|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

TPBank chốt phương án tăng vốn điều lệ lên 10.717 tỉ đồng

08:10 | 28/10/2020
Chia sẻ
HĐQT TPBank thông qua phương án tăng vốn từ 8.566 tỉ đồng lên gần 10.717 tỉ đồng thông qua chia cổ tức, thưởng bằng cổ phiếu và phát hành ESOP.
TPBank chốt phương án tăng vốn điều lệ lên 10.717 tỉ đồng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Tieudungplus).

Mới đây, HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - Mã: TPB) đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ gần 8.566 tỉ đồng lên gần 10.717 tỉ đồng. Việc tăng vốn được chia thành hai đợt.

Cụ thể, trong đợt 1, TPBank sẽ tăng vốn điều lệ thêm hơn 1.811 tỉ đồng thông qua phát hành thêm hơn 181 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Trong đó, ngân hàng phát hành hơn 163 triệu cổ phiếu phổ thông để trả cổ tức theo tỉ lệ 20%. Đồng thời, phát hành gần 18 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương với tỉ lệ chia 2,18%.

Trong đợt 2, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ thêm gần 340 tỉ đồng thông qua phát hành khoảng 34 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), tương ứng tỉ lệ phát hành là 4,16%.

Số cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng tối đa trong vòng 2 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. HĐQT có quyền quyết định nới lỏng thời gian hạn chế chuyển nhương tùy thuộc vào chính sách nhân sự nhưng không được sớm hơn 9 tháng kể từ khi kết thúc đợt phát hành.

Theo phương án ban đầu được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 6, TPBank dự kiến tăng vốn từ 8.566 tỉ đồng lên 10.199 tỉ đồng, tương đương tăng 1.633 tỉ đồng bằng phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ 20%. Thời gian thực hiện trong quí III và quí IV.

Vào đầu tháng 7, TPBank đã thực hiện xin ý kiến cổ đông và được chấp thuận điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 10.792 tỉ đồng thay vì mức 10.199 tỉ đồng đã được ĐHĐCĐ thường niên 2020 thông qua.

Đến giữa tháng 10, ngân hàng tiếp tục điều chỉnh và xin ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn như hiện tại.

Về kết quả hoạt động kinh doanh, TPBank ghi nhận lợi nhuận lũy kế 9 tháng đạt 3.024 tỉ đồng, tăng 25,8% cùng kì năm trước và thực hiện được gần 75% chỉ tiêu cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.420 tỉ đồng, tăng 25,8%.

Tính đến 30/9, tổng tài sản của ngân hàng tăng 17,6% so với cuối năm trước, đạt 193.461 tỉ đồng. Trong đó, số dư cho vay khách hàng đạt 110.340 tỉ đồng, tăng 15,4%. Tiền gửi khách hàng đạt 108.694 tỉ đồng, tăng 17,6%.

Về chất lượng tín dụng, nợ xấu của ngân hàng tăng 59,6% so với cuối năm trước lên mức 1.971 tỉ đồng nợ xấu. Qua đó, kéo tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,29% lên 1,79%

Lê Huy

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.