|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TPHCM: Cảng trăm triệu đô có nguy cơ bị 'thất nghiệp'

22:20 | 24/07/2018
Chia sẻ
Từ tháng 6-2017 đến nay, Cảng Container Trung Tâm Sài Gòn (SPCT) tại huyện Nhà Bè, TPHCM đã không còn đón được bất kỳ tàu hàng container tải trọng lớn nào và tình trạng
tphcm cang tram trieu do co nguy co bi that nghiep Kêu gọi tư nhân đầu tư hàng chục cảng cạn 'khủng'

Nguyên nhân chính được cho là do luồng Soài Rạp dẫn từ biến vào khu vực cảng ở Hiệp Phước đã bị bồi lắng nghiêm trọng, nhiều dải cạn và không đạt độ sâu nước -9,5 mét cho tàu lớn vào.

tphcm cang tram trieu do co nguy co bi that nghiep

Một tàu hàng vào cảng SPCT trước đây - Ảnh: TL.

Trao đổi với TBKTSG Online hôm nay (24-7) về hoạt động hiện nay của SPCT, ông Đoàn Hồng Tâm, Phó tổng giám đốc SPCT chia sẻ rằng do "đói hàng" container hơn một năm nay và cả năm ngoái cảng này chỉ tiếp nhận một số tàu nhỏ với sản lượng hàng khoảng 34.000 xe ô tô và trong 6 tháng đầu năm 2018 lượng hàng ô tô về cảng cũng chỉ bằng 20% so với cùng kỳ năm ngoái nên SPCT đang rơi vào thế cực kỳ khó khăn.

Cần nhắc lại rằng cảng SPCT được đầu tư bởi liên doanh giữa Tập đoàn Dubai Ports World (DP World) từ các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Công ty TNHH Một Thành viên phát triển công nghiệp Tân Thuận với tổng vốn đầu tư khoảng 410 triệu đô la Mỹ (giai đoạn 1 khoảng 250 triệu đô la), bắt đầu hoạt động từ năm 2010 với công suất khoảng 1,5 triệu TEU mỗi năm.

Cảng này cũng được quy hoạch là cảng chính của cụm cảng Hiệp Phước gắn liền với tuyến lưu thông qua luồng sông Soài Rạp với chiều dài từ cửa biển vào tới khu vực cảng khoảng 54 km.

Trước đây, khi quy hoạch xây dựng các cảng khu vực Hiệp Phước thì TPHCM và các bộ liên quan cũng mất tới khoảng 3.000 tỉ đồng và một khoảng chi phí chừng 300 - 400 tỉ đồng để nạo vét luồng Soài Rạp hàng năm mới có thể đảm bảo độ sâu -9,5 mét cho tàu trên 30.000 tấn đầy tải và tàu hàng container 50.000 tấn giảm tải vào vùng cảng Hiệp Phước được.

"Trong thời gian gần đây do luồng Soài rạp lại bị bồi lắng nghiêm trọng nên một số cảng khu vực Hiệp Phước trong đó có SPCT gặp vô vàn khó khăn. Tàu lớn không vào được nên từ tháng 6-2017 đến nay chúng tôi ngưng làm hàng container, chỉ còn làm hàng ô tô nhập về bằng tàu tải trọng nhỏ hơn", ông Tâm cho hay.

Ngoài cảng SPCT, khu vực Hiệp Phước còn có một số cảng khác như Tân Cảng Hiệp Phước, Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước và một số cảng chuyên dùng khác khu vực khu công nghiệp Hiệp Phước.

Vài năm gần đây, luồng Soài Rạp đang có hiện tượng bị bồi lắng với tốc độ rất nhanh tạo nhiều điểm cạn, dải cạn dọc theo luồng dẫn đến việc luồng tàu vào các cảng khu vực này không đủ sâu để tiếp nhận các tàu tải trọng lớn theo thiết kế của các cảng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khai thác cầu bến và kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cảng, theo đại diện SPCT.

Câu chuyện luồng cạn, cảng "đói hàng" tại khu vực cảng Hiệp Phước đã lên tới mức nghiêm trọng khi mới đây nhất, vào tháng 12-2017 tàu chở xe hơi Castor Leader của hãng tàu NYK (Nhật Bản) trên đường vào cảng SPCT đã bị mắc cạn trong suốt 6 giờ. Ngoài ra, từ đầu tháng 3-2018 đến nay các tàu hàng ra vào các cảng khu vực Hiệp Phước có mớn nước hành trình lớn hơn 7,5 mét đều buộc phải chuyển sang luồng Sài Gòn - Vũng Tàu (sông Lòng Tàu) vốn hẹp hơn, khúc khuỷu hơn, khoảng cách và thời gian hành trình trên luồng dài hơn.

Cũng theo SPCT, sau diễn biến luồng Soài Rạp bị bồi lắng nghiêm trọng thì các hãng tàu đang có dịch vụ với SPCT như NYK, MOL, KLine hồi đầu năm nay đã yêu cầu SPCT cung cấp thông tin về hiện trạng và kế hoạch nạo vét luồng Soài Rạp để họ có cơ sở điều động tàu hàng vào TPHCM. Tuy nhiên, bản thân SPCT không thể đáp ứng yêu cầu của khác hàng bởi việc nạo vét luồng này hoàn toàn phụ thuộc vào trách nhiệm và kinh phí Nhà nước bỏ ra chứ không phải các chủ cảng.

Để duy trì hoạt động của cảng mình, đại diện SPCT đề xuất chính quyền TPHCM cũng như các bộ liên quan sớm có kế hoạch nạo vét duy tu luồng Soài Rạp.

Theo thông tin TBKTSG Online nắm được, mặc dù việc nạo vét luồng lạch hàng năm chủ yếu sử dụng kinh phí từ trung ương, nhưng chính quyền TPHCM cũng từng đề xuất được ứng trước ngân sách thành phố khoảng 300 tỉ đồng để nạo vét luồng Soài Rạp ở các năm trước và đang tiếp tục đề xuất ứng thêm khoảng 400 tỉ đồng để nạo vét luồng Soài rạp trong năm 2018 này để "giải cứu" cảng ở Hiệp Phước.

Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách thành phố khó khăn thì việc bố trí gần 400 tỉ đồng ứng trước để duy tu nạo vét luồng Soài rạp cũng là điều không hề dễ dàng trong lúc này.

Trao đổi với TBKTSG Online chiều nay (24-7), ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết TPHCM sẽ bỏ kinh phí từ ngân sách ra khoảng 360 tỉ đồng để nạo vét luồng Soài Rạp và dự án duy tu nạo vét luồng Soài Rạp dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 12 năm nay.

Với thông tin từ lãnh đạo ngành giao thông vận tải thành phố nói trên, có thể thấy tình trạng khó khăn do "đói hàng" có thể chồng chất lên vai các chủ cảng khu vực Hiệp Phước kéo dài thêm ít nhất nửa năm nữa mới có thể chấm dứt.

Xem thêm

Văn Nam