|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

TP HCM rất cần quỹ đất để phát triển hạ tầng dịch vụ trước khi khan hiếm

07:34 | 04/07/2019
Chia sẻ
Trong số 26.000 ha đất nông nghiệp chuyển đổi, TP HCM cần dành diện tích thích hợp để xây dựng phát triển hạ tầng dịch vụ trên địa bàn TP. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cần phải tăng cho lĩnh vực này nếu làm chậm sẽ không còn quỹ đất để phát triển thêm.

Đây là ý kiến của ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP HCM tại Hội thảo khoa học về phát triển hạ tầng chị vụ TP HCM chiều 3/7.  Ông Hoan cho rằng TP vẫn phải giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại trong phát triển hạ tầng ngành dịch vụ.  TP cần có nhận thức toàn diện hơn để việc quy hoạch hạ tầng dịch vụ có bước chuẩn bị chủ động nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển

Tân Phó chủ tịch UBND TP nhận định cần phải có cái nhìn khác về các ngành dịch vụ. Dịch vụ không chỉ dừng lại ở các ngành truyền thống như du lịch, lưu trú, vui chơi giải trí mà còn là các ngành như tài chính, ngân hàng, vận chuyển, các ngành lâu nay được xem là dịch vụ công như dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao.

du_an_bitexco

Trong số 26.000 ha đất nông nghiệp chuyển đổi, TP HCM cần dành diện tích thích hợp để xây dựng phát triển hạ tầng dịch vụ. Ảnh: Zing.vn

Ông cho rằng sự liên kết của các ngành này sẽ hiệu quả và chặt chẽ hơn nếu được gắn liền với những ứng dụng về công nghệ thông tin, tạo ra sự phát triển vượt bậc ở địa phương và quốc gia.

Theo ông Hoan, quy hoạch hạ tầng dịch vụ cần phải đi trước một bước và gắn liền với quy hoạch phát triển từng ngành, đồng thời có sự liên kết. "Nếu không thể làm được điều này, chúng ta sẽ không thể thay đổi chất lượng các ngành dịch vụ hiện nay một cách mạnh mẽ. Còn mỗi ngành tự phát triển thì không thể tạo nên hiệu ứng tích cực, không thể thay đổi mạnh mẽ chất lượng dịch vụ chung của TP." Ông Hoan nhấn mạnh.

Đề cập đến quỹ đất để phát triển hạ tầng dịch vụ, ông Hoan cho biết hiện trung ương đã cho phép TP chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp cho các mục đích sử dụng đất khác nhau.

"Vấn đề là chúng ta sử dụng như thế nào. Kế hoạch sử dụng đất hằng năm phải nghiên cứu tăng cho phát triển hạ tầng dịch vụ. Nếu chúng ta chậm trễ thì coi chừng không còn đất cho phát triển hạ tầng dịch vụ thêm nữa", ông Hoan cảnh báo.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm từ các đô thị phát triển trên thế giới, ông Hoan cho rằng cần phải xã hội hóa việc phát triển hạ tầng dịch vụ để huy động các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực trong dân, từ các doanh nghiệp tư nhân cả trong và ngoài nước.

"Không chỉ vậy, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản cần thay đổi tư duy và nhìn nhận đầu tư phát triển dịch vụ là nguồn đầu tư lâu dài. Đảm bảo được các vấn đề hạ tầng kết nối, tiện ích xung quanh thuận lợi chứ không phải làm xong công trình là xong" ông Hoan nhấn mạnh

Điều quan trọng nữa, đối với việc hình thành các "hạ tầng mềm", đại diện chính quyền TP HCM cũng khẳng định cần có một cơ chế chính sách mạnh mẽ hơn, có những chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, về lĩnh vực đầu tư xây dựng, trong cách quản lý và vận hành những công trình tư nhân sử dụng đất công.

B.Nguyên