|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trình Quốc hội xem xét bội chi hơn 260.000 tỉ đồng năm 2015

16:30 | 18/05/2017
Chia sẻ
Uỷ ban Tài chính-Ngân sách đề nghị phê chuẩn quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2015; trong đó, bội chi ngân sách nhà nước là hơn 260.000 tỉ đồng, bằng 6,28% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nguồn bù đắp bội chi Ngân sách nhà nước vay trong nước là gần 196.000 tỉ đồng, vay ngoài nước là hơn 67.000 tỉ đồng.
trinh quoc hoi xem xet boi chi hon 260000 ti dong nam 2015
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì phiên họp - Ảnh: quochoi.vn

Chiều 17-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015. Tại phiên họp thứ 10, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí cho rằng quyết toán này đã đủ điều kiện để trình ra Quốc hội.

Trình bày báo cáo thẩm tra về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, ngày 21-4, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã chủ trì buổi làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán nhà nước để xem xét, thống nhất một số nội dung còn ý kiến khác nhau.

Thứ nhất là về khoản hoàn thuế giá trị gia tăng chưa kịp thời, dẫn đến quyết toán chưa phản ánh chính xác số thu và bội chi Ngân sách nhà nước, tại phiên họp thứ 9 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, chưa thống nhất được phương án quyết toán số tiền hơn 7.450 tỉ đồng đã hoàn thuế giá trị gia tăng trong năm 2015.

Sau cuộc họp ngày 21-4, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Kiểm toán nhà nước và Bộ Tài chính đã thống nhất phương án số tiền thực hoàn thuế là 7.452 tỉ đồng trong năm 2015 cần được giảm trừ vào số thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu, đồng thời tăng bội chi Ngân sách nhà nước theo đúng quy định, bảo đảm phản ánh đúng, đầy đủ số đã hoàn thuế giá trị gia tăng như các năm trước đã xử lý.

Thứ hai là về khoản 30.000 tỉ đồng vốn ODA phân bổ chưa kịp thời theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, ngay sau phiên họp thứ 9 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 19-4 về quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 551 về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài, bao gồm vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, nguồn ngân sách trung ương năm 2015 để phân bổ kế hoạch vốn ODA tăng thêm cho các đối tượng thụ hưởng, bảo đảm đầy đủ số tiền 30.000 tỉ đồng theo dự toán đã được Quốc hội cho phép bổ sung dự toán chi năm 2015.

Như vậy, đã đủ căn cứ pháp lý để quyết toán khoản 30.000 tỉ đồng nêu trên. Tuy nhiên, một số dự án ODA vẫn phải chuyển nguồn sang năm 2016 (khoảng 900 tỉ đồng) và chuyển nguồn sang năm 2017 (khoảng hơn 97 tỉ đồng).

Thứ ba là về khoản thu sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước số tiền gần 3.600 tỉ đồng còn chưa thống nhất giữa Kiểm toán nhà nước với Chính phủ và Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 19-4, Kiểm toán Nhà nước với Chính phủ và Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã thống nhất để quyết toán thu, chi số tiền gần 3.600 tỉ đồng nêu trên.

Đồng thời, để bảo đảm thực hiện đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và Luật Ngân sách nhà nước, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát lại việc thu, chi từ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước năm 2016 và các năm tiếp theo, kịp thời báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội điều chỉnh dự toán chi Ngân sách nhà nước cho phù hợp, làm căn cứ để thực hiện và quyết toán Ngân sách nhà nước theo đúng quy định.

Về bội chi ngân sách và nợ công, trên cơ sở tính toán lại các số liệu trên sau khi đã trao đổi, thống nhất, số bội chi Ngân sách nhà nước năm 2015 là hơn 260.000 tỉ đồng, bằng 6,28% GDP thực hiện. Trong khi đó, bội chi Ngân sách nhà nước năm 2015 được Quốc hội thông qua là 256.000 tỷ đồng, bằng 5,71% GDP kế hoạch và bằng 6,10% GDP thực hiện.

Về nợ công, các chỉ số dư nợ công, dư nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép nhưng dư nợ Chính phủ đã chạm trần là 50% GDP, nợ công là 61,8% GDP.

Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đề nghị phê chuẩn quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2015 với tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là gần 1,3 triệu tỉ đồng; Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là hơn 1,5 triệu tỉ đồng; Bội chi ngân sách nhà nước là hơn 260.000 tỉ đồng, bằng 6,28% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương là hơn 52.000 tỉ đồng). Nguồn bù đắp bội chi Ngân sách nhà nước vay trong nước là gần 196.000 tỉ đồng, vay ngoài nước là hơn 67.000 tỉ đồng.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất là quyết toán này đã đủ điều kiện để trình ra Quốc hội để phê chuẩn với một số yêu cầu. Thứ nhất là sẽ giảm thu 7.452 tỉ và đồng thời tăng bội chi tương ứng để đảm bảo đủ tiền hoàn thuế theo quy định. Thứ hai là đồng ý cho quyết toán số tiền vay ODA là 30.000 tỉ; thứ ba là đồng ý là cho ghi thu, ghi chi hơn 3.500 tỉ đồng liên quan đến vấn đề xử lý nhà đất.

Từ đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với số tổng thu, tổng chi, bội chi cũng như tỷ lệ nợ công như báo cáo của Chính phủ. Các cơ quan của Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Tài chính, Ngân sách sẽ hoàn chỉnh các báo cáo của các cơ quan này trình ra Quốc hội để Quốc hội xem xét và phê chuẩn.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí cao với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Bộ Kế hoạch đầu tư đã rất trách nhiệm khi thống nhất cách xử lý bảo đảm đúng luật và phù hợp với tình hình thực tế.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội để đảm bảo tuân thủ đúng Luật Ngân sách nhà nước. Đồng thời, Chính phủ cũng được đề nghị tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, vấn đề cho vay, ứng trước dự toán ngân sách nhà nước hay cho vay tồn ngân kho bạc bảo đảm an toàn, hiệu quả cho tài chính quốc gia.

Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc ngày 22-5

Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIV dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 22-5 và bế mạc vào sáng ngày 21-6-2017, theo thông tin tại phiên họp ngày 17-5 về việc lấy ý kiến cho việc chuẩn bị kỳ họp sắp tới của Quốc hội thuộc chương trình phiên họp thứ 10 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Cổng thông tin điện tử Quốc hội cho biết, Quốc hội dự kiến thời gian tiến hành kỳ họp là 22,5 ngày làm việc, trong đó không bố trí làm việc ngày thứ bảy.

Về thời điểm thông qua các luật, nghị quyết trong kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, khối lượng các nội dung trình tại các kỳ họp ngày càng nhiều, nên việc bố trí thời gian thảo luận, thông qua đối với từng dự án luật, dự thảo nghị quyết phải cân đối với tổng thời gian của cả kỳ họp. Vì vậy, dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3 đã dành tối thiểu khoảng 10 ngày từ khi thảo luận tại hội trường cho đến khi biểu quyết thông qua đối với mỗi dự án luật để có thời gian tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện.

Quốc hội sẽ bố trí thời điểm thông qua các dự án luật gần ngày bế mạc kỳ họp để sau khi kết thúc kỳ họp Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban có thời gian rà soát, hoàn thiện văn bản luật cuối cùng trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực và gửi Chủ tịch nước công bố.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, các nội dung của kỳ họp đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Đến nay, có 12 dự án luật được gửi đến đại biểu Quốc hội và đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan hữu quan đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương hoàn thiện việc chuẩn bị tài liệu các nội dung kỳ họp để gửi đến đại biểu Quốc hội đúng thời gian quy định, nhất là các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 10 này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý việc bổ sung Nghị quyết xử lý nợ xấu và sửa đổi một số điều của Luật tổ chức tín dụng vào chương trình kỳ họp thứ 3. Về bố trí điều hành, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị bố trí một Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành gọn nội dung của một buổi từ đầu đến cuối, không nên giữa chừng lại chuyển người điều hành.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị bổ sung vào nội dung trình Quốc hội cho ý kiến về Luật tổ chức tín dụng. Về thời gian thảo luận ở hội trường, Chủ tịch Quốc hội đề nghị giữ nguyên thời lượng chính sách giám sát về an toàn thực phẩm là 1 ngày, kinh tế - xã hội thảo luận 1 ngày; thời lượng không điều chỉnh nhưng có ghép, ví dụ chương trình giám sát thì thảo luận ghép vào chương trình xây dựng pháp luật.

Về hoạt động chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị lần này sẽ tiếp tục tinh thần đổi mới tăng tính đối thoại và trực diện những vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.

Thùy Dung