|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Trường đua ngựa Sóc Sơn có thể góp thêm 240 triệu USD tiền thuế cho địa phương mỗi năm

15:20 | 04/12/2018
Chia sẻ
Hình thành dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – trường đua ngựa tại Sóc Sơn sẽ góp phần tăng nguồn thu ngân sách địa phương. Có dự án, số tiền thuế doanh nghiệp thu được dự kiến sẽ đạt khoảng 40 – 50 triệu USD/năm, tiền thuế tiêu thụ đặc biệt của hoạt động đua ngựa khoảng 100 – 200 triệu USD/năm.
truong dua ngua soc son co the gop them 240 trieu usd tien thue cho dia phuong moi nam Hà Nội xây tổ hợp giải trí, trường đua ngựa 500 triệu USD ở Sóc Sơn
truong dua ngua soc son co the gop them 240 trieu usd tien thue cho dia phuong moi nam Golden Horse Hàn Quốc xúc tiến dự án trường đua ngựa 500 triệu USD tại Bắc Ninh

UBND TP Hà Nội mới đây có văn bản xin ý kiến góp ý dự thảo báo cáo điều chỉnh cục bộ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 để trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Nội dung xin góp ý về việc bổ sung dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – trường đua ngựa (có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa) vào Quy hoạch nói trên.

Việc bổ sung dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – trường đua ngựa vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là đề nghị của UBND TP Hà Nội và đã được Thủ tướng đồng ý vào tháng 3/2018.

truong dua ngua soc son co the gop them 240 trieu usd tien thue cho dia phuong moi nam
Theo UBND TP Hà Nội, dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – trường đua ngựa tại Sóc Sơn đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng nguồn thu ngân sách địa phương. (Ảnh minh họa)

Nội dung điều chỉnh cụ thể là tại Khoản VI, Điều 1 về danh mục các chương trình, dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư trong Phụ lục các chương trình, dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư của TP Hà Nội bổ sung dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – trường đua ngựa (có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa). Kèm theo đó là bổ sung một số nội dung như: nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong việc giám sát các hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa; học tập kinh nghiệm của các nước trong quản lý đua ngựa và cá cược…

TP Hà Nội nhận định, việc bổ sung dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – trường đua ngựa vào quy hoạch có tác động đến nguồn ngân sách thành phố nhưng không lớn, do thành phố chỉ chi ngân sách cho việc tổ chức giải phóng mặt bằng, tổ chức quản lý dự án, trong khi đó mặt bằng dự kiến của dự án chủ yếu là đất ruộng nông nghiệp.

Vị trí dự án tại huyện Sóc Sơn, giáp các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, là những địa phương đang phát triển nhiều khu công nghiệp. Hình thành dự án sẽ góp phần tăng nguồn thu ngân sách trên địa bàn, thuế doanh nghiệp thu được dự kiến đạt trung bình khoảng 10 triệu USD/năm và khoảng 40 – 50 triệu USD/năm khi dự án đi vào vận hành toàn bộ. Chưa kể, tiền thuế tiêu thụ đặc biệt của hoạt động đua ngựa khi dự án đi vào hoạt động khoảng 100 – 200 triệu USD/năm.

Nếu đưa dự án vào hoạt động thì chỉ đóng góp tỷ trọng nhỏ cho tăng trưởng phát triển kinh tế trong tổng quy mô của nền kinh tế Hà Nội, những đóng góp này chủ yếu sẽ đến trong giai đoạn sau năm 2021. Với quy mô dự kiến về vốn đầu tư khoảng hơn 500 triệu USD thì quy mô vốn chiếm tỷ trọng khoảng 1% tổng đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Ngành du lịch và dịch vụ trên địa bàn thành phố Hà Nội chịu tác động trực tiếp của dự án. Đồng thời, dự án sẽ góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng phi nông nghiệp và thúc đẩy đô thị hóa; tạo hiệu ứng lan tỏa cho các ngành lĩnh vực thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư xây dựng các khu du lịch, khu đô thị, hạ tầng sản xuất kinh doanh…

Hiện nay, khu vực dự kiến hình thành dự án chủ yếu là hoạt động sản xuất nông nghiệp, hầu như không có nguồn thu cho ngân sách địa phương. Nếu hình thành dự án thì nguồn thu của ngân sách địa phương sẽ tăng mạnh. Quá trình hình thành và vận hành dự án sẽ tạo thu nhập cho khoảng 5.000 lao động địa phương và vùng lân cận; các hoạt động phụ trợ của dự án sẽ thu hút khoảng 20.000 – 25.000 lao động…

Việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch năm 2011 cũng có thể dẫn đến một số vấn đề phát sinh. Đối với vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, thành phố cần xác định nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy định; từ đó có phương án hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi nghề nghiệp của các đối tượng này. Việc thống kê phan loại, phân hạng đất trong phạm vi ranh giới khu vực dự kiến hình thành dự án cần chính xác để đánh giá mức độ tác động của việc lấy đất nông nghiệp sử dụng cho dự án…

Về vấn đề tạo việc làm cho lao động mất đất nông nghiệp, trên cơ sở lấy ý kiến của các hộ dân, cần sắp xếp, phân loại các đối tượng và nhu cầu việc làm để có phương án bố trí thích hợp; bố trí việc làm không chỉ tại dự án mà còn có thể là tại các khu công nghiệp, khu du lịch khác trên địa bàn huyện. Ngoài ra, trong quá trình triển khai dự án, thành phố Hà Nội và huyện Sóc Sơn cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo quốc phòng và tổ chức quản lý, giám sát.

Xem thêm

Hiếu Quân