Trung Quốc hiện diện ở các nước nghèo: Xây lắp nhiều, hiệu quả bao nhiêu?
Số địa điểm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối của Trung Quốc tại các quốc gia, vòng tròn càng lớn đồng nghĩa rằng số tiền đầu tư càng nhiều. Nguồn: NPR.org
NPR đưa tin, trong hai thập kỉ qua, Trung Quốc đã tài trợ và xây dựng nhiều cầu cống, bệnh viện, đường xá, đường sắt, sân bay và cảng biển trị giá hàng tỉ USD ở các nước đang phát triển. Điều này mới nghe thì có vẻ tốt đẹp, tuy nhiên, vẫn có nhiều người hoài nghi.
Các chuyên gia phát triển và các chính trị gia phương Tây đã đặt ra nhiều câu hỏi, chẳng hạn như: Mục đích của Trung Quốc trong việc xây dựng tất cả công trình trên là gì? Những dự án trên có được xây dựng đàng hoàng? Và liệu chúng có thực sự có lợi?
Nhóm AidData tại Đại học Willam & Mary đã phân tích dữ liệu để trả lời câu hỏi cuối cùng này.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tỏ rõ về tham vọng mở rộng thương mại và ảnh hưởng thông qua cơ sở hạ tầng và đầu tư ở các quốc gia khác và gọi đó là "Sáng kiến Vành đai và Con đường". Tuy nhiên, gần như mọi thứ liên quan đến chiến lược phát triển của Trung Quốc, gồm số tiền đầu tư, số dự án và địa điểm dự án, lại là bí mật quốc gia.
Việc che giấu bí mật đó đã khơi gợi một câu chuyện phổ biến rằng Trung Quốc là một "nhà tài trợ bịp bợm", chuyên rót tiền vào các chính phủ phi dân chủ để thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc và tiếp cận tài nguyên thiên nhiên của các nước khác.
Những người hoài nghi cho rằng các nước khác, thông thường là ở châu Phi, ít khi được sử dụng các dự án do Trung Quốc xây dựng. Chính trị gia mô tả một số trong các dự án này là dự án "voi trắng". Họ chỉ ra các cảng biển, cầu cống và các dự án có chi phí lớn đã được xây dựng nhưng không thực sự được sử dụng nhiều.
(Theo truyện kể Thái Lan, khi vua Thái Lan cảm thấy ghét một người nào, nhà vua sẽ tặng cho người đó một con voi trắng và yêu cầu chăm sóc cẩn thận. Việc nuôi voi trắng rất tốn kém và người nhận "quà" từ nhà vua thường rơi vào cảnh khuynh gia bại sản. Vì vậy từ "voi trắng" thường dùng để chỉ những vật không chỉ vô dụng mà còn gây nhiều rắc rối, khó duy trì, chăm lo và không bỏ đi được).
Trên thực tế, có nhiều dự án xây dựng kém chất lượng, chẳng hạn như một con đường ở Zambia đã bị lũ cuốn trôi trong mùa mưa năm 2009; một cây cầu ở Kenya sập đổ trong quá trình xây dựng vào năm 2017; và một bệnh viện ở Angola đã được sơ tán sau vài tháng mở cửa năm 2010 vì lo sợ nó sẽ sụp đổ.
Các chuyên gia về phát triển cho biết những trường hợp trên là đáng lưu tâm, tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo của các quốc gia nhận tài trợ của Trung Quốc vẫn cho hay họ muốn hợp tác với Trung Quốc.
Họ lập luận rằng Trung Quốc là "một siêu thị với đủ loại mặt hàng", họ không chỉ tài trợ cho các dự án mà còn xây dựng chúng.
Thông thường, hợp tác với Trung Quốc rẻ và nhanh chóng hơn với các nhà tài trợ truyền thống khác, chẳng hạn như World Bank. Hơn nữa, hợp tác với Trung Quốc ít dính dáng đến các ràng buộc hơn, chẳng hạn như các yêu cầu tư nhân hóa dự án sau khi hoàn thành.
Hiện tại, một luận điểm ủng hộ Trung Quốc khác vừa xuất hiện. Một nghiên cứu mới cho thấy các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc thực hiện có thể giảm thiểu bất bình đẳng ở các nước đang phát triển hơn nhiều so với các chương trình của phương Tây.
"Việc cho rằng các dự án của Trung Quốc là dự án "voi trắng" có thể chỉ là tin đồn với một, hai dự án nhất định và không chính xác một cách toàn diện", ông Bradley Parks, một trong những tác giả của nghiên cứu kiêm giám đốc điều hành của AidData, cho hay.
Ông Parks nói rằng theo nghiên cứu của nhóm ông, có một tương quan mạnh mẽ giữa các dự án của Trung Quốc và tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia nơi chúng được xây dựng.
Ông Parks còn nói thêm, các "cơ sở hạ tầng kết nối" do Trung Quốc tài trợ - những dự án kết nối con người ở nơi này với nơi khác, chẳng hạn như đường xá, cầu cống, đường sắt và cảng biển - phân phối tăng trưởng kinh tế đến các khu vực nông thôn đồng đều hơn so với các chương trình phát triển của phương Tây.
Những dự án này kết nối con người và hoạt động kinh doanh từ nông thôn và khu vực vùng sâu vùng xa đến các thành phố ven biển lớn hơn, nơi có nhiều cơ hội làm giàu hơn.
Nhóm AidData đã đi đến kết luận đó sau khi xác định hơn 4.400 dự án phát triển của Trung Quốc tại 138 quốc gia trong giai đoạn 2000 - 2014. Họ sử dụng các nguồn thông tin trực tuyến, như các bài báo, trang web của Đại sứ quán Trung Quốc và nghiên cứu thực địa từ các học giả và tổ chức phi chính phủ.
"Chính phủ Trung Quốc không chia sẻ bất kì bộ dữ liệu tập trung nào", ông Parks nói. "Tuy nhiên, có một lượng thông tin khổng lồ rải rác trên mạng".
Sau đó, nhóm AidData sẽ nghiên cứu hình ảnh vệ tinh vào ban đêm từ các vệ tinh thuộc Hệ thống Khí tượng Hoạt động của Chương trình Vệ tinh Khí tượng Quốc gia Mỹ. Ông Parks nói rằng có sơ sở vững chắc khi áp dụng ánh sáng ban đêm như một chỉ số để đánh giá thu nhập hộ gia đình, bởi nhiều ánh sáng hơn đồng nghĩa rằng gia đình đó ở khu vực có nhiều tiền hơn.
Các nhà nghiên cứu của AidData đã đo lường các thay đổi theo thời gian, bắt đầu từ năm 2000 đến năm 2013, về lượng ánh sáng có thể nhìn thấy trong một khoảng cách nhất định từ cơ sở hạ tầng kết nối của Trung Quốc.
Họ phát hiện ra rằng trong các hình ảnh sau này, ánh sáng không chỉ tập trung ở khu lân cận của dự án mà nó còn lan rộng bên trong các tỉnh và quận nơi dự án được xây dựng cũng như giữa các tỉnh và quận khác.
Do đó, họ cho rằng cơ sở hạ tầng kết nối của Trung Quốc đang lan tỏa tăng trưởng kinh tế trên khắp các khu vực rộng lớn.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu lại nói rằng cần phải nghiên cứu thêm.
"Không còn nghi ngờ gì nữa, rất nhiều khoản đầu tư của Trung Quốc đang mang lại tác động tích cực, cho dù đôi khi là chỉ trong thời gian ngắn", bà Jacqueline Muna Musiitwa, một luật sư quốc tế ở Đông Phi, nói.
"Tuy nói vậy nhưng việc xác định liệu thu nhập có tăng lên, tiền được đầu tư vào đâu và chất lượng cuộc sống có được cải thiện hay không là rất quan trọng. Chỉ nhìn vào con số tăng trưởng kinh tế là không đủ, bởi chúng không thể kể câu chuyện ở cấp độ vi mô hay liệu người dân đã thoát khỏi cuộc sống đói nghèo chưa", bà Musiitwa nói.
Ông Johannes Urpelainen, giám đốc kiêm giáo sư về ngành năng lượng, tài nguyên và môi trường tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins, nói rằng ông nhận thấy nghiên cứu của AidData là "một bước tiến tốt" và phù hợp với những gì các nghiên cứu khác đã chỉ ra về tiềm năng giảm bất bình của cơ sở hạ tầng.
"Bước tiếp theo sẽ là thu thập chi tiết hơn về những gì thực sự xảy ra tại các cộng đồng này", ông Urpelainen nói, đồng thời, đưa ra ví dụ về các nhân tố khác (ngoài thu nhập hộ gia đình) giúp làm sáng tỏ vấn đề. "Đây là một thách thức rất lớn, nhưng là bước quan trọng kế tiếp".
Ông Parks đồng ý rằng phương pháp đo lường ánh sáng của AidData còn có thể nắm bắt các khía cạnh khác của sự phát triển, gồm kết quả giáo dục và y tế địa phương. Nhưng ông cũng nói thêm rằng cho dù phương pháp này bao quát được nhiều nhân tố khác, việc xác định được mối liên quan giữa cơ sở hạ tầng kết nối của Trung Quốc và những kế quả trên - bao gồm giảm thiếu bất bình đẳng - vẫn là một tin tốt.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/