tích cực. Nhưng xu hướng đó phát triển đến đâu vẫn còn mối quan hệ chằng chịt.
Làm thế nào để “nợ công vẫn trong vòng kiểm soát”, khi giá dầu thô dự kiến sẽ còn giảm xuống 40 USD/thùng?
Sau ba năm sụt giảm liên tục, giá dầu thô thế giới dự đoán sẽ tương đối ổn định trong năm 2017.
Giá dầu thô bình quân quý 1 là 56 USD/thùng, tăng gấp đôi so với mức 28 USD/thùng hồi đầu năm.
Giá dầu tăng nhờ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng vơí các nươc sản xuất dầu lớn đã nhất trí sẽ cắt giảm sản lượng dầu khoảng 1,8 triệu thùng/ngày bắt đầu từ 2017.
Đây là bước đột phá trong nỗ lực đẩy giá dầu lên trong thời gian tới. Năm 2017 giá dầu sẽ tiếp tục tăng do giảm cung, giá lương thực thực phẩm cũng tăng.
Năm nay hy vọng giá dầu xoay quanh 50 USD, giá nguyên liệu không biến động lớn. Không ai muốn giá dầu trở thành mối họa, cả Mỹ cũng vậy, nên sẽ đi tới sự thỏa hiệp về giá dầu thế giới.
Nhìn lại, cuối 2011, hệ thống ngân hàng thương mại có tới hơn 10 ngân hàng đứng trên bờ vực phá sản, trong tình thế như vậy, tới nay, khách quan phải thừa nhận rằng đưa hệ thống ngân hàng vào ổn định như đến hôm nay theo tôi là giỏi.
Thời điểm đó khi nghe báo cáo của 12 ngân hàng thương mại, cảm giác “ngàn cân treo sợi tóc”. Lúc đó chỉ cần dân nghe tuyên truyền nhảm thôi ào ào đi rút tiền, một ngân hàng đổ thôi kéo theo hàng loạt thì tiền đâu mà cứu.
Hãy nhìn thẳng vào vấn đề để xử lý nợ xấu, sửa nhiều luật để giải quyết những bất cập đó.
Hiện nay nhiều ngân hàng huy động lãi suất gần 9,2%, không hiểu doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) sẽ vay với lãi suất thế nào, làm thế nào phát triển?
Chúng ta dường như nhận thức về chiến lược cho khối SME không đúng. Cách đây 10 năm, tôi đã đề xuất phải xem khối SME là chiến lược phát triển chứ không phải là các tập đoàn, vì chính SME tạo ra phân tầng xã hội rất ít, tạo ra khối trung lưu.
Nhưng muốn SME phát triển được thì nước nào cũng cần vai trò Nhà nước. Nhật Bản, Hàn Quốc có đạo luật rất rõ, cấm các tập đoàn lớn làm công nghiệp hỗ trợ, mà chỉ để cho SME làm.
SME không giải được bài toán công nghệ thì các tổ chức nghiên cứu Nhà nước phải làm việc đó cho họ. Khi có ngân hàng Nhà nước bảo lãnh cho doanh nghiệp SME thì ngân hàng sẽ cho vay lãi suất thấp.
Tôi là người đề xuất Quỹ bảo lãnh tín dụng SME nhiều năm nay cho TP.HCM mà không thành công.
Còn kêu ngân hàng thương mại ưu đãi lãi suất là không khả thi, vì ngân hàng thương mại là phải theo thị trường. SME còn phải được nhà nước hỗ trợ thị trường. Đã tới lúc phải làm bài bản, đó là khi luật doanh nghiệp SME ra đời, bảo đảm 4 ưu đãi trên.
Liệu doanh nghiệp có phá sản khi lỡ đầu tư để đón TPP?
Chính sách của Trump khi rút TPP là muốn đàm phán song phương từng nước, có đi có lại.
Dù đàm phán kiểu gì thì theo tôi, những dự án đón đầu TPP không mất gì hết, mà chỉ có lợi, đó là nâng tỷ lệ nội địa hóa lên, đáp ứng yêu cầu của nhiều hiệp định thương mại khác.
Hy vọng nếu Trump không áp dụng thuế biên giới thì thị trường còn mênh mông. Đừng nghĩ không có TPP thì ta không có đất dụng võ!
Xuất khẩu quý I theo kế hoạch tăng 6,7%, thực tế tăng 12,8%. Nhập siêu chủ yếu 80% vẫn là máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu… chủ yếu là doanh nghiệp trong nước, còn FDI vẫn là xuất siêu.
Năm 2017, khả năng thị trường xuất khẩu tăng khoảng 7%, không có đột biến lớn. Riêng FDI quý I tăng 7,7 tỷ USD, doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc đều đánh giá mở rộng xuất khẩu tại thị trường Việt Nam là tốt nhất.
Vấn đề quan trọng nhất vẫn là tái cơ cấu nền kinh tế, xóa đi sự bất bình đẳng giữa khối FDI và doanh nghiệp Việt Nam. Nếu Nhà nước không nhảy và chắc chắn doanh nghiệp Việt Nam sẽ chết.
Giá như khi đưa Samsung vào Việt Nam, chúng ta ra điều kiện phải đưa công nghệ vào để chuyển giao cho doanh nghiệp trong nước làm 40% ngoài phần họ tự sản xuất (60%) thì sẽ kích hoạt khủng khiếp sản xuất chứ không phải như bây giờ.
Tới nhà máy Samsung ở Thái Nguyên, tôi thấy trong 46% sản phẩm phụ trợ thì chỉ có 6% của Việt Nam. Đây là lỗi về chính sách, chúng ta phải sửa. Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp trong nước không tăng cường nội lực thì chắc chắn sẽ rơi hết vào tay FDI thôi.