|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trước thềm Hội nghị Trung ương: Ràng buộc trách nhiệm của người đề cử

20:25 | 10/05/2020
Chia sẻ
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng công tác cán bộ phải nói đến trách nhiệm của người giới thiệu nhân sự.

Công tác cán bộ đóng vai trò then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Trong lịch sử của mình, Đảng ta luôn quan tâm tìm người tài - đức bổ sung cho đội ngũ rèn luyện, bố trí vào các vị trí lãnh đạo hệ thống chính trị các cấp. Việc đề cử, tiến cử cán bộ là rất quan trọng. Bởi vậy, ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm người đề cử, tiến cử cán bộ là điểm mấu chốt trong công tác nhân sự để thực sự tìm được cán bộ có đức, có tài vào bộ máy lãnh đạo các cấp và ở Trung ương.

“Lần này có khi phải nhấn mạnh trách nhiệm của người giới thiệu…."

Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc vừa diễn ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Công tác cán bộ nói chung và công tác nhân sự Đại hội nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhưng cũng cực kỳ phức tạp, khó khăn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đề xuất, giới thiệu nhân sự: “Xem giới thiệu ai qua đó cũng hiểu người đó. Tôi giới thiệu ông A, tôi giới thiệu ông B là nhìn anh xem anh thế nào? Người thân quen hay cho quà cáp, lại thân thiết, tán tỉnh nịnh cho ba câu thích giới thiệu... Ngay từ khâu giới thiệu ban đầu, không thật sự công tâm, khách quan. Cái này chắc trong cuộc sống không phải không có, chưa dám nói là “cánh hẩu”, yêu thích hay không thích. Trường hợp không biết thì đã đành”.

Trước thềm Hội nghị Trung ương: Ràng buộc trách nhiệm của người đề cử - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Đại sứ, Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao khẳng định: Lần đầu tiên Người đứng đầu Đảng đề cập đến trách nhiệm người đề cử, tiến cử, đây là cách tiếp cận rất đúng xây dựng có đội ngũ cán bộ có Tâm và Tài: “Nhiều khóa trước đã đề cử lên cán bộ sau này không đáp ứng yêu cầu, thậm chí vào vòng lao lý. Người tiến cử rất quan trọng, tiến cử đúng thì được cán bộ giỏi, nếu tiến cử sai có hại cho đất nước. Cho nên phải có trách nhiệm trong việc tiến cử cán bộ. Đặt vấn đề rất đúng, tăng trách nhiệm không chỉ bản thân người đó mà bản thân cơ quan tiến cử đã xảy ra trường hợp tiến cử không đúng yêu cầu”.

Mấu chốt trong công tác nhân sự chuẩn bị Đại hội là ràng buộc chặt trách nhiệm của người đề cử, giới thiệu cán bộ. Bởi lẽ, trong một tập thể, không phải đồng loạt từng đấy con người cùng giơ tay giới thiệu một người, mà phải có một người đề xuất, khởi xướng. Người đề cử, tiến cử phải có thời gian gắn bó với người được đề cử, tiến cử. 

Họ phải hiểu rõ hơn hết tài năng, đức đạo của người được đề cử, tiến cử chứ không phải giới thiệu một cách vu vơ, thân hữu hoặc trực hệ, thậm chí “mua bán chức vụ” rồi sau đó có hậu quả thì đổ lỗi cho tập thể. Vấn đề là làm sao tách ra được trách nhiệm cá nhân trong trách nhiệm tập thể.

Người đề cử nên viết bằng văn bản chịu trách nhiệm?

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị: người đề cử, tiến cử phải có trách nhiệm về phẩm chất đạo đức của đồng chí mà mình giới thiệu: “Tôi đề nghị chính đồng chí đó phải viết bằng văn bản và chịu trách nhiệm đánh giá về phẩm chất đạo đức của đồng chí mà mình giới thiệu, ký vào. Hiện nay người giới thiệu là Bí thư tỉnh ủy đưa thường vụ. 

Thường vụ nhất trí hết, rồi đổ tập thể thì “hoà cả làng”. Nhưng ý kiến đầu tiên ai đề xuất? Người đề xuất đầu tiên phải có văn bản. Như thời xưa, giới thiệu vào Trung ương đâu phải chỉ có Ban tổ chức đâu, các Ủy viên Trung ương, ai giới thiệu phải viết văn bản, chịu trách nhiệm về mình giới thiệu”.

Cũng phải thấy rằng, người được đề cử phải tự xem mình so với tiêu chuẩn, điều kiện của Đảng. Tiêu chuẩn, điều kiện để giữ vị trí đó đòi hỏi năng lực đào tạo, chuyên môn, hiểu biết và khả năng lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ như thế nào? Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định: Những người không hội tụ được những tiêu chuẩn, điều kiện, năng lực chuyên môn không nên tự ứng cử. Người được giới thiệu mà không làm được việc thì người đề cử phải có trách nhiệm đối với Đảng.

Trước thềm Hội nghị Trung ương: Ràng buộc trách nhiệm của người đề cử - Ảnh 2.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - Bùi Sỹ Lợi.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng: “Người ứng cử thì đương nhiên phải xem xét mình có đủ năng lực hay không? Nhưng người đề cử người khác phải có trách nhiệm, đừng có chuyện vì anh em vì bạn bè mà đề cử. Đề cử người ta lên không làm được thì người đề cử phải có trách nhiệm đối với Đảng. 

Đảng của chúng ta nói rằng: muốn tham gia vị trí lãnh đạo thì phải được giới thiệu của Cấp uỷ. Là đảng viên, phải biết rằng anh có đủ tuổi để ứng cử hay không anh? Có đủ năng lực để giữ vị trí việc làm đó hay không? Và đào tạo chuyên ngành đó hay không? Chứ đâu phải cán bộ cái gì cũng giỏi”

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh, phải xác định rõ yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, nhưng trước hết phải bảo đảm tiêu chuẩn. Trong mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng thì chất lượng là quan trọng. 

Phải làm sao lựa chọn được những cán bộ vừa có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành với Tổ quốc với Đảng,  với nhân dân, vừa có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược, có cả đức và tài. Trong quá trình lựa chọn ấy, trách nhiệm của người đề cử, tiến cử cán bộ vào vị trí lãnh đạo chủ chốt ở Trung ương và địa phương phải được nhấn mạnh hàng đầu.

Lại Hoa