Tranh cãi về nguyên nhân xe nhập khẩu giảm
Khách tham quan tại triển lãm ô tô. Ảnh: Minh Tâm |
Bà Vũ Thị Ánh Hồng, Tổng biên tập báo Hải quan, đơn vị phối hợp tổ chức hội thảo “Thuận lợi và thách thức của ngành kinh doanh và sản xuất ô tô trong bối cảnh hướng tới cạnh tranh tự do và vấn đề đặt ra về vai trò điều tiết của Nhà nước” (nằm trong khuôn khổ Triển lãm Ô tô quốc tế Việt Nam 2016) diễn ra tại TPHCM hôm nay, 27-10, dẫn số liệu về tình hình thị trường 9 tháng năm 2016.
Theo đó, tổng lượng xe bán ra trên thị trường là 214.398 chiếc, tăng 31% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thị trường có vẻ bất ổn khi số xe nhập khẩu nguyên chiếc 9 tháng chỉ là 77.515 chiếc, tổng trị giá 1,75 tỉ đô la Mỹ. Con số này giảm 7,3% về lượng và 16,9% về trị giá so với năm 2015.
Thực tế này lại càng đáng chú ý khi những năm trước đó, năm 2014 và năm 2015, số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc rất lớn và tăng trưởng rất mạnh so với năm 2013.
Số liệu này cho thấy, chính sách thuế gồm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các dòng xe dung tích lớn và thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đã tác động mạnh đến thị trường ô tô, đặc biệt là ô tô nhập khẩu.
Bà Đào Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan chia sẻ, nhìn vào số liệu xe nhập khẩu nguyên chiếc 9 tháng năm 2016 thì thấy có sự suy giảm. Và nguyên nhân của tình hình này, theo bà Hương, như các nhà quan sát phân tích là do “các nhà nhập khẩu đang thăm dò động thái của Chính phủ về chính sách thuế”.
Cũng theo bà Hương, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại, thuế nhập khẩu ngày càng giảm thì nguồn thu từ hoạt động nhập khẩu nói chung và nhập khẩu ô tô sẽ dần dần chiếm tỷ lệ nhỏ trong ngân sách, đúng như xu hướng của thế giới. Và Chính phủ đã có những chuẩn bị cho tình hình này.
Ông Nguyễn Quang Sơn, Trưởng phòng Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan thì cho rằng, bên cạnh yếu tố là chính sách thuế thay đổi thì thị trường chững lại còn để nghe ngóng những quyết định cuối cùng từ phía Chính phủ, Bộ Công Thường sau khi Thông tư 20 về điều kiện nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc bị bãi bỏ theo Luật Đầu tư mới.
Ông Trần Tấn Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Liên Á Quốc tế - Audi Việt Nam cho rằng, thị trường chững lại do người tiêu dùng phản ứng với chính sách thuế.
Đầu năm 2016, Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, giá tính thuế bằng giá nhập khẩu bán ra cộng với 5% lợi nhuận. Đến đầu tháng 7-2016, khi Luật sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực thì cách tính được thay đổi thêm lần nữa.
Theo ông Trung, một năm, chính sách thay đổi hai lần đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường. Các nhà nhập khẩu thì mất đi 50% lợi nhuận. Đó là lý do xe được nhập khẩu ồ ạt về trong năm 2015 cũng như trước ngày 1-7-2016. Nó cũng giống như thời điểm năm 2012, khi thuế trước bạ tăng từ 10% lên 20%, thị trường đã sụt 40%.
“Chính sách thuế ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường. Người tiêu dùng khi thuế tăng thì giảm mua, còn nếu thuế giảm thì có tâm lý chờ đợi, từ từ mua để chờ thuế giảm tiếp. Điều này buộc nhà nhập khẩu phải quan sát, tính toán, thăm dò”, ông Trung nói.
Tương tự, theo ông Trung, các nhà lắp ráp cũng như vậy, luôn điều chỉnh để phù hợp với chính sách thuế giữa xe nhập khẩu nguyên chiếc và linh kiện. Chẳng hạn, khi xe bán tải chịu thuế cao hơn linh kiện thì các doanh nghiệp tăng cường lắp ráp. Ngược lại, khi thuế xe nguyên chiếc, nhất là từ Thái Lan giảm xuống thì tăng cường nhập khẩu.
Ông Nguyễn Tô An, Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam lại không đồng tình với các lý giải trên. Theo ông An, số liệu của cơ quan đăng kiểm cho thấy, năm 2014 và năm 2015 thị trường tăng trưởng đột biến chủ yếu là về phương tiện xe tải, đầu kéo, rơ mooc. Nguyên nhân là quy định về kiểm tra tải trọng có hiệu lực, nhu cầu thị trường với dòng xe này tăng mạnh. Đến nay thì thị trường đã bão hòa, nhu cầu đã được đáp ứng nên lượng xe nhập khẩu giảm.
“Nhìn vào số lượng thì thấy suy giảm ở dòng xe ô tô cá nhân, xe du lịch không nhiều. Giảm nhiều là ở dòng xe rơ mooc, xe tải… có nguồn gốc từ Trung Quốc”, ông An nói.
Ông Trần Hoàng Phong, Đội trưởng Đội kiểm tra chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam dẫn chứng, nhìn vào số liệu nhập khẩu ô tô 6 tháng thì thấy số lượng nhập khẩu xe rơ mooc, đầu kéo giảm đến một nửa so với cùng kỳ năm 2015, còn xe dưới 9 chỗ thì không đổi.
Nhập khẩu xe theo đơn đặt hàng riêng từ Việt Nam sẽ khó hơn
Ông Nguyễn Tô An cho biết, Cục Đăng kiểm đang xây dựng dự thảo thông tư về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu để trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt.
Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất xe nhập khẩu do nhà nhập khẩu Việt Nam đặt hàng đưa về cho thị trường Việt Nam sẽ phải đáp ứng nhiều điều kiện hơn, không còn dễ dàng như hiện nay.
Cụ thể, các xe này không được nhập khẩu ngay mà phải xuất trình được hồ sơ thiết kế của phương tiện để cơ quan chức năng thẩm định, xem xét. Lâu nay, khâu này chưa được đề cao nên các dòng xe này dù nhà sản xuất cũng như cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu chưa chứng nhận, thừa nhận thì vẫn được nhập khẩu vào Việt Nam.
Ông An đánh giá, quy định này khi được thông qua chắc chắn sẽ tác động lớn đến các nhà nhập khẩu chính hãng, nhất là các nhà nhập khẩu hàng từ Trung Quốc.