|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Trung Quốc trừng phạt Alibaba để răn đe cả ngành công nghệ non trẻ

10:50 | 12/04/2021
Chia sẻ
Giới phân tích nhận định mức phạt kỷ lục của Alibaba là lời cảnh báo chính phủ Trung Quốc gửi đến các đại gia công nghệ của nước này, thể hiện rằng cơ quan chống độc quyền ngày càng thành thạo trong việc áp dụng luật thị trường để kiểm soát doanh nghiệp công nghệ.
Khoản phạt kỷ lục đối với Alibaba là tấm gương cho các đại gia công nghệ Trung Quốc - Ảnh 1.

Tỷ phú Jack Ma, người sáng lập Alibaba. (Ảnh: AP).

Trong văn bản thông báo áp khoản phạt 2,8 tỷ USD lên đế chế thương mại điện tử do Jack Ma sáng lập, Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường Trung Quốc (SAMR) phác thảo định nghĩa về thị trường, vai trò của Alibaba với tư cách là một bên tham gia, giao dịch của công ty với các nhà cung cấp và khách hàng. 

Ông Zhai Wei, Giám đốc Trung Nghiên cứu Luật Cạnh tranh tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Đông Trung Quốc cho rằng sự kiện này là cột mốc quan trọng "đặt ra tiền lệ, vì trước đó Trung Quốc chưa từng định nghĩa hành vi lạm dụng vị thế của một công ty thống lĩnh thị trường từ quan điểm chống độc quyền".

Theo cơ quan quản lý ở Bắc Kinh, Alibaba chấp thuận mức phạt và từ bỏ quyền kháng cáo hoặc tổ chức phiên điều trần công khai. Công ty cũng khẳng định sẽ "chấp nhận hình phạt một cách chân thành và đảm bảo tuân thủ luật pháp", South China Morning Post (SCMP) cho biết. 

Cuộc điều tra về các hoạt động kinh doanh của Alibaba đã tiết lộ ba lĩnh vực quan trọng mang đến thông tin hữu ích cho các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.

Các nhà quản lý đã bắt kịp với tốc độ vũ bão của các doanh nhân công nghệ Trung Quốc và đang định ra ranh giới đỏ về rủi ro, đặc biệt là những rủi ro đe dọa ổn định tài chính trong đại dịch COVID-19.

Thứ nhất là về định nghĩa của thị trường. Tmall của Alibaba cung cấp nền tảng B2C, cho phép các doanh nghiệp bán sản phẩm tới người tiêu dùng. Trong khi đó, Taobao là trang web cho phép các cá nhân mua bán với nhau, tức là C2C.

Alibaba cho rằng hai mảng kinh doanh trên nên được xem xét riêng biệt. Nhưng cơ quan quản lý Trung Quốc phán quyết rằng cả hai phân khúc đều là bộ phận của cùng một "thị trường dịch vụ nền tảng bán lẻ trực tuyến". Việc gộp cả Tmall và Taobao làm một giúp cơ quan này dễ phán quyết Alibaba là công ty thống trị thị trường hơn.

Thứ hai là liệu Alibaba có vị thế thống thị trong phân khúc thị trường của mình hay không. SAMR xác định thị phần của Alibaba vượt quá 50% và có năng lực "kiểm soát thị trường mạnh mẽ" đủ để chế ngự các nhà cung cấp thông qua các nền tảng thương mại diện tử.

SAMR nhận thấy rằng sẽ rất tốn kém để các nhà cung cấp trên Alibaba chuyển sang các nền tảng khác. Do đó, SAMR phán Alibaba có vị trí thống lĩnh thị trường, đáp ứng điều kiện quan trọng để áp đặt sự giám sát của cơ quan quản lý chống độc quyền.

Điểm tranh cãi thứ ba là liệu Alibaba có ép buộc nhà cung cấp vào các giao dịch độc quyền "chọn một trong hai" hay không. Ông Wang Shuai, Giám đốc quan hệ công chúng của Alibaba, lập luận rằng bất kỳ thỏa thuận độc quyền nào với các nhà cung cấp đều là "tự nguyện" vì công ty phải hỗ trợ quảng cáo và cung cấp các trợ giúp khác.

SAMR gạt bỏ tuyên bố trên, viện dẫn bằng chứng để kết luận rằng hầu hết các nhà cung cấp thích bán hàng trên nhiều nền tảng và họ tham gia vào các giao dịch độc quyền với Alibaba vì sợ bị trả đũa. Trong khi đó, các nguồn lực do Alibaba đầu tư không dành riêng cho người bán cụ thể nào và không thể được coi là lý do để thực hiện chính sách "chọn một trong hai".

"Tự kiểm điểm"

Giáo sư Henry Gao của Đại học Quản trị Singapore cho biết trường hợp của Alibaba có thể được lấy làm gương, khiến các công ty công nghệ khác của Trung Quốc tự kiểm tra lại hoạt động kinh doanh của mình. Làm vậy, "chính phủ sẽ tạo ra được tác động lớn hơn với chi phí thấp hơn" so với việc theo đuổi từng đại gia công nghệ.

"Nếu bất kỳ gã khổng lồ công nghệ nào vướng vào bê bối ồn ào, nó có thể trở thành mục tiêu tiếp theo", ông Gao nói thêm.

Jack Ma, người sáng lập Alibaba, công khai chỉ trích cơ chế điều hành mảng tài chính của Trung Quốc hồi tháng 10 năm ngoái. Ngay sau đó, thương vụ IPO trị giá 35 tỷ USD của Ant Financial đã bị yêu cầu hoãn lại. Chưa đầy hai tháng sau, Alibaba bị đưa vào tầm ngắm của cuộc điều tra chống độc quyền.

Khoản phạt 2,8 tỷ USD Alibaba phải chịu lớn gấp ba lần hình phạt của Qualcomm năm 2015 và tương đương 12% lợi nhuận ròng của công ty trong năm 2020. Tuy nhiên, số tiền này vẫn thấp hơn mức phạt tối đa do cơ quan quản lý tính đến "thời hạn và mức độ" hành vi sai trái của Alibaba, cũng như sự "kiểm điểm sâu sắc" và "chủ động khắc phục" của công ty.

Kể từ khi cuộc điều tra chống độc quyền bắt đầu, giá cổ phiếu Alibaba đã giảm 4,5%. Trong khi đó, cổ phiếu của các đối thủ Tencent và Baidu lại tăng lần lượt 11,6% và 15%.

Nhà phân tích Vey-Sern Ling và Tiffany Tam của Bloomberg Intelligence đánh giá: "Mức phạt kỷ lục Trung Quốc áp lên Alibaba có thể xóa bỏ những lo ngại về quy định đã đè nặng lên công ty kể từ khi cuộc điều tra chống độc quyền bắt đầu vào cuối tháng 12". Hai nhà phân tích mô tả mức phạt này là "cái giá nhỏ để loại trừ sự không chắc chắn đó".

Giang