|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trung Quốc tính định hình lại thương mại thế giới với dự án hàng trăm tỷ USD

16:27 | 11/05/2017
Chia sẻ
Sắp tới, chuyên viên đối ngoại các nước cùng lãnh đạo doanh nghiệp lớn sẽ tụ hội tại Bắc Kinh cho buổi họp kéo dài trong 2 ngày bàn về chính sách cho dự án kết nối các quốc gia để thúc đẩy trao đổi thương mại và phát triển với tên gọi "Một vành đai, Một con đường" của Trung Quốc.
trung quoc tinh dinh hinh lai thuong mai the gioi voi du an ty hang tram ty usd
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang muốn định hình lại thương mại thế giới thông qua dự án “Một vành đai, một con đường” (OBOR), qua đó làm tăng sức ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Mục tiêu của dự án là kết nối châu Á, châu Âu, vùng Trung Đông và châu Phi để thúc đẩy trao đổi thương mại và phát triển giữa các quốc gia. Cuối tuần này, nhà ngoại giao các nước và lãnh đạo các tập đoàn sẽ tụ hội tại Bắc Kinh cho buổi họp kéo dài trong 2 ngày bàn về các chính sách cho dự án.

Dự án “Một vành đai, Một con đường”

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu công bố dự án vào năm 2013. Dự án sau đó trở thành một trong ba chiến lược quốc gia quan trọng nhất của Trung Quốc, và được chuyển thành kế hoạch 5 năm như hiện tại.

Kế hoạch nhằm kết nối châu Á, châu Âu, vùng Trung Đông và châu Phi với một kho vận lớn và hệ thống vận chuyển. Theo Oxford Economics, dự án có sự tham gia của 65 quốc gia chiếm 1/3 trong tổng GDP toàn cầu và 60% dân số thế giới.

trung quoc tinh dinh hinh lai thuong mai the gioi voi du an ty hang tram ty usd

Vì sao Trung Quốc lại muốn tiến hành OBOR?

Đây là một phần trong những nỗ lực củng cố quyền lực của Trung Quốc trên thế giới, bằng cách thu hút nhiều đầu tư và thương mại để xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại cho dự án OBOR.

Miền Tây Trung Quốc, nơi kém phát triển của quốc gia này, có thể nhận được nhiều lợi ích từ OBOR vì có đường biên giới với nhiều quốc gia. Trong dài hạn, dự án sẽ giúp Trung Quốc tiếp cận với nhiều nguồn năng lượng mới.

Dự án này có thể thúc đẩy kinh tế trong nước nhờ nhu cầu nước ngoài tăng lên, và có thể giải quyết sự dư thừa nguồn lực ở ngành công nghiệp nặng của Trung Quốc, nhưng các chuyên gia phân tích cho biết lợi ích thu về được sẽ rất mong manh.

Các chuyên gia nhận định Trung Quốc có cơ hội để trở thành lãnh đạo toàn cầu, thay Mỹ, đặc biệt là sau khi tổng thống Donald Trump rút ra khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trước đó, trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra hồi tháng 1, chủ tịch Tập Cận Bình đề cao vai trò của toàn cầu hóa, và kêu gọi hợp tác toàn cầu. Một bài viết của thủ tướng Lý Khắc Cường được xuất bản sau đó không lâu cũng kêu gọi mở cửa thương mại giữa các quốc gia.

Tuy nhiên, các nhà phê bình nhấn mạnh Trung Quốc vẫn hạn chế đầu tư nước ngoài.

Ngân sách dành cho OBOR

Phần lớn nguồn vốn của dự án đến từ các ngân hàng chính sách và thương mại của Trung Quốc, dù không có văn bản chính thức cho những dự án liên quan đến OBOR và ước tính chi phí cho dự án rất khác nhau.

Năm 2015, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cho biết đã chuẩn bị 890 tỷ USD cho hơn 900 dự án. Trong khi, Ngân hàng Xuất – Nhập khẩu Trung Quốc công bố đầu năm ngoái rằng họ bắt đầu tài trợ vốn cho hơn 1.000 dự án. Ngân hàng đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á, do Trung Quốc đề nghị thành lập, cũng sẽ đầu tư vào dự án OBOR.

Theo phân tích của Oxford Economics, bốn ngân hàng nhà nước lớn của Trung Quốc dự tính cho dự án này vay 90 tỷ USD trong năm 2016. Ngoài ra, Credit Suisse ước tính Trung Quốc có thể đầu tư 500 tỷ USD vào 60 quốc gia trong vòng 5 năm tới.

Điều kiện cho và nhận đầu tư là các quốc gia đó sẽ có khả năng hoàn trả cho Trung Quốc, và các ngân hàng biết cách quản lý rủi ro tín dụng. Thử thách được đặt ra là nếu các dự án không đạt được mục đích như kỳ vọng sẽ tạo ra áp lực về nợ xấu. Tuy nhiên, vấn đề này có thể chưa xảy ra ngay vì các dự án cơ sở hạ tầng cần một thời gian dài để xem xét.

Những dự án nào của OBOR đã được triển khai?

Cho đến hiện tại, nhiều dự án đã được thực hiện, bao gồm 418 km đường sắt nối với Lào, và các dự án cơ sở hạ tầng tổng hợp, được gọi là hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan trị giá 46 tỷ USD. Bên cạnh đó, còn có dịch vụ chở hàng bằng tàu nối Trung Quốc và châu Âu, và dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point ở Anh trị giá 24 tỷ USD với sự hợp tác giữa Trung Quốc và Pháp.

Tuy nhiên, báo cáo cho biết thực tế là nhiều dự án bị trì hoãn và gián đoạn do công tác kiểm soát quá chặt chẽ nhằm đảm bảo nguồn vốn sẽ được sử dụng một cách hợp lý. Điều này sẽ rất khó có thể theo dõi ở các quốc gia khác và vẫn là một thử thách lớn của Trung Quốc.

Những công ty được lợi từ dự án

Các doanh nghiệp nhà nước sẽ nhận được nhiều lợi ích từ OBOR, vì rất nhiều dự án liên quan mật thiết với các công ty này, từ công ty dầu khí đến công ty xây dựng đường tàu, như công ty dầu khí Sinopec, công ty đường sắt CRRC, và công ty tiện ích State Grid.

Ngoài ra, các chuyên gia phân tích nhận định các công ty chế tạo máy móc xây dựng nước ngoài cũng sẽ nhận được lợi ích từ dựa án OBOR.

Những công ty lớn khác gồm General Electric và Siemens cũng bày tỏ mong muốn tham gia vào các dự án của OBOR.

Ông Tianjie He của Oxford Economics cho biết trong dài hạ, “OBOR có thể thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ bằng cách khuyến khích các giao dịch thương mại và tài chính”.

Lyly Cao