|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Trình Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Cao su trong tháng 8

03:00 | 08/08/2022
Chia sẻ
Cho rằng kết quả sản xuất kinh doanh của một số đơn vị, ngành, lĩnh vực của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) có tiến triển nhưng chưa thực sự bền vững, khó tạo sự đột phá trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy đã gợi ý một số giải pháp trọng tâm và yêu cầu VRG tập trung triển khai.

Trong đó có việc khẩn trương rà soát, hoàn thiện Đề án tái cơ cấu Tập đoàn, báo cáo lãnh đạo Ủy ban xem xét, quyết định trong tháng 8 này. 

Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị Sơ kết tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của VRG vừa diễn ra tại TPHCM, đại diện lãnh đạo Tập đoàn cho biết từ đầu năm đến nay, sản xuất kinh doanh chưa gặp nhiều thuận lợi.

Dự kiến thời gian còn lại trong năm cũng sẽ gặp nhiều khó khăn do điều kiện khách quan, như: Lĩnh vực công nghiệp cao su giảm nhu cầu tiêu thụ, giá bán giảm nên lợi nhuận thấp; sản phẩm gỗ thiếu nguyên liệu, giá nguyên, nhiên liệu tăng nhưng giá bán đầu năm 2022 không tăng; các khu công nghiệp chưa hoàn tất được thủ tục để tăng quỹ đất cho thuê.

Trong điều kiện nhiều yếu tố bất lợi, dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn đã nỗ lực, phấn đấu thực hiện nhiệm vụ được giao với quyết tâm cao. Sản lượng cao su khai thác toàn Tập đoàn đạt 171.300 tấn, bằng 43,2% kế hoạch năm, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; tiêu thụ 220.600 tấn, bằng 44% kế hoạch năm; doanh thu và lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước lần lượt đạt 13.986 tỷ đồng và 3.434 tỷ đồng, bằng 47,1% và 53,0% so với kế hoạch năm 2022.

Cho rằng kết quả sản xuất kinh doanh của một số đơn vị, ngành, lĩnh vực của Tập đoàn có tiến triển nhưng chưa thực sự bền vững, khó tạo sự đột phá trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy đề nghị VRG tập trung thực hiện một số nội dung công việc.

Thứ nhất, tăng cường công tác dự báo, nắm bắt chặt chẽ diễn biến của thị trường để chủ động cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp.

Thứ hai, chủ động xây dựng, tổ chức triển khai có hiệu quả các giải pháp về quản trị mua vật tư nguyên liệu, sản xuất, bán hàng, chi phí tài chính... hạn chế ảnh hưởng khi có biến động lớn về giá cả vật tư đầu vào, lãi suất, tỷ giá; tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, tập trung chỉ đạo các đơn vị thành viên khẩn trương đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư, sớm đưa tài sản vào khai thác, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Thứ tư, nghiên cứu xây dựng Đề án Chiến lược phát triển Tập đoàn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035, để có tầm nhìn và định hướng phát triển dài hạn nhằm phát huy được hết các thế mạnh và nguồn lực của Tập đoàn.

Cũng tại Hội nghị, khẳng định Đề án tái cơ cấu Tập đoàn có vai trò tiên quyết trong việc tạo động lực mới, thúc đẩy sản xuất kinh doanh hiệu quả và thực chất hơn nữa, ông Đỗ Hữu Huy giao Vụ Nông nghiệp khẩn trương phối hợp với Tập đoàn và các vụ chức năng của Ủy ban rà soát, hoàn thiện, báo cáo Lãnh đạo Ủy ban xem xét, quyết định trong tháng 8/2022.

"Sự thành công trong các nhiệm vụ của Tập đoàn chính là sự thành công của Ủy ban. Tôi tin tưởng và mong rằng các đồng chí lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công nhân viên của Tập đoàn sẽ tăng cường đoàn kết, nhất trí, phát huy những thành tích, ưu điểm đã đạt được, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đã đề ra trong năm 2022", Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy nhấn mạnh.

Minh Ngọc