Trung Quốc siết quy định nhập khẩu, 2.000 tấn mực ùn ứ, ngư dân lao đao
Xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn) được xem là "thủ phủ" của nghề khai thác mực xà. Toàn xã có đội tàu 70 chiếc với hàng trăm lao động bám nghề hàng chục năm qua.
Những năm trước, tàu vừa cập bến đã có tiểu thương đến thu mua và trả tiền liền tay cho chủ tàu. Riêng năm nay, hàng ngàn tấn mực đang ùn ứ khiến ngư dân và tiểu thương cùng lao đao.
Xã Bình Chánh đang tồn đọng trên 2.000 tấn mực khô
Suốt tháng qua, ngư dân Nguyễn Ngọc Quý (thôn Mỹ An, xã Bình Châu) liên hệ khắp nơi tìm người thu mua mực. Tuy vậy, gần 20 tấn mực khô vẫn đang nằm trong kho.
"Giá mực hiện ở mức 110.000 đồng/kg, thấp hơn so với năm trước khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg. Giá đã thấp mà tiểu thương cũng không muốn thu mua. Hiện tôi còn 20 tấn chưa bán được. Đi đánh bắt về mà không bán được thì lấy chi phí đâu để tiếp tục ra khơi", ngư dân Quý than thở.
Cùng nỗi niềm đó, ngư dân Nguyễn Tấn Lộc cho biết, lượng mực tiêu thụ được rất ít, trong khi tiểu thương không trả tiền ngay như trước.
"Mấy năm trước, tiểu thương còn đặt cọc tiền để mua mực. Riêng năm nay họ đồng ý mua nhưng không trả tiền ngay. Phải đợi họ bán được mực cho tư thương Trung Quốc lúc đó mới trả tiền cho mình. Mà đợi rất lâu, trong khi ngư dân thì cần tiền để xoay sở đủ thứ", ngư dân Lộc nói.
Trung Quốc siết chặt quy định nhập khẩu khiến mặt hàng mực ùn ứ gây khó khăn cho ngư dân.
Không chỉ những người đi biển mà chủ các cơ sở mua mực khô cũng đứng ngồi không yên. Nhiều chủ cơ sở chỉ biết trông chờ thị trường Trung Quốc có chuyển biến để tiêu thụ hết số mực đang tồn kho.
Ngư dân cố gắng phơi, bảo quản mực tránh hư hỏng để chờ thương lái thu mua
Theo ông Trần Quang Tâm - Chủ tịch UBND xã Bình Chánh, lâu nay, sản phẩm mực khô của xã Bình Chánh được xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang các nước Trung Quốc và Thái Lan. Trong đó, sản lượng mực xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm hơn 80%.
Nếu đội tàu khai thác mực đồng loạt vào bờ thì lượng mực ùn ứ sẽ tăng cao.
Trong năm 2019, Trung Quốc yêu cầu mặt hàng này phải được xuất qua đường chính ngạch. Để đáp ứng được yêu cầu này phải có doanh nghiệp ký hợp đồng mua bán với các đối tác Trung Quốc, thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa rõ ràng. Điều này khiến sản phẩm mực xà của ngư dân Bình Chánh gần như không thể tiêu thụ được.
"Nếu đội tàu khai thác mực đồng loạt vào bờ thì lượng mực tồn đọng sẽ rất lớn. Tình trạng này tiếp diễn sẽ khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đã báo cáo lên cấp trên với mong muốn có chính sách hỗ trợ cho ngư dân để họ yên tâm bám biển", ông Tâm cho biết.