TP.HCM: Xem xét trách nhiệm người đứng đầu nếu giải ngân chậm
Chiều 15-3, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì hội nghị giải ngân vốn ngân sách trên địa bàn. Ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM đến dự.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang trao bằng khen cho các tập thể thực hiện tốt công tác giải ngân năm 2018. Ảnh: TÁ LÂM
Nhiều đại biểu cho rằng những hạn chế trong công tác giải phóng mặt bằng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện dự án, tiến độ giải ngân.
Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết niên độ ngân sách năm 2018 (ngày 31-1-2019), TP.HCM giải ngân chỉ đạt 76% tổng kế hoạch vốn được giao.
Một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của TP là do chậm giải ngân nguồn vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, chỉ giải ngân được 2,6%. Bên cạnh đó, vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương giải ngân cũng chỉ đạt 63%. Nguyên nhân chủ yếu là do dự án đầu tư xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 Bến Thành - Tham Lương đang thực hiện điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư nên TP chưa có cơ sở để giải ngân kế hoạch vốn đã được Trung ương giao trong năm 2018.
Cùng với dự án trên, dự án cải thiện môi trường nước TP lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ giai đoạn 2 cũng vướng thủ tục pháp lý do thay đổi về chính sách thuế nhập khẩu đối với hàng hóa, thiết bị tạo tài sản cố định của các dự án ODA.
Riêng về nguồn vốn ngân sách TP, bà Mai cho biết cũng chỉ giải ngân đạt 90% kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của một số dự án trọng điểm của TP còn thực hiện chậm, kéo dài, trong năm phải thực hiện điều chỉnh giảm kế hoạch vốn. Công tác bồi thường đôi khi chưa nhận được sự đồng thuận của người dân, vấp phải phản ứng quyết liệt. Công tác thẩm định, phê duyệt đơn giá bồi thường T1, T2 còn chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn của dự án.
Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cho rằng một trong những khó khăn lớn nhất trong thực hiện các dự án giao thông là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, với chi phí thường chiếm trên 50% tổng mức đầu tư dự án.
Từ đó, ông Lâm kiến nghị TP.HCM cần sớm ban hành quy trình thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để làm cơ sở xác lập kế hoạch, tiến độ triển khai đối với dự án có giải phóng mặt bằng. Ông cũng kiến nghị, nếu đa số người dân bị ảnh hưởng bởi dự án đồng thuận chính sách bồi thường, TP nên cho tạm ứng vốn nhanh đối với các dự án đã có quyết định thu hồi đất. Thậm chí có thể xem xét tạm ứng cho các hộ dân khi đa số đồng ý giá T1.
Một nguyên nhân khác, Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Phước Hưng, cho biết thực tế một khó khăn xảy ra là do giá quá chênh lệch với thị trường nên có trường hợp người dân nhận 70% tiền nhưng không bàn giao mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, thực hiện các dự án. Ông cũng nêu ra một thực tế, thời gian thẩm định giá đất T1, T2 quá lâu, người dân đồng ý giá T1, đến khi có giá T2 thì người dân lại không đồng ý nữa vì giá đã thay đổi.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng, giải ngân chậm có nguyên nhân người đứng đầu một số cơ quan chưa quan tâm đến công tác quản lý dự án, giao hẳn cho cấp phó; thiếu đôn đốc, giám sát, dẫn đến công tác thẩm định, phê duyệt dự án kéo dài. Đó là trách nhiệm của người đứng đầu và chủ đầu tư dự án. Từ đó, ông yêu cầu các đơn vị phải nâng cao trách nhiệm cơ quan chủ quản, người đứng đầu, chủ đầu tư dự án trong việc giải ngân.
Ông cũng giao đến 31-7, nếu giải ngân dưới 50% phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, người đứng đầu và cá nhân liên quan. Đến cuối năm 2019, giải ngân dưới 90% thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ và không chi thu nhập tăng thêm.