|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trăn trở với ngành khai khoáng

08:05 | 24/12/2016
Chia sẻ
Hôm qua (23/12), Ban Kinh tế Trung ương phối hợp cùng Liên minh Khoáng sản tổ chức buổi tọa đàm “Chủ trương, chính sách khoáng sản sau 5 năm thực hiện và định hướng thời kỳ mới”. Đa số các đại biểu tham dự là các chuyên gia nghiên cứu về ngành khai khoáng đều trăn trở về tình hình hiện tại cũng như tương lai của ngành. Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát chủ trì buổi tọa đàm.
tran tro voi nganh khai khoang
Có ý kiến cho rằng thời điểm đỉnh cao của ngành khai khoáng đã qua và sẽ không lặp lại bao giờ trong tương lai.

Đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW được ban hành ngày 28/10/2011, ông Vũ Mạnh Hùng, Vụ Nông nghiệp - Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, ngay sau khi Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực cũng như Nghị quyết 02 được ban hành, các bộ, ngành chức năng đã khẩn trương triển khai công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết hướng dẫn và thi hành luật.

Chính từ đây, ngành khoáng sản của Việt Nam có chuyển biến tích cực. Việt Nam đã hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp, khai thác, chế biến sâu như lọc, hóa giàu, sắt thép, đồng chì – kẽm, phân bón, hóa chất, chế biến kim loại quý hiếm như Khu công nghiệp Tian tại Bình Thuận, Khu công nghiệp Alumin – nhôm tại Đắk Nông. Ngành xi măng Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 tại khu vực Đông Nam Á, ngành vật liệu đá ốt lát cũng phát triển mạnh tại Yên Bái, Nghệ An và có tiếng trên thị trường quốc tế.

Nhầm lẫn giữa “tài nguyên” và “trữ lượng”?

Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho biết, trên thực tế một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng việc khai thác về sử dụng hiệu quả cũng như tiết kiệm tài nguyên khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trước mắt nhưng phải tính đến nhu cầu lâu dài; khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh – quốc phòng và phát triển bền vững.

Theo ông Hùng, hiện tại những mặt hạn chế của ngành khai khoáng là khá nhiều. Điển hình như việc khai thác thông qua hình thức đấu giá chưa nhiều. Chưa có đổi mới về công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến khoáng sản… “Thống kê cho thấy số lượng địa phương để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép còn nhiều, nhất là đối với cát, sỏi lòng sông (gần 30 tỉnh, thành), gây thất thoát lòng sông, gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách nhà nước, gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong dư luận xã hội”, ông Hùng nói.

Đồng quan điểm với ông Hùng, Tiến sỹ Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án than Đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho rằng việc đánh giá thực tế trữ lượng khoáng sản của chúng ta chưa đúng thực chất. Khảo sát cho thấy con số thực tế về tình trạng trữ lượng khoáng sản hiện tại rất thấp, Việt Nam chỉ có khoảng 30 khoáng vật khai thác được nhưng thuộc loại trung bình và nhỏ. “Ví dụ như Titan các mỏ Titan sa khoáng có hàm lượng rất thấp, tiêu chuẩn đánh giá trữ lượng chúng ta để quá thấp. Việt Nam chỉ có 20 triệu tấn thôi, chứ không phải 600 triệu tấn như báo cáo”, ông Sơn cho rằng chúng ta đang nhầm lẫn giữa khái niệm “tài nguyên” và “trữ lượng”.

Công nghệ lạc hậu, chậm đổi mới

Cũng theo ông Sơn, trong ngành khai khoáng của Việt Nam, công nghệ khai thác, chế biến vừa lạc hậu, vừa chậm đổi mới và thường đi sau nước ngoài 50 năm. Vì vậy, tổn thất trong khai thác tài nguyên rất lớn. Công nghệ kỹ thuật chế biến cũng rất lạc hậu, mức độ chế biến chưa sâu, chủ yếu xuất khẩu quặng thô. “Từ việc lạc hậu về công nghệ kỹ thuật dẫn tới giá thành khai thác lớn, năng suất lao động thấp, tổn thất trong khâu chế biến cao, sản phẩm không có sức cạnh tranh và điều kiện của công nhân chậm được cải thiện”, ông Sơn nói.

Còn Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương Nguyễn Ngọc Thành cũng cho biết, cơ chế chính sách của chúng ta còn khá nhiều bất cập. Việc chúng ta hạn chế doanh nghiệp nước ngoài tham gia góp vốn trong lĩnh vực khai khoáng dẫn đến hệ quả rất lớn là chúng ta không nhận được chuyển giao công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến khoáng sản: “Ví dụ như chúng ta đã kêu gọi nước Nga nhiều để họ chuyển giao công nghệ. Nhưng ta lại không cho phép họ cùng sở hữu mỏ nên họ nhất quyết nói không”.

Ông Hùng cho biết thêm, cùng với những vấn đề trên thì vấn đề nhân lực quản lý nhà nước về khoáng sản ở nhiều địa phương cũng có vấn đề. Tại các địa phương nhân lực còn mỏng về số lượng, yếu về chất lượng cũng như chuyên gia về khoáng sản. Cùng với đó, trách nhiệm quản lý bảo vệ tài nguyên khoáng sản của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương còn buông lỏng, việc xử lý các tổ chức cá nhân, vi phạm pháp luật về khoáng sản, nhất là các hoạt động khoáng sản trái phép chưa quyết liệt. Chưa có hình thức xử lý mạnh với cán bộ sai phạm, thậm chí lãnh đạo chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng khai khoáng kéo dài nhưng không xử lý dứt điểm.

Định hướng nào cho tương lai?

Theo ông Vũ Mạnh Hùng, những quan điểm và mục tiêu về khoáng sản công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Nghị quyết 02 phù hợp với nội dung quản lý nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản hiệu quả, bền vững, đồng thời vẫn phù hợp với bối cảnh, tình hình kinh tế - xã hội hiện nay và giai đoạn tới. Do đó, cần tiếp tục quán triệt thực hiện Nghị quyết 02 thông qua việc đổi mới, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và chính sách khuyến khích phát triển hoạt động khoáng sản; phát triển hợp tác quốc tế trong khai khoáng…

Ông Lê Ái Thụ, Tổng hội Địa chất Việt Nam thì cho rằng, việc đấu giá quyền khai thác mỏ cần minh bạch hơn. Bởi vì trên thực tế, nếu đấu giá tại khu vực chưa có kết quả thăm dò còn rất “tù mù”, mơ hồ, Nhà nước không biết vật mang đấu giá to như thế nào và nhỏ như thế nào. Còn đấu giá khu vực có kết quả thăm dò, như mỏ đồng Sinh Quyền, Nhà nước bỏ tiền ra thăm dò mà các mỏ đã có chủ.

Nhắc lại thời điểm năm 2008, ông Sơn cho rằng đó là thời điểm đỉnh cao của ngành khai khoáng. Theo ông, sẽ không lặp lại thời kỳ đó bao giờ nữa trong tương lai. Ông cho rằng thế giới hiện giờ đang trong cuộc cách mạng khoa học lần thứ 4, các nước đang giảm dần sự phụ thuộc vào tài nguyên khoáng sản. Do vậy, theo ông, Việt Nam cũng phải chuyển dần từ khai thác khoáng sản sang khai thác tài nguyên thiên nhiên những thứ vô tận và tái tạo được như khai thác năng lượng mặt trời, năng lượng gió, đất.

Phạm Diệu