|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trưởng bộ phận Thư ký tài chính Công ty AIC kêu oan tại tòa

16:15 | 25/10/2023
Chia sẻ
Bị cáo Nguyễn Thị Thu Phương một mực kêu oan, cho rằng mình làm theo chỉ đạo của Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Tổng Giám đốc Công ty AIC và không thừa nhận hành vi phạm tội.

Bị cáo Nguyễn Thị Thu Phương, Trưởng bộ phận Thư ký tài chính Công ty AIC, tại phiên tòa ngày 25/10. (Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN)

Ngày 25/10, sau 3 ngày xét xử vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở Y tế Quảng Ninh, Tòa án Nhân dân tỉnh tiến hành nghị án, các bị cáo nói lời sau cùng.

Ngày 26/10, tòa sẽ tiến hành tuyên án.

Được nói lời sau cùng, các bị cáo đều tỏ ra ăn năn hối cải, nhận tội do mình gây ra và mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật, mong Hội đồng Xét xử giảm nhẹ mức án để sớm trở về tái hòa nhập cộng đồng, làm người có ích cho xã hội.

Riêng bị cáo Nguyễn Thị Thu Phương, Trưởng bộ phận Thư ký tài chính Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC (Công ty AIC), một mực kêu oan, cho rằng mình làm theo chỉ đạo của Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Tổng Giám đốc Công ty AIC và không thừa nhận hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, theo viện dẫn của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Hội đồng Xét xử, căn cứ vào lời khai của các bị cáo Nguyễn Anh Dũng, Trần Quốc Công, Đặng Minh Tâm, Trần Thị Tâm, các nhân viên Công ty AIC và các tài liệu, chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở xác định theo chỉ đạo, phân công của Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Thu Phương đã điều hành các công ty trong hệ sinh thái AIC tham gia làm “quân đỏ," “quân xanh” tại 4 gói thầu để Công ty AIC trúng thầu 6 gói thầu với tổng trị giá hơn 232 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50,6 tỷ đồng.

Bị cáo Nguyễn Thị Thu Phương bị Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đề nghị mức án 6-7 năm tù. Trước đó, bị cáo Phương đã bỏ trốn, đến ngày 28/7 ra đầu thú.

Đối với các bị cáo bỏ trốn và đang bị truy nã gồm Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC), Nguyễn Hồng Sơn (cựu Phó tổng Giám đốc Công ty AIC), Trương Thị Xuân Loan (Trưởng ban Quản lý Dự án 3 thuộc Công ty AIC), Nguyễn Thị Tích (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mopha), Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã quyết định truy nã và phát thư kêu gọi ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, đồng thời áp dụng đầy đủ các biện pháp để đảm bảo thực hiện quyền bào chữa theo quy định; trường hợp không ra đầu thú coi như từ bỏ quyền bào chữa và bị truy tố, xét xử.

[Đề nghị mức án đối với cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh]

Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Ninh nhận định căn cứ lời khai của các bị cáo, những người liên quan, chứng cứ, bằng chứng, tài liệu thu thập được đã chứng minh Nguyễn Thị Thanh Nhàn là chủ mưu; các bị cáo Sơn, Loan, Tích đều thực hiện hành vi phạm tội liên quan đến hành vi của các bị cáo khác nên Cơ quan Cảnh sát Điều tra không ra quyết định tạm đình chỉ điều tra, đề nghị khởi tố các bị cáo là đúng. Tòa án Quảng Ninh xét xử là hoàn toàn đúng quy định, phù hợp với tính chất, đặc điểm vụ án này, đồng thời đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm của các bị cáo, đảm bảo đúng người, đúng tội, tránh bỏ lọt tội phạm.

Các luật sư bào chữa cho bị cáo, người có trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan đồng tình với cáo trạng mà Viện Kiểm sát nhân dân đưa ra; đồng thời cần xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, công tâm, khách quan. Các luật sư trình bày quan điểm, cần đánh giá chính xác, khách quan các chứng cứ, tài liệu chứng minh phạm tội; làm rõ vai trò, trách nhiệm, tội trạng của các bị cáo; xem xét các tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 25/10. (Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN)

Trước đó, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Ninh thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án đã trình bày quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với 16 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở Y tế.

Cụ thể, Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn là chủ mưu, cầm đầu và đề nghị Hội đồng Xét xử tuyên phạt 10-11 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Khoản 3, Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cùng tội danh, các bị cáo có vai trò chính, giúp sức cho bị cáo Nhàn là Nguyễn Hồng Sơn bị đề nghị 7-8 năm tù, Trương Thị Xuân Loan 5-6 năm tù, Nguyễn Thị Thu Phương 6-7 năm tù, Nguyễn Thị Tích năm tù.

Anh trai của bị cáo Nhàn là bị cáo Nguyễn Anh Dũng (Tổng Giám đốc Công ty Phúc Hưng) bị đề nghị 3-4 năm tù, Đỗ Văn Sơn (Kế toán trưởng Công ty AIC) 30-36 tháng tù. Các bị cáo khác bị đề nghị từ 2-3 năm tù và từ 24-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Với tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng," bị cáo Lương Văn Tám (nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình y tế thuộc Sở Y tế Quảng Ninh) bị đề nghị 2-3 năm tù; Lê Thị Phú (Phó trưởng phòng Quản lý giá, Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh) 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Đức Hiếu