Triển vọng thị trường thực phẩm - đồ uống: Sự bùng nổ các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên và thân thiện môi trường
CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố top 10 công ty uy tín ngành thực phẩm đồ uống năm 2019. Đánh giá của Vietnam Report dựa trên ba tiêu chí chính: năng lực tài chính, uy tín truyền thông và các khảo sát về mức độ nhận biết, sự hài lòng của người tiêu dùng.
Khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report được thực hiện trong tháng 9 đã điểm mặt một số thương hiệu lựa chọn nhiều nhất (phân theo nhóm sản phẩm) bao gồm: Vissan (Thực phẩm tươi sống), Cái Lân (Gia Vị, Dầu ăn), Vinamilk (Sữa), Đường Quảng Ngãi (Bánh kẹo), Heineken (Bia rượu), Pepsi (Nước ngọt), Trung Nguyên (Cà phê), Acecook (Đóng gói, đồ hộp).
Xét về giá trị sản xuất, thực phẩm - đồ uống là ngành có giá trị sản xuất lớn nhất và có tổng doanh thu lớn thứ hai trong số các ngành kinh tế của Việt Nam.
Theo Vietnam Report, bánh kẹo - thực phẩm được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với mức tăng trung bình 10,9%/năm nhờ thu nhập người dân cải thiện và xu hướng tiêu dùng sản phẩm giá trị cao hơn sẽ chiếm lĩnh thị hiếu tiêu dùng.
Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch và đồ uống có lợi cho sức khỏe sẽ có những bước chuyển tích cực trong tất cả các phân khúc đi kèm với sự dịch chuyển lên nhóm hàng thực phẩm có giá trị cao trong tương lai. Theo Vietnam Report, điều này hứa hẹn cơ hội tăng trưởng mạnh cho các công ty thực phẩm sạch và thức uống có lợi cho sức khỏe.
Sự bùng nổ của các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên và thân thiện môi trường
Trong bối cảnh thu nhập khả dụng của người dân tăng lên, tỷ lệ dân số trẻ cao và tầng lớp trung lưu phát triển, người tiêu dùng dần trở thành những người tiêu dùng thông minh và hướng đến một lối sống xanh và lành mạnh thông qua việc sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc hữu cơ và nguyên liệu sạch.
Trong ít nhất 3 năm tới đây, Vietnam Report dự báo sẽ là thời điểm đột phá của các thực phẩm hữu cơ và sử dụng các nguyên liệu, bao bì bảo vệ môi trường.
Một vài chiến dịch về sức khỏe của Chính phủ phát động, kèm theo đó là nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm, thực phẩm sạch cũng đã được nâng lên và mặc dù đây mới chỉ là xu hướng mới nổi nhưng cũng là tín hiệu tốt cho thấy vẫn còn room cho tăng trưởng của thị trường ngách này.
Các nhà sản xuất cũng bắt đầu tham gia nhiều hơn vào việc quảng bá ích lợi liên quan đến sức khỏe trong các sản phẩm của họ.
Các sản phẩm nguồn gốc hữu cơ, tự nhiên sẽ "lên ngôi" trong một vài năm tới
Trong phỏng vấn các chuyên gia trong ngành thực phẩm đồ uống của Vietnam Report, 46% các chuyên gia nhận định rằng sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, thiên nhiên và 36% nhận định rằng sản phẩm tiện lợi, sản phẩm khác lạ cho giới trẻ sẽ là những xu hướng chính của các dòng sản phẩm trên thị trường trong thời gian tới.
Trong khảo sát nhanh hành vi người tiêu dùng trên hai thành phố lớn Hà Nội và TP HCM, Vietnam Report cũng cho thấy ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng khi mua các sản phẩm thực phẩm – đồ uống đó là thành phần dinh dưỡng đầy đủ (tỷ lệ phản hồi 60,3%), tiếp đến là sản phẩm có nguồn gốc organic (tỷ lệ 51,5%).
Một số chuyên gia nhận định rằng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt là ở các đô thị, thành phố lớn đối với thực phẩm và đồ uống ngày càng nhiều và đa dạng.
Tuy nhiên, các nhu cầu này cũng được xét kỹ hơn ở các tiêu chí mang tính kỹ thuật cao như: truy xuất được nguồn gốc, sản phẩm dinh dưỡng và đảm bảo sức khỏe. Vì vậy việc hoàn thiện hệ thống từ sản xuất tới phân phối của doanh nghiệp là rất cần thiết cho những cạnh tranh ngoài thị trường để đáp ứng mọi nhu cầu ngày một cao và rất đa dạng của người tiêu dùng.
Sự trỗi dậy của niềm tin, của những giá trị thật và câu chuyện thật về sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp
Các chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report đều chung nhận định rằng người tiêu dùng không chỉ sử dụng các sản phẩm mang tính đại chúng của các tập đoàn lớn sản xuất mà họ cũng sẽ bắt đầu quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm, câu chuyện về sản phẩm.
Những đặc tính như vậy làm tiêu dùng trở nên cá nhân hóa hơn, chịu ảnh hưởng chi phối của cảm xúc và giá trị nhân văn giữa người mua và người bán.
Với xu hướng như vậy, người tiêu dùng sẽ đặt niềm tin vào thương hiệu của sản phẩm, của doanh nghiệp và điều này được đánh giá bằng tính trung thực của thương hiệu trong việc cung cấp thông tin minh bạch và truy xuất thông tin dễ dàng.
Một chuyên gia uy tín trong ngành cũng nhấn mạnh rằng khi các doanh nghiệp thực phẩm đồ uống đi tìm các chất phụ gia cho thực phẩm, đồ uống thường gặp phải khó khăn đầu tiên đó là truy xuất nguồn gốc, nếu không truy xuất nguồn gốc thì không thể tham gia được thị trường và đây là điều các doanh nghiệp trong ngành đang thấy rõ và cũng đang phát triển theo hướng đó.
Khả năng sáng tạo từ dữ liệu lớn
Dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, các ứng dụng của Big Data và AI cũng đã được sử dụng trong một số doanh nghiệp thực phẩm đồ uống ở Việt Nam như ứng dụng VinMart Scan & Go đó với khả năng thanh toán siêu tốc, giúp tiết kiệm tới 90% thời gian xếp hàng chờ đợi hay việc sử dụng rộng rãi Robot trong các khâu chế biến, xử lý và vận hành của Vinamilk.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia trong ngành trong khảo sát của Vietnam Report cho thấy xu hướng tiềm năng nhất mà Big Data mang lại cho ngành thực phẩm đồ uống đó là khả năng cá nhân hóa từ dữ liệu đã thu thập, chia sẻ dữ liệu và hỗ trợ tự động hóa, và do đó, sản phẩm sẽ có khả năng đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và sở thích khác nhau của mỗi cá nhân. Đây là xu hướng mới nhưng sẽ khả năng sẽ trở thành xu hướng phát triển mạnh nhất nhất trong nhiều năm tới.
Với dữ liệu thu thập được về các chỉ số cơ thể và sức khỏe của khách hàng, từ đó, qua phân tích dữ liệu lớn, đề nghị chế độ dinh dưỡng hợp lý nhất và thiết kế bữa ăn theo báo cáo phân tích sức khỏe kèm theo dịch vụ giao sản phẩm tận nơi cho khách hàng. Khi các thiết bị đeo theo dõi sức khỏe trở nên thịnh hành hơn, đây có thể sẽ là xu hướng ứng dụng công nghệ mới và hấp dẫn nhất với ngành thực phẩm đồ uống.
Thách thức từ làn sóng mua bán sáp nhập trong ngành
Cùng với 3 xu hướng chính nêu trên, các doanh nghiệp trong ngành cũng sẽ phải đối mặt với một số khó khăn và thách thức trong thời gian tới.
Khảo sát các doanh nghiệp trong ngành của Vietnam Report cho thấy, trong thời gian 2019-2020, đa số các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải đối mặt với 5 thách thức chính bao gồm: chất lượng nguồn nhân lực; tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; nguồn nguyên liệu đầu vào; quy mô nhỏ; thương hiệu yếu và mẫu mã đơn giản.
Một số thách thức/khó khăn khác do doanh nghiệp đưa ra, mặc dù chiếm tỷ lệ không nhiều nhưng cũng đáng lưu tâm như thị trường thế giới giảm giá, cạnh tranh gay gắt ngay trên thị trường nội địa.
Trong khi đó, các chuyên gia trong ngành nhận định rằng, có hai khó khăn/thách thức chính của các doanh nghiệp trong thị trường, cụ thể là
Thứ nhất, nguồn nguyên liệu cho ngành sản xuất chế biến thực phẩm trong nước còn thiếu và không ổn định, nguyên liệu nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn sẽ dẫn đến các doanh nghiệp không chủ động được số lượng, chất lượng, giá nguyên liệu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đi đôi với đó là các yêu cầu khắt khe từ các thị trường nhập khẩu khi các hiệp định đối tác thương mại đã được thông qua. Ví dụ ngành sữa chỉ đáp ứng được khoảng 25%; 90% nguyên liệu dầu ăn phải nhập khẩu. Các nguyên liệu chính như malt, hoa houblon, chế phẩm enzym... chưa sản xuất được trong nước nên vẫn phải nhập khẩu.
Thứ hai, làn sóng mua bán sáp nhập và thôn tính các doanh nghiệp nội của khối ngoại đang diễn ra khá mạnh trong ngành. Đáng lo ngại, những doanh nghiệp chế biến thực phẩm có thương hiệu lớn, vốn đang được xem là trụ cột thị trường, đang dần mất vào tay những doanh nghiệp ngoại.
Cụ thể như các thương hiệu Việt nổi tiếng như Vissan, Công ty CP chế biến hàng xuất khẩu Cầu tre, Kinh Đô, Bibica, ABC…Mức độ cạnh tranh trong ngành thực phẩm - đồ uống tại Việt Nam chưa bao giờ lại khốc liệt như vậy.
Sự cạnh tranh đến mức nhiều doanh nghiệp nội bị thôn tính và sáp nhập, nguyên nhân chính là do thói quen văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam không thay đổi kịp so với sự hội nhập.
Trong bối cảnh như vậy, các doanh nghiệp thực phẩm đồ uống cũng đã khá chủ động trong các chiến lược để bắt kịp xu hướng và khắc phục khó khăn.
Trong câu hỏi về các ưu tiên chiến lược của doanh nghiệp trong năm 2020, phần lớn các doanh nghiệp cho rằng sẽ tập trung vào đầu tư phát triển công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm (tỷ lệ phản hồi khoảng gần 96%); nghiên cứu thị hiếu của người dùng (khoảng 68%); và đầu tư nhiều hơn cho hoạt động marketing, nhận diện thương hiệu (khoảng 46%).
Xếp hạng của Vietnam Report trong lĩnh vực thực phẩm - đồ uống
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/