|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

'Trẻ không cày cuốc mua nhà, già ra đường mà ở'

10:42 | 21/09/2019
Chia sẻ
Căn nhà không chỉ để ở mà còn là không gian văn hóa tinh thần, là "nếp nhà" để chỉ gia giáo, gia lễ, gia phong, gia đạo...

Vừa qua, có hai luồng ý kiến: nên thuê chỗ ở trong bối cảnh giá nhà đắt đỏ, hay cần tích góp và vay mượn thêm để mua nhà.

Người thì cho rằng thời nay, nhất là thế hệ trẻ cần thoát khỏi cách nghĩ dùng thu nhập hạn chế khi còn trẻ để nhất quyết phải sở hữu cho được một căn nhà.

Thay vào đó có thể chọn phương án thuê chỗ ở, dùng phần tiền tích lũy học thêm phát triển bản thân, tập trung khởi nghiệp, sống trải nghiệm nhiều hơn. Không nên vay ngân hàng để mua nhà rồi túng thiếu, lo lắng và lắm khi dành cả thanh xuân để trả nợ.

Tôi đồng tình với luồng ý kiến cần tích góp và vay mượn thêm để mua nhà, trừ trường hợp cố gắng lắm nhưng không thể. Sở hữu căn nhà là mong ước, nhất là với những người trẻ, người nhập cư có quan niệm "an cư lạc nghiệp".

Căn nhà do mình sở hữu ngoài chức năng ở còn là không gian văn hóa tinh thần trong sinh hoạt như câu nói "nếp nhà" để chỉ gia giáo, gia lễ, gia phong, gia đạo. Ngoài ra, còn là nơi cư trú lâu dài, đặc biệt với những người thích sự ổn định.

Căn nhà càng cấp thiết hơn sau khi lập gia đình, mong có môi trường thuận lợi hơn dành cho con trẻ, phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già, cũng là của để dành, xem tài sản thế hệ trước để lại cho thế hệ sau.

Ở khía cạnh tâm linh, căn nhà do mình sở hữu sẽ thuận lợi hơn trong thờ cúng ông bà tổ tiên. Đâu phải mua nhà là không thể học thêm để phát triển bản thân, nghề nghiệp, sống trải nghiệm ?

Sở hữu căn nhà cũng là cách đầu tư kinh doanh rất hiệu quả, lợi nhuận bất động sản này khá cao.

Em tôi lập gia đình năm 2010, dành dụm được 300 triệu đồng và mượn thêm người thân 150 triệu, vay ngân hàng thêm 300 triệu bằng cách thế chấp sổ hồng căn nhà đã mua giá 750 triệu tại quận 9, TP HCM.

Cả hai vợ chồng đều đi làm, mỗi tháng trích hẳn lương của một người trả tiền đã mượn và vay ngân hàng hơn 7 triệu đồng, lương của người còn lại dành cho chi tiêu trong gia đình. Sau 7 năm, cả hai vợ chồng đã trả hết nợ. Giá trị căn nhà lúc đó tăng lên gấp 4 lần, khoảng 3 tỷ đồng.

Đến nay đã có 2 đứa con, lương cả hai vợ chồng 20 triệu đồng, nếu mua căn nhà giá 3 tỷ đồng, mỗi tháng trả 10 triệu thì phải mất 30 năm, chưa kể lãi vay ngân hàng ngày càng tăng là điều vô cùng khó.

Hoặc nếu lúc đó chỉ thuê nhà để ở, tiền nhà thuê hàng tháng cũng đã tương ứng lãi vay ngân hàng, không biết đến bao giờ mới mua được nhà trong khi bất động sản tăng cao nhiều lần, thậm chí đến lúc đã nghỉ theo chế độ phải trích lương hưu trả tiền thuê nhà là điều có thể xảy ra.

Đơn giản là dân số ngày càng tăng nhưng quỹ đất và không gian có giới hạn. Nếu có điều kiện mua nhà càng sớm càng tốt, không dành tiền mua nhà lúc trẻ, đến lúc lớn tuổi càng khó có cơ hội.

Chỉ cần ở nhà thuê là quan niệm không mới mẻ, nhất là với giới trẻ chưa lập gia đình, người chưa xác định nơi "an cư lạc nghiệp", chưa đủ điều kiện mua nhà. Một số trường hợp người đi làm chỉ thuần túy xem nhà ở là nơi trú ngụ tạm thời, ngai di chuyển xa, chưa xác định tìm chỗ ở lâu dài với suy nghĩ làm ở đâu thì thuê nhà ở đấy, thích sự xê dịch và tính linh động trong cuộc sống.

Dù vậy, hầu hết cũng tích lũy mong sở hữu riêng cho mình một căn nhà, không ở có thể cho thuê.

Là người Việt Nam, làm gì và ở đâu cũng mong được sở hữu căn nhà. Ở đây tôi muốn nhắc tới phần đông đối tượng có nhu cầu mua nhà, chỉ thuê ở khi không có điều kiện hoặc quá khó khăn trong thu nhập nên không thể mua nhà.

Đó là những người nhập cư theo dòng chảy việc làm ở các đô thị, khu công nghiệp, nơi thu hút phần lớn lao động công nhân, người rời quê ra đi để mong đổi đời.

Ở khía cạnh khác, những người này phần lớn trực tiếp làm ra sản phẩm, tạo năng suất lao động, của cải vật chất cho xã hội, luôn được nhắc đến hàng đầu nhưng vị trí trong đời sống, hưởng lợi từ thành quả lao động còn ít, nhiều người chỉ ở thuê vì không có tiền mua nhà.

Phấn đấu để cho người dân, ai cũng có nhà là mục tiêu quan trọng của Nhà nước bằng hàng loạt chính sách kêu gọi đầu tư nhà giá rẻ, miễn thuế tiền sử dụng đất, xây nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, cho vay ưu đãi để mua nhà...

Nhiều tỉnh, thành phố có hẳn quỹ phát triển nhà ở. Song, cung còn thiếu rất nhiều so với cầu, nhiều lý do mà nhà ở giá rẻ vẫn còn rất khan hiếm. Dù biết ngân sách có giới hạn, còn nhiều việc dân sinh cần phải làm nhưng tôi vẫn hy vọng nhà nước sẽ có giải pháp cho người dân nghèo, người nhập cư, công nhân lao động, ai cũng có nhà.

Nên chăng có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, tạo ra nhiều sản phẩm nhà giá rẻ hoặc trả góp và kéo dài thời gian trả nợ có thể lên đến 50 - 70 năm như ở Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia.

Nhà nước có thể xây nhà cao tầng bán căn hộ không tính lời, đem ra đấu giá kêu gọi nhà đầu tư tham gia, hòa vốn và có lãi từ quỹ đất cho thuê mặt bằng phía dưới để buôn bán, kinh doanh dịch vụ siêu thị, ăn uống...

Qua đó vừa thuận lợi trong công tác quản lý, phát triển, an ninh...Tất nhiên là những người đủ điều kiện phải chủ động để sở hữu cho mình căn nhà, không trông đợi.

Đỗ Ngô Trần