TP.HCM: Đẩy nhanh tiến độ khởi động tuyến metro số 2
“Chúng tôi đang tập trung công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho dự án tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Thời gian qua, dự án cũng điều chỉnh tăng mức đầu tư nên cần tiếp tục tổ chức thẩm định, phê duyệt”. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), cho biết như trên.
Hoàn thiện hồ sơ mời thầu
Theo báo cáo mới nhất của MAUR, dự kiến trong năm 2019, công tác điều chỉnh dự án tuyến metro số 2 sẽ hoàn thành và bắt đầu tổ chức công tác lựa chọn các gói thầu chính. Dự án có tám gói thầu chính.
“Trước mắt gói thầu CP0 (di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật) cần được khẩn trương thực hiện. Cụ thể, gói thầu này đang được nghiên cứu để đề xuất lại phương án thực hiện hiệu quả, phù hợp với quy định và tình hình thực hiện sau khi UBND TP có quyết định hủy thầu trước đó” - văn bản báo cáo của MAUR nêu rõ.
Tiếp theo, gói thầu CP1 làm tòa nhà văn phòng và depot Tham Lương nhà thầu đã hoàn thành công tác thi công, hiện MAUR đang rà soát và giải quyết các vấn đề còn lại của hợp đồng.
Song song đó, gói thầu CP2 làm hạ tầng depot Tham Lương đang được hoàn thiện hồ sơ mời thầu. Còn gói thầu CP3a - CP3b hầm và các ga ngầm, MAUR tiếp tục phát hành hồ sơ và các phụ lục điều chỉnh hồ sơ mời thầu (giai đoạn 4).
Theo MAUR, các gói đang hoàn thiện hồ sơ mời thầu: CP4 làm đoạn trên cao, cầu cạn, đường dẫn vào depot Tham Lương, đường ray, cơ điện không hệ thống. Riêng gói CP5 cơ điện hệ thống thì đang kiện toàn tổ chuyên gia đấu thầu.
Phối cảnh tổng thể nhà ga dự án metro số 2. (Ảnh do Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cung cấp)
Hai khó khăn cần tháo gỡ
Về những trở ngại trước mắt, MAUR nhận định có hai khó khăn cần tháo gỡ cho dự án để đẩy nhanh tiến độ: Thứ nhất về phát sinh hợp đồng tư vấn IC và thứ hai là giải phóng mặt bằng.
Do các nguyên nhân khách quan, căn cứ tình hình thực tế phải triển khai thực hiện dự án, MAUR đã xin chủ trương cho phép được phát sinh hợp đồng tư vấn IC (để thực hiện các công việc của dự án theo pháp lý về thời gian thực hiện dự án).
“MAUR đã chuẩn bị các nội dung và sẽ chủ động tiến hành thương thảo với tư vấn IC về việc phát sinh hợp đồng và bắt đầu lại dịch vụ tư vấn trong quý II-2019. Tuy nhiên, để đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý, chúng tôi sẽ báo cáo UBND về kết quả thương thảo trước khi tiến đến ký kết các phụ lục hợp đồng” - báo cáo của MAUR nêu giải pháp. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, MAUR sẽ kiến nghị UBND TP thành lập tổ công tác thay mặt UBND TP xem xét, có ý kiến về hợp đồng tư vấn IC này.
Khó khăn còn lại của dự án được nhận diện là về giải phóng mặt bằng. Tổng số hộ dự án cần giải tỏa là 614 hộ đi qua sáu quận bị ảnh hưởng bởi dự án (một phần: 463 hộ; toàn phần: 151 hộ) với tổng diện tích 251.136 m2 (không bao gồm depot Tham Lương).
Hiện Sở TN&MT đã hoàn thành thủ tục phê duyệt giá bồi thường (giá T1 và T2) và UBND các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú đã hoàn thành phương án bồi thường, sẵn sàng phê duyệt, ban hành các quyết định bồi thường.
Tuy nhiên, do vướng mắc công tác liên quan khác chưa được phê duyệt nên UBND các quận đã không thể tiếp tục tiến hành công tác bồi thường, đồng thời giá bồi thường được phê duyệt cũng đã hết hiệu lực (chứng thư thẩm định giá chỉ có hiệu lực trong vòng sáu tháng). Do đó, các quận đã trả vốn kế hoạch năm 2018. Riêng trường hợp quận 3 vẫn tiến hành ban hành quyết định thực hiện việc bồi thường và bàn giao mặt bằng.
Để tháo gỡ vướng mắc và có thể tiến hành bàn giao mặt bằng vào cuối năm 2019, MAUR kiến nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP xem xét, chỉ đạo việc thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Việc này gắn với trách nhiệm của cấp ủy địa phương và cá nhân người đứng đầu cấp ủy nơi dự án đi qua, nhằm thể hiện quyết tâm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2019.
“Thời điểm dự kiến cần bàn giao mặt bằng cho nhà thầu để thực hiện di dời hạ tầng kỹ thuật là cuối năm 2019, bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà thầu thi công xây lắp là trước tháng 10-2020” - MAUR thông tin.
Về vốn, MAUR kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy nhanh công tác thẩm định và phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án sau khi có hướng dẫn chính thức từ Bộ KH&ĐT với mục tiêu hoàn thành vào tháng 6-2019, làm cơ sở triển khai dự án.
Đề xuất hỗ trợ điều chỉnh tổng mức đầu tư metro
Trước đó, theo đề nghị của Bộ KH&ĐT về chuẩn bị nội dung báo cáo tại cuộc họp định kỳ của Ban chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, UBND TP.HCM đã có báo cáo về tình hình chuẩn bị, thực hiện các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ tại TP.
Theo đó, trong 11 dự án đang triển khai ở TP.HCM có vay vốn ODA thì có bốn dự án đầu tư trọng điểm có quy mô lớn là dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, dự án metro số 2 tuyến Bến Thành - Tham Lương, dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - Tẻ (giai đoạn 2), dự án vệ sinh môi trường TP giai đoạn 2.
Với các dự án đang triển khai, TP.HCM kiến nghị Bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, trong đó hỗ trợ, hướng dẫn TP điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án metro số 1 và số 2.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/