Trồng lan thu 80 triệu đồng/1.000m2
Mới đây, Trạm Khuyến nông huyện Củ Chi (TP.HCM) đã hỗ trợ 24.000 giống lan Mokara cho 24 hộ nông dân ở các xã: Trung An, Tân Thạnh Đông, Tân Thông Hội, Thái Mỹ, Phước Thạnh, An Nhơn Tây, Nhuận Đức, Phú Hòa Đông, Tân Phú Trung, An Phú và Phú Mỹ Hưng. Các giống lan gồm: Vàng chanh, vàng nến, vàng kitti, pink hồng và tím Calypso với tổng số tiền hỗ trợ hơn 1,45 tỷ đồng từ Trung tâm Khuyến nông thành phố. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông thành phố còn hỗ trợ kỹ thuật trồng cho nông dân suốt 1 năm sau khi nhận giống.
Mô hình trồng lan Mokara tại xã Tân Thông Hội (Củ Chi, TP.HCM). ảnh: T.T
Để được hỗ trợ lan giống, các hộ trên đã tham gia 6 mô hình trình diễn trồng lan Mokara cắt cành do Trạm Khuyến nông huyện xây dựng. Trước đó, Trạm Khuyến nông Củ Chi đã tổ chức lượng giá mô hình trình diễn “Trồng hoa lan Mokara cắt cành” tại xã Thái Mỹ, với quy mô 4 hộ/4.000 cây/1.000m2, gồm các màu: Đỏ 28, vàng nến và vàng chanh. Kết quả cho thấy, tỷ lệ sống của lan đạt 100%, chiều cao cây từ 62 - 65cm, năng suất 4 - 6 cành/cây/năm, sản lượng từ 2.800 - 4.200 cành/năm. Doanh thu đạt 80 triệu đồng (4.000 cây/1.000m2).
Chị Trần Thị Hạnh, một hộ tham gia mô hình cho biết, gia đình được hỗ trợ gần 1.000 cây lan Mokara giống. Sau thời gian chăm sóc, chị thấy lan phát triển tốt, thích hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Sau 6 - 8 tháng trồng, cây bắt đầu ra hoa, bán có giá hơn so với nhiều cây trồng khác. “Theo tôi, các hộ trồng lan trong xã nên liên kết thành lập tổ hợp tác để giải quyết đầu ra ổn định, tránh tình trạng thương lái ép giá. Để việc trồng lan đạt năng suất cao, bà con nên chọn giống mới, giống tốt” - chị cho biết.
Ông Võ Ngọc Đẹp – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cho biết, qua 12 năm (2004 - 2016) thực hiện chương trình hoa lan, cây kiểng đã khẳng định chủ trương chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị có hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh. Để hoa lan phát triển tốt, đạt năng suất cao, theo ông Đẹp, vườn trồng lan phải có độ thông thoáng, tránh ngập úng, người trồng cần thăm vườn thường xuyên để kịp thời phòng và trị bệnh cho lan cũng như nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc. Tuy nhiên, về đầu ra, ông Đẹp lo ngại khi các hộ trồng lan ở địa phương hiện còn nhỏ lẻ, không tập trung nên khó tìm mối tiêu thụ ổn định, vì vậy các hộ nên liên kết thành các tổ sản xuất, HTX… để tập hợp thành vùng sản xuất lớn, từ đó tạo uy tín, thương hiệu và tiêu thụ dễ dàng hơn.
Theo thống kê, toàn TP.HCM hiện có trên 300ha trồng lan; sản lượng hoa lan cung ứng hằng năm khoảng 6,7 triệu chậu và 68,9 triệu cành, đạt giá trị khoảng 613,9 tỷ đồng, với gần 900 hộ tham gia trồng, tập trung chủ yếu tại các huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, các quận: 9, 12 và Thủ Đức.
Theo Trần Thế
Dân Việt