|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc: CPI và PPI 'hạ nhiệt' trong tháng 6/2021

18:32 | 10/07/2021
Chia sẻ
Lạm phát của Trung Quốc tiếp tục tăng khiêm tốn trong tháng 6/2021, trong khi giá nhà sản xuất tại nước này ghi nhận mức tăng chậm hơn sau nỗ lực ổn định giá nguyên liệu của Chính phủ.

Báo cáo mới nhất công bố ngày 9/7 của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - một trong những thước đo chính của lạm phát - đã tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này thấp hơn mức tăng 1,3% ghi nhận vào tháng Năm.

Theo NBS, CPI của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2021 đã tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá thực phẩm tại Trung Quốc đã giảm 1,7% do giá thịt lợn lao dốc, đảo ngược mức tăng 0,3% trong tháng Năm. 

Do sản lượng thịt lợn tiếp tục phục hồi và nguồn cung tiếp tục tăng, giá thịt lợn đã giảm 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng Sáu. Số liệu của NBS cho thấy giá loại thịt này đã giảm 13,6% so với tháng Năm.

Trong khi đó, giá các mặt hàng phi thực phẩm tăng 1,7% và cao hơn mức tăng 1,6% trong tháng Năm. Giá xăng tháng Sáu tại Trung Quốc tăng 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 22% của tháng trước đó.

Báo cáo NBS cũng cho thấy Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc đã tăng 8,8% vào cùng giai đoạn, giảm so với mức tăng 9% của tháng Năm. Còn theo cơ sở hàng tháng, PPI của nước này đã tăng 0,3%.

Việc tăng giá trong một số ngành bao gồm thép và kim loại màu đã được hạn chế, khi giá của nhóm hàng này chuyển từ xu hướng tăng sang giảm trong tháng Sáu.

Chính phủ Trung Quốc đã cam kết tăng cường hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế thực, đặc biệt là cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Những biện pháp này được kỳ vọng sẽ giảm thiểu tác động của việc tăng giá hàng hóa đối với hoạt động của các công ty.

Bắc Kinh cũng lưu ý rằng nước này sẽ hạn chế áp dụng các biện pháp kích thích hàng loạt, đồng thời duy trì sự ổn định của chính sách tiền tệ và tăng cường hiệu quả của những chính sách này.

H.Thủy

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'trụ cột' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, là 'trụ cột' quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.